Rối bời thông tin về máy bay mất tích

13/03/2014 00:54 GMT+7

Sau 5 ngày mất tích, số phận chiếc Boeing 777-200 cùng 239 người càng mờ mịt giữa lúc thông tin từ Malaysia đưa ra đầy mâu thuẫn và gây hoang mang tột độ.

Ngày 12.3, lãnh đạo các cơ quan chức năng Malaysia tham gia cuộc điều tra vụ máy bay mất tích ra sức bác bỏ thông tin radar quân đội đã theo dõi được chiếc máy bay đổi hướng hành trình bay về phía tây. Thông tin trên được hãng Reuters loan báo chiều 11.3, được nói là trích lời của Tư lệnh không quân Rodzali Daud.

Khi tướng Daud ra thông cáo bác bỏ thông tin này từ sáng sớm, hàng loạt tiếng nói bất bình cất lên. Người thân của các hành khách có mặt trên chuyến bay chuyển từ “kiên nhẫn sang bẽ bàng, giận dữ và tuyệt vọng”, theo nhận định của tờ Malaysia Insider. Trong khi đó, công chúng khắp thế giới tỏ ra hoang mang, rối trí, nghi ngờ. “Tôi tin họ đang cố che giấu điều gì đó, nhưng không rõ lý do đằng sau”, một công dân Malaysia nói. Và hàng loạt đồn đoán và “giả thuyết âm mưu” được đưa ra, như máy bay bị cướp làm nổ tung, hoặc máy bay đang bị giấu trong một âm mưu đa quốc gia bí ẩn nào đó. “Tất cả điều này được sinh ra chỉ vì người ta thiếu thông tin hay thông tin trái ngược, bất nhất từ nhà chức trách”, có người nhận định như vậy. Nhiều tờ báo Malaysia đã có những bài xã luận chỉ trích chính phủ.

Trong cuộc họp báo lúc 17 giờ rưỡi chiều qua, các phóng viên quốc tế tỏ thái độ mất kiên nhẫn và ngờ vực rõ rệt, truy hỏi cặn kẽ về thông tin mà ông Daud phủ nhận. Tổng tham mưu trưởng quân đội Malaysia Zulkifeli Mohamed Zin đã thừa nhận rằng radar quân đội có nhìn thấy “một máy bay không rõ lý lịch” sau khi chiếc máy bay MH370 lọt khỏi màn hình radar của sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Giám đốc Cục Hàng không dân sự  Azharuddin Abdul Rahman khẳng định trạm điều khiển không lưu của sân bay mất liên lạc với máy bay lúc 1 giờ 31 ngày 8.3, tức khoảng một giờ sau khi cất cánh. Còn tướng Daud cho hay lần cuối radar quân đội thấy chiếc “máy bay không rõ lý lịch” là 2 giờ 15 tại vị trí cách bang Penang ở phía tây Malaysia 200 hải lý về phía tây bắc.

Trước câu hỏi vì sao thông tin này không được đưa ra sớm, để tránh việc nhiều nước hao tốn lực lượng tập trung tìm kiếm máy bay ở vùng biển phía đông Malaysia, tướng Zin nói rằng “cần thời gian kiểm tra đó có đúng là máy bay MH370 hay không”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng, kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Hishammuddin Hussein nói rằng ngay trong ngày 8.3, sau khi xác nhận có khả năng máy bay chuyển hướng bay về phía tây, Malaysia đã quyết định mở rộng tìm kiếm ở vùng biển Malacca và Anmadan, đồng thời  nhờ Indonesia hỗ trợ. Tuy nhiên, thông tin máy bay có khả năng bay về phía tây chỉ được quân đội đưa ra không chính thức vào hôm 9.3.

“Nếu không phải máy bay bay về phía tây, tại sao phải mở rộng tìm kiếm ra vùng này? Ai quyết định việc mở rộng tìm kiếm đó?”, một phóng viên cật vấn. Một số phóng viên cũng đã thẳng thừng đặt vấn đề rằng Malaysia đang “cố tình che giấu sự thật” và liên tục đưa ra những thông tin trái ngược trong suốt mấy ngày qua. Đáp lại, ông Hussein nói: “Chúng tôi không che giấu điều gì cả. Thông tin chúng tôi đưa ra là nhất quán”. Ông cũng thú thật: “Chúng tôi đang trải qua một sự cố chưa hề có tiền lệ, rất khó để phối hợp, điều tra, tìm kiếm khi có sự liên quan của nhiều nước, trên một vùng quá rộng lớn”.

Ông cũng khẳng định do không chắc chắn về vị trí cuối cùng của máy bay, nên việc tìm kiếm vẫn tiếp tục ở biển Đông lẫn biển Andaman với bán kính được nới rộng thêm. Nhật Bản, Brunei và Philippines là 3 nước mới nhất tham gia cuộc tìm kiếm, ông này cho biết.

Thiếu thông tin từ phía Maylaysia

Những ngày vừa qua, Việt Nam có rất ít thông tin trong vụ máy bay mất tích được cung cấp từ phía Malaysia, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, trung tướng Trần Quang Khuê chia sẻ trong cuộc họp tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chiều 12.3.

Tướng Khuê cho biết nhiều thông tin chủ yếu được nghe từ các phương tiện truyền thông rồi tự chủ động đi xác minh. “Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phải sớm có liên hệ để làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Maylaysia hoặc tùy viên quân sự nước bạn để thường xuyên có thông tin chính xác, làm căn cứ xây dựng phương án tìm kiếm phù hợp, hiệu quả cho những ngày tiếp theo”, ông Khuê đề xuất.

Trả lời về việc VN liệu có dừng các hoạt động tìm kiếm khi có thông tin Malaysia phát hiện tín hiệu máy bay phía eo biển Malacca hay không, Tổng tham mưu trưởng, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định khi chưa có kết luận chính thức hoặc tiếp nhận thông tin chính xác từ phía Malaysia thì công tác tìm kiếm máy bay mất tích của quân đội diễn ra bình thường.

Cũng theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong ngày 13.3 vẫn giữ nguyên các lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm nhưng có sắp xếp lại đội bay, duy trì thêm các kíp trực. Không quân sử dụng 3 máy bay CASA, AN-26 mở rộng vùng tìm kiếm ở khu vực phía nam DK1 kéo dài đến phía bắc vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia.

Phan Hậu - Lê Quân

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Dân mạng Trung Quốc mỉa mai Malaysia mời pháp sư tìm máy bay mất tích
>> Cảnh sát Malaysia bị tố 'chế' ảnh hành khách Iran mang hộ chiếu giả
>> Đền bù ra sao nếu máy bay Malaysia gặp tai nạn thật sự?
>> Malaysia sẽ không từ bỏ hi vọng tìm thấy máy bay mất tích
>> Malaysia nhờ Ấn Độ hỗ trợ tìm máy bay mất tích
>> Máy bay Malaysia mất tích: Chúng tôi không che giấu điều gì cả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.