Rối loạn vì thiếu chỗ đậu xe

16/02/2012 03:34 GMT+7

Không có phương án thay thế nên việc cấm giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè trên 262 tuyến phố tại Hà Nội áp dụng hôm qua và bãi bỏ quy định cho phép xe ô tô đậu dưới lòng lề đường ở hầu hết các tuyến đường tại TP.HCM đã gây ra tình trạng rối loạn vì thiếu chỗ đậu xe.                     


Xe vẫn đậu ở những tuyến đường cấm giữ xe ở Hà Nội - ảnh: Minh Sang - Ngọc Thắng

“Mọc” hàng loạt bãi gửi xe “tạm”

Chiều 15.2, trong cuộc họp nhanh giữa lực lượng liên ngành Sở GTVT, Thanh tra giao thông và Công an TP, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết sau ngày 15.2, điểm giữ xe nào còn hoạt động là giữ xe trái phép, sẽ bị xử lý theo quy định của nhà nước ban hành. Từ ngày 16.2 sẽ xử lý các đơn vị nào cố tình dây dưa và các xe đỗ sai vị trí.

M.H - M.S

Hôm qua (15.2) khi lệnh cấm tại Hà Nội chính thức có hiệu lực, trên rất nhiều các tuyến đường bị cấm, bãi giữ xe vẫn hoạt động bình thường. Cụ thể, điểm giữ xe dọc đường Nguyễn Khánh Toàn, nằm trong danh sách các tuyến phố, đường bị cấm trông giữ xe nhưng dưới lòng đường cũng xuất hiện cả một hàng dài, lên tới vài chục chiếc xe tải, ô tô loại 5, 7 chỗ dừng đỗ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Q.Ba Đình, nơi có 53 tuyến đường, phố bị cấm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè. Các điểm trông giữ xe trên phố Hàng Bài, Bảo Khánh, Phủ Doãn, Đinh Tiên Hoàng... vẫn tiếp tục hoạt động.

Nguy hiểm hơn là hàng loạt điểm trông giữ xe tự phát đã mọc lên rất nhanh. Điển hình như bãi trông giữ xe ô tô tại khu vực đã giải tỏa nằm trong ngõ 51 phố Đốc Ngữ. Chỉ trong buổi sáng, khu đất rộng hàng trăm mét vuông này đã gần như kín chỗ các loại ô tô. Chủ bãi xe cho hay: “Khi nào TP bố trí điểm đỗ mới thì thôi không nhận xe nữa”. Một bãi trông giữ xe không phép khác, nằm sau cây xăng dầu ở ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai (tại bãi đất trống bỏ hoang) cũng đã xuất hiện trong sáng 15.2, nhận trông giữ chủ yếu là ô tô. Đáng nói, các bãi xe này không hề được trang bị PCCC dù giữ một số lượng lớn xe. Tương tự là một loạt các điểm trông giữ xe không phép, nhỏ lẻ trên tuyến phố Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng... đã xuất hiện, để đáp ứng nhu cầu cho các điểm trông giữ xe trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nay bị thu hồi giấy phép.

Cấm ở phố, đậu ở ngõ

Cũng trong sáng 15.2, khi một loạt những tuyến đường, tuyến phố bị cấm trông giữ xe, thì nhiều phố không bị cấm, hoặc những ngõ, ngách nhỏ liền kề với khu vực bị cấm, đã bị các chủ phương tiện sử dụng làm nơi đỗ xe miễn phí, khiến diện tích mặt đường của con phố bị thu hẹp đáng kể. Như tuyến phố Phan Kế Bính, Linh Lang, Vạn Bảo... bị cấm trông giữ xe, thì các ngõ trên tuyến phố này lại có rất đông xe ô tô đậu đỗ. Bác Nguyễn Thị Nhâm, một người dân sống trong khu tập thể trên phố Phan Kế Bính cho biết: trong sáng 15.2, nhiều ô tô của các công chức làm ở những công sở gần đó đậu, đỗ, đã khiến việc đi lại, sinh hoạt của cư dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Tại phố Vạn Phúc (không nằm trong danh sách cấm), dọc hai bên đường cũng san sát những xe du lịch 45 chỗ, xe ô tô loại nhỏ đậu đỗ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đây cũng là giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, không có điểm đỗ người dân phải lựa chọn các phương tiện khác. Tuy nhiên, phương tiện thay thế là phương tiện nào thì Giám đốc Sở GTVT Hà Nội lại không trả lời. Dù trên thực tế, không phải tuyến đường nào cũng có xe buýt chạy qua, nhất là các tuyến phố cổ.

