(TNO) Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 vừa đề xuất cho phép xe máy chạy trên cầu vượt Hàng Xanh. Chuyên gia giao thông cho rằng giải pháp này năng động nhưng chưa căn cơ.
(TNO) Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 vừa đề xuất cho phép xe máy chạy trên cầu vượt Hàng Xanh. Chuyên gia giao thông cho rằng giải pháp này năng động nhưng chưa căn cơ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cầu vượt Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lượng ô tô lưu thông qua cầu rất ít so với xe máy chạy bên dưới. Số lượng xe buýt chạy qua cầu cũng chiếm không nhiều. Đa phần những xe buýt này đều rước khách dọc bên dưới chân cầu vượt để đi thẳng hoặc rẽ hướng khác.
Nhiều người dân tại khu vực Hàng Xanh cho biết, đoạn từ đường D2 đến Xô Viết Nghệ Tĩnh thường xảy ra ùn tắc là do nhiều xe buýt đón trả khách. Còn chiều ngược lại (từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Văn Thánh 1) cũng hứng trọn lượng xe máy từ trung tâm thành phố đổ về. Nhưng đến nút có đèn tín hiệu giao thông, các xe máy phải chờ đèn đỏ và điều này khiến các phương tiện ùn ứ. Bên cạnh đó, lệnh cấm các loại xe có tải trọng trên 10 tấn, xe 3 bánh không được phép lên cầu vượt càng làm cho con đường bên dưới trở nên quá tải. Vì vậy, vào giờ cao điểm lượng xe máy phải chia sẻ mặt đường cùng với nhiều phương tiện khác.
Xe máy thiếu đường đi nhưng trên cầu vượt Hàng Xanh lại trống trơn - Ảnh: Độc Lập
|
Giải pháp năng động nhưng không căn cơ
Nói về đề xuất cho phép xe máy chạy trên cầu vượt Hàng Xanh vào giờ cao điểm của Khu quản lý Giao thông đô thị số 2, thuộc Sở GTVT TP.HCM, tiến sĩ (TS) Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cũng tán thành, ủng hộ phương án này. Ông cho rằng đây là một giải pháp năng động, rất cần thiết trong tình hình rối loạn giao thông như hiện nay.
Cũng theo TS Sanh, lâu nay cầu vượt Hàng Xanh dường như chỉ dành cho xe 4 bánh trở lên, những loại xe khác thì rất ít khi chạy qua đây. Ngay cả xe buýt cũng chỉ đón khách ở phần đường bên dưới và cũng ít di chuyển trên cầu, do vậy cầu vượt chủ yếu dành cho ô tô. Điều này vô tình tạo thành sự “bất công” về giao thông trên mặt đường.
Cầu vượt Hàng Xanh đang được đề xuất cho xe gắn máy lưu thông - Ảnh: An Huy
|
Hiện nay dòng xe bị ứ đọng ở khu vực Hàng Xanh chủ yếu là dòng xe rẽ phải hướng từ cầu Sài Gòn, rẽ trái hướng từ cầu Điện Biên Phủ về đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Còn dòng xe chạy thẳng trên đường Điện Biên Phủ thì ít hơn.
“Vào giờ cao điểm, trên cầu vượt hàng Xanh vẫn còn trống quá nhiều, nên giải pháp cho xe 2 bánh di chuyển trên cầu vượt là một giải pháp hay”, TS Sanh cho biết.
Cũng theo TS Sanh, cách này cũng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, Sở GTVT nên tính toán lại bằng nhiều phương án khác nhau. Giải pháp này cũng chỉ giải quyết tạm thời trong thời gian từ 1 đến 2 năm mà thôi.
“Những năm sau đó, chúng ta phải có bài toán nghiên cứu lớn hơn để khắc phục tình trạng kẹt xe, chứ không phải bài toán đụng đâu sửa nấy. Bên cạnh đó chúng ta cũng có thể quan sát, ghi hình, dùng phần mềm mô phỏng để đánh giá lại tình hình giao thông tại đây. Qua đó sẽ có những dự báo và có giải pháp thiết thực hơn”, TS Sanh nói. TS Sanh cũng đề xuất nên nghiên cứu làm thêm nhiều cầu vượt hoặc nhiều hầm chui để giảm kẹt xe tại nút giao thông này.
Ngày 25.10, trao đổi vớiThanh Niên Online, một lãnh đạo của Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 xác nhận vừa có văn bản đề nghị Sở GTVT cho phép đơn vị này tổ chức cho xe gắn máy lưu thông lên cầu vượt Hàng Xanh, trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh.
Theo vị lãnh đạo này, đề xuất trên nhằm giảm bớt tình trạng kẹt xe đang xảy ra nghiêm trọng tại khu vực ngã tư Hàng Xanh (bên dưới cầu vượt), nhất là vào giờ cao điểm.
Theo đề xuất của Khu quản lý Giao thông đô thị số 2, thời gian cho xe gắn máy lưu thông lên cầu vượt Hàng Xanh là vào những giờ cao điểm buổi sáng và cao điểm buổi chiều (chưa có giờ cụ thể). Lộ trình lên cầu cho cả 2 chiều lưu thông, từ trung tâm TP ra và từ hướng cầu Sài Gòn đi vào trung tâm TP. Nếu đề xuất được chấp thuận, Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 sẽ triển khai phương án cụ thể và tổ chức lưu thông sau 1 tuần. (Đình Mười)
|
Bình luận (0)