Robot làm bạn với người già Nhật Bản
“Các cụ ơi, chúng ta cùng hát nhé”, giọng nói trẻ con trong trẻo bắt nhịp cho khoảng 20 cụ già chậm chạp vỗ tay, lẩm nhẩm lời bài hát thiếu nhi nổi tiếng Yuuyake Koyake trong phòng sinh hoạt chung tại Viện dưỡng lão Shintomi.
Tự động phát
Giọng nói dễ thương kia không phải từ cô bé nào mà là của Pepper, robot cao khoảng 1,2 m, đang “say sưa” múa tay để mọi người làm theo. Là sản phẩm của tập đoàn SoftBank, Pepper được trang bị hàng trăm cảm biến để có thể nhận biết cảm xúc, giới tính và đoán tuổi người đối diện.
|
Cùng lúc đó, tại tầng trên, 4 cụ đang chơi đùa cùng Paro và Aibo, những minh chứng khác của lời nhận xét: “Người Nhật cái gì cũng nghĩ tới”. Mang hình dạng như một chú hải cẩu con vô cùng đáng yêu, robot Paro do công ty Daiwa House chế tạo và có thể chớp đôi mắt tròn hơi ướt, ngúc ngoắc đầu mỗi khi bàn tay nhăn nheo vuốt nhẹ lên bộ lông mượt màu hồng. Ở bàn bên kia, 3 chú chó máy Aibo (Sony) liên tục làm trò như đứng thẳng trên hai chân, xoay vòng vòng để mang lại niềm vui trong ánh mắt đã mờ đục của những cụ bà gần đất xa trời.
Người Nhật lâu nay nổi tiếng bởi bí quyết trường thọ của mình. Tuy nhiên, nước này cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già thuộc hàng đứng đầu thế giới. Thống kê của chính phủ cho thấy Nhật Bản hiện có hơn 33 triệu người trên 65 tuổi, chiếm khoảng hơn 26% dân số.
|
Chính vì thế, ngay từ năm 2013, chính phủ đã kêu gọi và trợ giá cho các tập đoàn, công ty đẩy mạnh khai thác thế mạnh về sáng tạo và công nghệ để nghiên cứu phát triển các loại robot phục vụ chăm sóc người cao tuổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là một phần trọng yếu của chiến lược “Tái phục hồi Nhật Bản” do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng.
|
Đại diện Silverwing dẫn lại trường hợp của một cụ bà 97 tuổi bị suy giảm nặng, hầu như không còn nhận biết được xung quanh và cả ngày liên tục yêu cầu được cho đi tắm. Sau một thời gian tiếp xúc với Paro và Aibo, khả năng đối thoại của cụ phần nào được phục hồi và không còn hỏi “Tôi đi tắm được không?” nữa.
Bên cạnh đó, tại Shintomi còn sử dụng nhiều loại công cụ hỗ trợ thoạt trông giống như những bộ giáp trong phim khoa học viễn tưởng để giúp giảm gánh nặng cho chuyên viên chăm sóc. Những thiết bị này hoạt động bằng nguyên tắc khí động học hoặc nhận tín hiệu sinh điện từ của não bộ để tăng lực nâng cho cơ bắp, giúp người mặc không còn tốn sức và tránh những bệnh như đau lưng hay tổn thương cột sống khi phải liên tục bồng bế người cao tuổi. Ngoài ra còn phải kể đến chiếc giường do Panasonic chế tạo với một nửa có thể tách ra và biến thành xe lăn dành cho những cụ phải nằm liệt giường.
|
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt. Đầu tiên là giá cả khi mỗi chú Paro hay Aibo hiện nay vào khoảng 6.000 USD và hầu hết chi phí thí điểm đều đang do chính phủ gánh cùng chính quyền địa phương. Mặt khác, cả ông Ishikawa lẫn bà Yukari Sekiguchi, giám đốc viện Shintomi, đều thừa nhận hiện robot vẫn mang vai trò hỗ trợ chứ chưa thể thay thế con người trong nhiều hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
Robot cầu siêu Hồi tháng 8 năm ngoái, công ty dịch vụ mai táng Nissei Eco Co. gây xôn xao khi giới thiệu một chức năng mới cho robot Pepper: đọc kinh siêu độ tại các đám tang. Theo Reuters, công ty này đã viết phần mềm để Pepper có thể đọc kinh, gõ mõ “không khác gì” các nhà sư. Tuy chưa chính thức tung ra thị trường nhưng Nissei Eco Co. cho biết giá thuê robot cho một lần tiễn đưa người đã khuất sẽ khoảng dưới 50.000 yen (hơn 10,5 triệu đồng) trong khi chi phí cho mỗi lần mời thầy “thật” hiện lên tới hơn 240.000 yen. Nissei Eco Co. trình làng dịch vụ mới tại sự kiện triển lãm của ngành mai táng Life Ending Industry Expo ở Tokyo và một số vị sư đã đến để xem liệu Pepper "có thể hiện được chữ Tâm của nhà Phật hay không", theo Reuters.
|
Bình luận (0)