Không đậu thì chạy... lòng vòng

Đó là tình trạng của nhiều xe ô tô cá nhân, đặc biệt là taxi tại TP.HCM kể từ khi không được đậu xe dưới lòng, lề đường tại nhiều tuyến đường. Anh Thuận, tài xế taxi hãng Vinasun than, trước đây một số tuyến đường có nhiều nhà hàng, khách sạn ở Q.1 như Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Lý Tự Trọng... còn cho phép đậu xe theo ngày chẵn - lẻ, nhưng nay cấm hẳn. Vì vậy, giới tài xế phải chạy lòng vòng chờ đón khách. Nhưng đối tượng bị phạt nhiều nhất là xe cá nhân bởi phần lớn mọi người không rành quy định cấm áp dụng ở tuyến đường nào nên cứ đậu vô tư. Tài xế Quý, thuộc hãng Mai Linh, bộc bạch: “Giờ TP không có chỗ nào đậu nên chỉ còn cách chạy lòng vòng hoặc đậu lụi". 

Theo ông Đặng Hoàng Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV taxi Sài Gòn Hoàng Long, trong lúc TP đang thiếu chỗ đậu xe nghiêm trọng, các dự án xây dựng bãi đậu xe quy hoạch nhiều năm vẫn còn trên giấy thì cấm dừng, đậu xe trên tất cả đường rất "nguy". Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng Bộ GTVT, UBND TP cần có chính sách linh hoạt để vừa giảm được ùn tắc giao thông vừa không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của xã hội, nhất là hoạt động của các phương tiện giao thông. Trong điều kiện giao thông TP hiện nay, nếu cấm đậu, dừng xe một cách máy móc chắc chắn không phù hợp thực tế.

Buýt đường sông "tắc" vì không có bến 

Sau 2 năm triển khai nghiên cứu, đến nay, các dự án (DA) tàu buýt đường sông tại TP.HCM đang lâm vào tình trạng bế tắc.

Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho xúc tiến nghiên cứu đầu tư 2 DA buýt đường sông đầu tiên tại TP - cho biết công ty đã đầu tư nhiều công sức, tiền của cho DA, thế nhưng yếu tố quan trọng nhất là hệ thống bến hai bên bờ thì đang gặp bế tắc. Nguyên nhân là do UBND Q.1 chỉ cho sử dụng cầu bến hiện hữu, không cho xây thêm bến cầu mới nên ý định xây dựng bến buýt đường sông trung tâm tại Q.1 không thành.

Theo sơ đồ DA, tuyến buýt đường sông số 1 đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức; tuyến số 2 đi qua các quận 4, 5, 6, 8. Để buýt đường sông hoạt động, nhà đầu tư phải mở tổng cộng 15 bến, gồm 3 bến trung tâm và 12 bến nhỏ. Dù ngày 31.12.2011 là hạn cuối để báo cáo tiến độ DA với UBND TP nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa tìm ra mặt bằng bố trí bến.

Ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết toàn bộ đất ven sông Sài Gòn, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã có chủ và không còn một chỗ trống. Ngay cả Sở muốn thi công các DA bờ kè chống sạt lở dọc các tuyến sông cũng không có chỗ để... đóng cọc. “TP.HCM có hệ thống sông, kênh, rạch khá tuyệt vời cho việc phát triển loại hình vận tải công cộng, có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành du lịch. Vậy mà đến nay vẫn chưa có một tuyến buýt sông nào hoạt động, chưa kể tình trạng hàng loạt cây cầu được xây với tĩnh không quá thấp khiến TP lãng phí lớn nguồn lợi trời cho này. Trong khi đó, ngay thủ đô Bangkok (Thái Lan) dù chỉ có một dòng sông Chao Phraya nhưng buýt đường sông rất phát triển, khách nườm nượp suốt ngày”, ông Toản nói.  Đình Mười

Cấm thì đậu ở đâu?

Nếu cho đỗ xe dưới lòng đường thì vi phạm luật, kẹt xe, nhưng nếu cấm thì xe đậu ở đâu? Theo tôi, TP nên nghiên cứu cho phép đậu xe ở những đoạn đường vắng với điều kiện không cản trở giao thông. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất là phải đẩy mạnh xây dựng các bãi đậu xe ngầm hoặc lên cao, kèm theo đó phải kiên quyết không cho xây các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm.

(Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ và Pháp luật thuộc UBT.Ư MTTQ Việt Nam)

Đi lại bằng xe máy hay xe hơi là nhu cầu chính đáng của công dân

Việc một công dân đi lại bằng xe gắn máy hay xe hơi là việc bình đẳng, là nhu cầu căn bản, chính đáng của công dân. Với trách nhiệm của mình, chính quyền phải quan tâm, tạo điều kiện. Trong điều kiện chính quyền TP đến nay vẫn chưa xây dựng được bãi đậu xe nào ngoại trừ một vài bãi đậu xe tư nhân ở các trung tâm thương mại, thì nên cho phép đậu xe trên một số tuyến đường phù hợp và không gây kẹt xe.

(Ông Đặng Văn Khoa,  nguyên Đại biểu HĐND TP.HCM)

Đình Mười

Mai Hà - Minh Sang- Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.