Reuters: Trung Quốc gây sức ép, yêu cầu Iran kiềm chế Houthi

Khánh Như
Khánh Như
26/01/2024 09:36 GMT+7

Các nguồn tin độc quyền của Reuters nói rằng các quan chức Trung Quốc và Iran đã có một số cuộc thảo luận về hoạt động của lực lượng Houthi trên biển Đỏ.

Reuters ngày 26.1 dẫn các nguồn tin độc quyền cho biết các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu các đối tác Iran giúp kiềm chế các cuộc tấn công của Houthi vào tàu thuyền ở biển Đỏ.

Trung Quốc gây sức ép lên Iran?

Theo 4 nguồn tin Iran và 1 nhà ngoại giao thân thuộc với vấn đề, các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và Iran đã diễn ra tại một số cuộc họp gần đây ở Bắc Kinh và Tehran. Tuy nhiên, nguồn tin từ chối nêu chi tiết về thời gian diễn ra họp hoặc thông tin về những người tham dự.

"Về cơ bản, Trung Quốc nói: 'Nếu lợi ích của chúng tôi bị tổn hại theo bất kỳ cách nào, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi với Tehran. Vì vậy, hãy yêu cầu Houthi thể hiện sự kiềm chế'", một quan chức giấu tên của Iran tiết lộ với Reuters.

Reuters: Trung Quốc gây sức ép, yêu cầu Iran kiềm chế Houthi- Ảnh 1.

Một tay súng Houthi điều khiển súng máy trên một chiếc xe bán tải ở Yemen ngày 25.1

REUTERS

Houthi được Iran hậu thuẫn, đã thực hiện các cuộc oanh tạc liên tiếp vào biển Đỏ. Các cuộc tấn công mà Houthi cho là "nhằm hỗ trợ người Palestine ở Dải Gaza", đã làm gián đoạn tuyến đường thương mại quan trọng giữa châu Á và châu Âu, vốn được các tàu của Trung Quốc sử dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, các quan chức Bắc Kinh không đưa ra bất kỳ bình luận hay cảnh báo cụ thể nào về mức độ tổn hại trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Iran nếu các cuộc tấn công của Houthi tiếp diễn, theo 4 nguồn tin Iran.

Phái đoàn Houthi bất ngờ đến Nga; Hamas ra điều kiện mới về lệnh ngừng bắn

Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran trong thập niên qua, mối quan hệ thương mại của 2 nước lại không cân bằng. Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã mua hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran vào năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty phân tích thương mại Kpler (Bỉ).

Tuy nhiên, dầu của Iran chỉ chiếm 10% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc và Bắc Kinh có một loạt nhà cung cấp có thể bù đắp nếu thiếu hụt nguồn cung từ Tehran.

Các nguồn tin Iran cho biết Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ sẽ rất thất vọng với Tehran nếu bất kỳ tàu nào liên quan đến Trung Quốc bị tấn công, hoặc lợi ích của nước này bị ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào.

Khi được yêu cầu bình luận về các cuộc gặp với Iran để thảo luận về các cuộc tấn công ở biển Đỏ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc là một người bạn chân thành của các nước Trung Đông và cam kết thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực cũng như tìm kiếm sự phát triển và thịnh vượng chung".

"Chúng tôi kiên quyết ủng hộ các nước Trung Đông trong việc tăng cường độc lập chiến lược cũng như đoàn kết và hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực", Bộ này nói với Reuters.

Bộ Ngoại giao Iran chưa bình luận về thông tin trên.

Gián đoạn thông thương hàng hải toàn cầu

Trong diễn biến khác, Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính lưu lượng thông thương đường biển đi qua kênh đào Suez đã giảm hơn 40% trong 2 tháng qua. Đây là kết quả của các cuộc bắn phá nhằm vào tàu buôn ở biển Đỏ, AFP đưa tin.

Reuters: Trung Quốc gây sức ép, yêu cầu Iran kiềm chế Houthi- Ảnh 2.

Hình ảnh công bố ngày 20.11.2023 cho thấy các tay súng Houthi tấn công một tàu ở biển Đỏ

REUTERS

Ông Jan Hoffman, người đứng đầu Hội nghị Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD), nói với các phóng viên hôm 25.1 rằng: "Chúng tôi rất lo ngại rằng các cuộc tấn công vào vận tải biển Đỏ đang gây thêm căng thẳng cho thương mại toàn cầu, làm trầm trọng thêm sự gián đoạn thương mại (hiện có) do địa chính trị và biến đổi khí hậu".

Theo UNCTAD, các hiện phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng của Nam Phi để tránh bị tấn công. Điều này đã khiến lưu lượng vận chuyển qua Kênh Suez giảm 42% trong 2 tháng qua. Kênh đào Suez ở Ai Cập nối biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ.

Ông Hoffman cho biết hơn 80% khối lượng thương mại hàng hóa quốc tế được thực hiện qua đường biển. Ông nói: "Vận tải hàng hải thực sự là huyết mạch của thương mại toàn cầu".

Điểm xung đột: Nga tố Ukraine bắn máy bay chở tù binh; tên lửa Houthi trúng tàu chiến Mỹ

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các tuyến thông thương trên biển khác cũng đối mặt nguy cơ gián đoạn, với việc vận chuyển qua biển Đen bị hạn chế nghiêm trọng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra gần 2 năm trước, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt.

Hạn hán ở Trung Mỹ đã khiến mực nước ở Kênh đào Panama giảm xuống, làm giảm đáng kể lượng phương tiện giao thông có thể đi qua tuyến đường quan trọng này.

UNCTAD cảnh báo: "Sự gián đoạn kéo dài trên các tuyến thương mại chính sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến việc giao hàng bị trì hoãn, chi phí tăng và lạm phát tiềm tàng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.