Các đường điện trên không kéo dài hàng ngàn km, thường đi qua những khu vực xa xôi hẻo lánh. Việc kiểm tra mức độ lão hóa của những đường dây này và sự phát triển của cây cối xung quanh rất tốn kém và đôi khi nguy hiểm. Giờ đây, các chuyên gia Mỹ đã thiết kế một loại robot mới có khả năng di chuyển dọc đường điện, kiểm tra 130 km đường dây ít nhất 2 lần một năm.
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu điện lực (EPRI) ở Palo Alto, bang California, đã chế tạo một loại robot có vẻ ngoài giống một chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời, dài khoảng 2 mét và nặng khoảng 65 kg. Robot sẽ bò dọc đường dây trên các đường trục với tốc độ 5 km/giờ, sử dụng nguồn năng lượng thu được từ dây bọc kim, từ các tấm pin mặt trời cùng ắc-quy dự trữ. Nó có thể vượt qua những chướng ngại vật như các miếng đệm đường cáp, các kẹp treo và có thể chuyển động quanh cột điện bằng cách sử dụng các sợi cáp gắn bên trong.
Robot được trang bị các thiết bị cảm biến và một camera độ phân giải cao để dò tìm cây cối ảnh hưởng đến đường dây. Nó có thể phân tích hình ảnh và so sánh với ảnh chụp trước đó để xem liệu đã có gì xảy ra hay không. Cây cối mọc quá um tùm là nguyên nhân chính gây mất điện, vì vậy việc phát hiện sớm ra chúng rất quan trọng đối với các công ty điện lực.
Robot cũng chứa những thiết bị cảm biến để dò tìm tiếng ồn điện từ có thể cho biết những rắc rối và sẽ kiểm tra để phát hiện những chỗ kết nối bị lỗi. Nó cũng có thể thu dữ liệu từ các thiết bị cảm biến trong vùng. Ở những vùng hẻo lánh, dữ liệu thu thập sẽ được chuyển tiếp tới công ty điện lực thông qua liên kết bằng vệ tinh. Những hình ảnh sẽ được truyền khi robot quay trở lại các vị trí được phủ sóng điện thoại.
Phiên bản mẫu của loại robot này sẽ được thử nghiệm vào cuối tháng 6. Việc thử nghiệm thương mại dự kiến được bắt đầu vào năm 2014 trên đường điện Potomac -Appalachian dài 440 km ở bang Ohio.
Khang Huy
(Theo Interscience, Physorg)
Bình luận (0)