Rơi nước mắt chuyện dạy, học ngoại ngữ nơi địa đầu Tổ quốc

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
01/02/2023 18:51 GMT+7

Việc dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở H.Mèo Vạc (Hà Giang), nơi cực bắc của Tổ quốc, là những câu chuyện đầy cảm động và mến phục…

Những em bé 8 - 9 tuổi  phải xa nhà để học tiếng Anh

Từ đầu năm học này, cậu học trò lớp 3 Sùng Mí Mua phải xa nhà ở thôn Po Qua B lên ở tại điểm chính Trường tiểu học Niêm Tòng (xã Niêm Tòng, H.Mèo Vạc) để được học ngoại ngữ, chỉ cuối tuần mới được về nhà.

Rơi nước mắt chuyện dạy học ngoại ngữ ở vùng địa đầu của tổ quốc - Ảnh 1.

Cô giáo Ngô Thu Trang từ Hà Nội lên dạy tiếng Anh và giao lưu với học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thượng Phùng

T.N

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 3 trên cả nước phải học ít nhất 4 tiết tiếng Anh/tuần. Thế nhưng, với học sinh H.Mèo Vạc (Hà Giang) thì điều này không chỉ là đơn giản là học thêm một môn học mới mà phải chấp nhận một sự xáo trộn đáng kể trong cuộc sống.

Hàng trăm học sinh khác ở H.Mèo Vạc cũng đang ở trong hoàn cảnh như Mua, có không ít em nhà cách trường tới gần 20 - 30 km… Thay vì chỉ đi bộ một quãng đường ngắn để đến điểm trường gần nhà như trước, các học sinh lớp 3  phải đến trường trọ học và chỉ về nhà mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng. 

Sùng Mí Mua nói nhiều đêm em đã nằm khóc vì nhớ nhà nhưng được các thầy cô động viên, được học nhiều bài hay, được ăn những bữa no ở trường nên em sẽ cố gắng.

Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết về việc thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học trầm trọng trên cả nước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng tình trạng này ở H.Mèo Vạc lại là điển hình của sự trầm trọng ấy. Cả huyện gần 20 trường tiểu học nhưng chỉ có 1 cô giáo tiếng Anh, một mình cô dạy cho 1 trường đã quá tải, chưa nói việc hỗ trợ cho trường bạn.

Trước tình thế này, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), đã quyết định "cứu nguy" cho H.Mèo Vạc bằng cách tuyển và trả lương hợp đồng 21 giáo viên tiếng Anh chỉ để tổ chức dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh lớp 3 của 18 trường tiểu học của cả H.Mèo Vạc. 

Cô giáo miền xuôi "học" học trò miền ngược

Việc dạy học theo hình thức chưa từng có tiền lệ "trường miền xuôi giúp trường miền ngược" kể trên đã đi qua học kỳ đầu tiên. Những khó khăn, lạ lẫm  ban đầu đã nhường chỗ cho sự mong chờ đến giờ học để cô trò ríu rít với nhau "qua màn ảnh nhỏ". Để rồi lại mong ước lớn hơn, đó là mong ít nhất cô trò được gặp nhau một lần "bằng xương, bằng thịt".

"Chúng em đợi mãi mà cô vẫn chưa lên, chúng em rất buồn", bức thư của học sinh ký tên: "My name is Già",  Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Xín Cái, viết gửi cô Nga, giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội, khiến cả cô trò "đứng ngồi không yên".

Thực hiện mơ ước đó của "hai đầu nỗi nhớ", những ngày cận tết Nguyên đán vừa qua, Trường Marie Curie đã quyết định tổ chức cho tất cả giáo viên tiếng Anh lên H.Mèo Vạc, đến đúng từng điểm trường mình dạy để thăm học trò, mang quà của trường cho từng học sinh, khen thưởng những em có kết quả tốt, dạy học, chơi và ăn ở cùng các em trọn vẹn 1 ngày. Ở gần 20 điểm trường, khi lần đầu tiên cô trò được gặp mặt thì cảm xúc như "vỡ òa".

