Đánh giá trên được đưa ra sau khi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) hồi cuối tuần rồi tuyên bố thủy phi cơ Giao Long (AG600) sẽ thực hiện chuyến bay xa bờ và hạ cánh xuống nước trong năm nay, theo chuyên san The National Interest.
Theo các chuyên gia, dù Trung Quốc tuyên bố AG600 chỉ thực hiện sứ mạng cứu hộ nhưng vẫn có thể điều máy bay này chở binh sĩ và thiết bị quân sự đến bất kỳ địa điểm nào ở Biển Đông, nhất là những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tờ Hoàn cầu Thời báo trước đó đăng tải bài viết cho rằng AG600 có thể cất cánh từ đảo Hải Nam và di chuyển đến bất kỳ khu vực nào trên Biển Đông chỉ trong vòng vài giờ. Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng New Zealand và Malaysia đã bày tỏ quan tâm đến máy bay này.
|
Hồi 24.12.2017, AG600 đã có chuyến bay đầu tiên, cất cánh từ sân bay thành phố Chu Hải (tỉnh Quảng Đông) và hạ cánh sau 1 giờ đồng hồ. “Chuyến bay đầu tiên thành công chứng minh Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có khả năng phát triển thủy phi cơ cỡ lớn”, Tân Hoa xã kiến trúc sư trưởng Hoàng Lĩnh Tài tuyên bố lúc bấy giờ.
AG600 do AVIC nghiên cứu và chế tạo trong 8 năm với kích cỡ tương đương một chiếc máy bay Boeing 737, và hiện là loại lớn nhất trong số các máy bay nào được thiết kế để cất và hạ cánh trên biển, theo AFP.
Với sải cánh 40m, AG600 được trang bị 4 động cơ tua bia cánh quạt, có thể chở 50 hành khách và 3 phi công, bay suốt 12 giờ với tầm hoạt động 5.500km và tốc độ tiết kiệm xăng nhất là 480km/giờ. Theo AVIC, trong số 50.000 linh kiện của Giao Long, 98% là hàng nội địa.
Bình luận (0)