Theo nhiều nguồn tin, bất đồng đã nổ ra giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và quân đội nước này về vụ bắn máy bay Nga.
Hình ảnh này sẽ không sớm xuất hiện lại trong tình hình căng thẳng hiện nay - Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn Sputnik ngày 30.11 dẫn các nguồn từ Ankara loan tin giới tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ “đang rất bực bội” vì những tuyên bố của Tổng thống Erdogan sau vụ chiến đấu cơ nước này bắn hạ máy bay Su-24 của Nga làm 1 phi công thiệt mạng ngày 24.11. Lý do chính là ông Erdogan tuyên bố Ankara không biết chiếc máy bay là của Moscow. “Nếu chúng tôi biết được đó là máy bay Nga, chúng tôi lẽ ra đã cảnh cáo theo cách khác”, ông phát biểu với Đài France 24 hôm 26.11 và tiếp tục lặp lại ý này trong các phát biểu sau đó đồng thời tỏ ra nhất quyết không nhượng bộ Nga.
Theo tờ Sözcü của Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội cho rằng những tuyên bố trên “sẽ khiến dư luận hiểu lầm về năng lực của lực lượng vũ trang và khiến tình hình thêm phức tạp”. “Nếu các chính trị gia giữ im lặng, chúng ta có thể giải quyết vấn đề rất nhanh”, một sĩ quan giấu tên nói với Sözcü. Hiện giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa có phản ứng gì về thông tin trên.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang thể hiện thái độ “vừa cương vừa nhu” liên quan đến vụ việc.
Theo tờ Hurriyet Daily News hôm 30.11, dù tuyên bố mạnh mẽ rằng Ankara có quyền bắn hạ máy bay Nga để “bảo vệ không phận” và thậm chí đòi Moscow xin lỗi, Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ “đau buồn” đồng thời hy vọng “không tái diễn” vụ việc tương tự.
Cũng trong ngày 30.11, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu một mặt khẳng định nước này sẽ không xin lỗi, mặt khác kêu gọi hợp tác trong các chiến dịch không kích ở Syria. “Thông tin liên lạc và sự phối hợp là rất cần thiết. Do có 2 nhóm khác nhau đang cùng tiến hành các chiến dịch trên không phận Syria nên luôn có nguy cơ dẫn đến sự cố”, Reuters dẫn lời ông Davutoglu nói.
Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch gặp người đồng cấp Thổ Erdogan bên lề Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Pháp. Theo Sözcü, Liên Hiệp Quốc đã có những “sắp xếp đặc biệt” để tránh cho 2 nhà lãnh đạo chạm mặt tại hội nghị.
Sau vụ bắn hạ Su-24, Nga đã đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ bằng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, bao gồm đình chỉ chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu các công ty du lịch ngừng bán tour sang nước này.
Theo Hãng thông tấn Anadolou, Nga là một trong những nguồn du khách quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 3 triệu người Nga tham quan nước này trong 9 tháng đầu năm 2015. Thế nên, ngay sau khi Moscow công bố lệnh trừng phạt, Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ Mahir Unal đã lên tiếng kêu gọi du khách Nga không quay lưng với nước ông bất chấp tình hình căng thẳng hiện nay.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm cấm nhập nhiều mặt hàng dệt may, nông sản, thực phẩm và Ai Cập đã ngỏ ý sẵn sàng thế chân Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trường Nga, theo Sputnik.
Trong diễn biến mới nhất, khoảng 1.250 xe tải chở hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ách lại ở biên giới với Nga ngày 30.11.
Bình luận (0)