Rối loạn cương, chuyện không của riêng ai

16/01/2016 09:56 GMT+7

Rối loạn cương, một bệnh lý mà nhiều nam giới không muốn nghĩ đến và không dám thừa nhận vì sợ đụng chạm vào “bản lĩnh đàn ông”

Rối loạn cương, một bệnh lý mà nhiều nam giới không muốn nghĩ đến và không dám thừa nhận vì sợ đụng chạm vào “bản lĩnh đàn ông”

Vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc giúp đỡ “đối tác” của mình “mở khóa cửa” tâm lý - Ảnh minh họa: ShutterstockVai trò quan trọng của phụ nữ trong việc giúp đỡ “đối tác” của mình “mở khóa cửa” tâm lý - Ảnh minh họa: Shutterstock
Rối loạn cương thường được biết đến với những tên gọi như yếu sinh lý hoặc liệt dương… Về mặt y khoa, nó được mô tả là tình trạng mất khả năng đạt được và (hoặc) duy trì dương vật cương đủ cứng để thỏa mãn hoạt động tình dục.
Nhiều nam bệnh nhân ngại đến các Bệnh viện (BV) để khám hay có cũng chỉ âm thầm điều trị là tình trạng chung hiện nay.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, tần suất rối loạn cương nói chung ở nam giới là 52%, tình trạng rối loạn cương thường xuất hiện ở tuổi 40 và tăng dần theo tuổi tác.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc giúp đỡ “đối tác” của mình “mở khóa cửa” tâm lý và tìm kiếm sự trợ giúp y tế để điều trị rối loạn cương. Thái độ, sự cộng hưởng của người phụ nữ vô cùng quan trọng.
Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, cuộc sống hiện đại nhiều stress, do tác động của công việc, mâu thuẫn với đồng nghiệp, bất hòa trong gia đình thậm chí căng thẳng vì kẹt xe, khói bụi… cũng sẽ chi phối mọi hoạt động và sinh hoạt của từng cá nhân, đặc biệt là đời sống vợ chồng.
Đáng lưu ý, có đến 84% nam giới bị rối loạn cương cho biết điều này đã khiến họ buồn phiền, lo âu, chán nản. Không ít đàn ông cảm thấy tự ti, chịu áp lực tâm lý nặng nề khi mắc phải vấn đề “khó giãi bày” này.
Tuy nhiên, ít người biết rằng đây là “chuyện không của riêng ai” và nếu không điều trị sớm, vấn đề này sẽ dần dần làm mất đi khả năng sinh sản, chức năng tình dục và đặc biệt là ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, cuộc sống lứa đôi.
Có nhiều yếu tố nguy cơ rối loạn cương như đái tháo đường, bệnh tim mạch, các bệnh niệu - dục, các rối loạn tâm thần và tâm lý, trầm cảm, các bệnh mạn tính và tình trạng kinh tế xã hội. Các yếu tố nguy cơ liên quan khác như hút thuốc, dược phẩm và các hormone,...
Cũng theo bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, nếu người bệnh nhận được tư vấn kỹ lưỡng và được điều trị sớm về chứng rối loạn cương, mọi việc sẽ trở nên tốt hơn.
Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn cương như dùng thuốc, ống hút chân không, phẫu thuật đặt dụng cụ hoặc ghép thể hang nhân tạo tùy theo nguyên nhân rối loạn cương của bệnh nhân.
"Việc sẵn sàng trao đổi cởi mở về các vấn đề liên quan đến tình dục với bác sĩ chuyên khoa là chìa khóa điều trị thành công chứng rối loạn cương”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.