Cô Nguyễn Thị Sao, giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường Phổ thông bán trú tiểu học Niêm Tòng, chia sẻ: "Lúc đăng ký lên Mèo Vạc, tôi chỉ đơn giản nghĩ đến để cô trò được gặp nhau, được tổ chức cho các em một số hoạt động trực tiếp sau một học kỳ học trực tuyến… Nhưng đến nơi thì tôi thực sự cảm động trước tinh thần vượt khó, ham học và tình cảm của chính các em".

Sau khi vượt cả chục cây số đến thăm nhà một học sinh lớp 3, cô Sao mới hiểu mỗi lần về thăm nhà vào dịp cuối tuần, học sinh của mình phải đi trên những con đường dốc đá cheo leo, nếu bố mẹ không có xe máy đưa đón thì phải đi bộ cả chục cây số để về thăm nhà rồi lại đi bộ quãng đường như vậy để đến trường.

"Trên hành trình trở về tôi đã khóc nhiều. Khó khăn và nỗ lực của học trò nơi đây giúp tôi thêm trân trọng và cố gắng làm tốt hơn công việc của mình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng các em còn vất vả và thiếu thốn như vậy mà vẫn quyết tâm học thì tôi không có lý do gì để không nỗ lực trao cho các em những bài giảng chất lượng nhất", cô Sao tâm sự.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng các em còn vất vả và thiếu thốn như vậy mà vẫn quyết tâm học thì tôi không có lý do gì để không nỗ lực trao cho các em những bài giảng chất lượng nhất
Cô giáo Nguyễn Thị Sao

Cô Ngô Thị Thu Trang, giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thượng Phùng, một điểm trường nằm sát biên giới, cũng kể: "Khi học sinh ùa ra sân trường gọi tên cô Trang đầy mến yêu, em nào cũng nói chờ đến giờ học của cô, mong được đến ngày gặp cô… cũng là lúc tôi cảm nhận được những cố gắng của cả cô và trò suốt một học kỳ qua không vô nghĩa…".

Rơi nước mắt chuyện dạy học ngoại ngữ ở vùng địa đầu của tổ quốc - Ảnh 3.

Cô Nguyễn Thị Sao vượt con đường cheo leo hơn chục ki lô mét, trong đó có quãng đường phải đi bộ để đến thăm, tặng quà của Trường Marie Curie cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất

NVCC

Khó khăn nhân đôi vào năm học tới

Thầy Phạm Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông bán trú tiểu học và THCS xã Lũng Pù, cho biết trong khó khăn tưởng như bế tắc vì không có bất cứ giáo viên nào thì nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ của Trường Marie Curie khi cử tới 2 giáo viên dạy tiếng Anh. "Các cô có trình độ chuyên môn rất cao, rất nhiệt tình và yêu trẻ. Với điều kiện như bây giờ mà có được điều đó là vô cùng quý giá", thầy Tuấn nói.

Thầy Nguyễn Đức Đường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông bán trú tiểu học Niêm Tòng, thì chia sẻ tâm trạng "ăn bữa nay, lo bữa mai": "Sang năm số học sinh phải học tiếng Anh sẽ tăng lên gấp đôi, nhu cầu giáo viên tất nhiên cũng tăng lên gấp đôi. Chúng tôi cũng chỉ tha thiết mong mỏi có biên chế giáo viên tiếng Anh vì lượng học sinh rất đông và tăng theo từng năm, gần 1.000 học sinh mà không có một giáo viên nào cho môn học mới mẻ này thì về lâu dài là rất bị động".

Rơi nước mắt chuyện dạy học ngoại ngữ ở vùng địa đầu của tổ quốc - Ảnh 4.

Cô miền xuôi, trò miền ngược gặp nhau lần đầu nhưng không hề xa lạ

T.M

Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc, đánh giá: qua học kỳ  đầu tiên, kết quả cho thấy sự hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến của Trường Marie Curie với hình thức lớp học ảo, có sự tương tác giữa thầy cô và học sinh, giữa học sinh với nhau là một giải pháp đã được thực tế chứng minh là tốt nhất. Không chỉ kết quả kiểm tra học kỳ 1, điều đáng mừng hơn là hầu hết học sinh lên lớp 3 chưa được tiếp cận với tiếng Anh bao giờ nhưng khi được học thì rất hào hứng.

Có được điều này, theo ông Thư, là do đội ngũ giáo viên dù ở miền xuôi nhưng có phương pháp phù hợp với học trò miền ngược. Chính sự nhiệt tình, kiên trì của các cô đã xua đi sự nhút nhát e dè ban đầu của học sinh dân tộc, giúp các em chờ đợi và hào hứng với từng giờ học. 

Rơi nước mắt chuyện dạy học ngoại ngữ ở vùng địa đầu của tổ quốc - Ảnh 5.

Học sinh ở H.Mèo Vạc hào hứng với giờ học tiếng Anh trực tuyến với các giáo viên ở điểm cầu Hà Nội

M.C

Theo ông Thư, Mèo Vạc hiện có 76 lớp 3 của toàn huyện ở các điểm trường chính, sang năm sẽ có 122 lớp 2 lên lớp 3 và cũng sẽ phải về các điểm trường chính để học tiếng Anh, tin học và cũng sẽ phải dồn lại thành khoảng hơn 70 lớp 3. Như vậy, sang năm sẽ có khoảng gần 160 lớp 3, lớp 3 phải học tiếng Anh, tin học bắt buộc, nhu cầu về giáo viên về cơ sở vật chất sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. 

Trong những giải pháp khắc phục mà ông Thư đưa ra, vẫn có mong muốn tha thiết được Trường Marie Curie hỗ trợ trong năm học tới.

Bà Vương Thị Thủy, Phó bí thư thường trực Huyện ủy H.Mèo Vạc, chia sẻ: "Thế hệ chúng tôi chưa có điều kiện học ngoại ngữ nhưng tôi có dự giờ học tiếng Anh trực tuyến của học sinh ở một số trường thì thấy rất cảm động, phương pháp dạy học của các thầy cô Trường Marie Curie khiến các con rất hào hứng. Giá như thời đi học chúng tôi cũng được học như vậy thì chắc chắn ai cũng sẽ học được và học tốt tiếng Anh".

Trường Marie Curie sẽ giúp thêm ít nhất 1 năm học nữa

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, người không chỉ có quyết định chưa từng có tiền lệ khi "cứu nguy" cho gần 20 trường tiểu học của H.Mèo Vạc về giáo viên tiếng Anh trong năm học này, mà còn đang giúp trồng một cánh rừng ở nơi đây với khởi điểm 2 vạn cây xanh, cũng đã rơi nước mắt khi chia sẻ tâm nguyện: "Giúp được gì cho sự phát triển ở vùng phên dậu của Tổ quốc, tôi sẽ cố gắng làm hết sức".  

Rơi nước mắt chuyện dạy học ngoại ngữ ở vùng địa đầu của tổ quốc - Ảnh 6.

Thầy Nguyễn Xuân Khang tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng học trò Trường Marie Curie

M.C

Dù ban đầu chỉ lên kế hoạch hỗ trợ giáo viên cho H.Mèo Vạc năm học đầu tiên, nhưng trước những khó khăn còn ngổn ngang mà các trường ở huyện đang phải đối mặt trong năm học tới, thầy Khang cho hay dự kiến sẽ giúp cho H.Mèo Vạc thêm ít nhất 1 năm học nữa. 

Trong thư ngỏ gửi các thầy cô tham gia dự án, tôi nói đến “ngọn lửa nồng nàn trong tim”, nhưng trước hết phải là trong tim của chính tôi và tôi muốn những người đồng hành cũng phải có "ngọn lửa" ấy... Tôi có niềm tin sẽ có kết quả tốt đẹp vào cuối năm học.
Thầy Nguyễn Xuân Khang

Trước đó, Thanh Niên đã thông tin, với 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ dạy trực tuyến cho tất cả các trường ở H.Mèo Vạc là 7.980 tiết/năm học. Tổng kinh phí để giúp dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của H.Mèo Vạc sẽ khoảng 1,7 tỉ đồng cho riêng năm học 2022 - 2023. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.