Rơi nước mắt với những bi kịch của VĐV sau khi giải nghệ

27/06/2015 05:41 GMT+7

(TNO) Đường đời nhiều nước mắt của cựu nữ hoàng điền kinh Vũ Bích Hường chỉ là một trong muôn vàn những bi kịch khác nhau của các VĐV sau khi giải nghệ...

(TNO) Đường đời nhiều nước mắt của cựu nữ hoàng điền kinh Vũ Bích Hường chỉ là một trong muôn vàn những bi kịch khác nhau của các VĐV sau khi giải nghệ...

bi-kich-nhung-van-dong-vien-giai-ngheTrần Xuân Hiền những ngày còn là VĐV - Ảnh tư liệu
2 năm trước, một ngày tháng 9.2013, chúng tôi giật thót tim khi nghe tin, VĐV Trần Xuân Hiền, VĐV bơi lội người Quảng Bình từng giành HCB ở SEA Games 2001 tử vong vì tai nạn giao thông, trên con đường anh đang mưu sinh để nuôi vợ và hai con thơ với những khó khăn của cuộc sống đời thường.
Là người giải "khát" huy chương cho bơi lội Việt Nam suốt từ SEA Games 1973, Trần Xuân Hiền từng được tung hô và ngợi ca như một người hùng cho thể thao Việt Nam suốt những năm đầu thế kỷ 21. Thế nhưng, nghiệt ngã thay, khi Trần Xuân Hiền rớt khỏi vị trí đỉnh cao, anh trôi dạt từ Quảng Bình vào TP.HCM làm những công việc từ phu hồ, bảo vệ hồ bơi, nhân viên bể bơi để dẫu sao, cũng còn được gắn bó một tí chút với nghề.
Thế rồi, một tai nạn giao thông trên đường đã cướp mất cuộc đời của thanh niên 31 tuổi nhiều hi vọng, cướp mất người cha của 2 đứa trẻ và bờ vai nương tựa của cô vợ trẻ đang là công nhân với đồng lương bèo bọt. Kết cục của đời VĐV từng mang lại một tấm huy chương quý như vàng cho thể thao Việt Nam, cuối cùng, lại bạc như vôi.
bi-kich-nhung-van-dong-vien-giai-ngheLê Thị Huệ tập tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam năm 2013 - Ảnh: Thúy Hằng
Năm 2003, ngay trước thềm SEA Games 22, trong quá trình tập luyện, VĐV vật Lê Thị Huệ, con gái của một gia đình thuần nông nghèo xác xơ ở Thanh Hóa đã bị chấn thương nặng dẫn đến kết thúc quá đau buồn: Chị bị liệt nửa người, mất gần như hết sạch cảm giác của đôi tay. Mọi chế độ VĐV không còn. Nhà có 7 anh chị em đều nghèo khó, một mẹ già ngoài 60 chăm con như một đứa con thơ, bón cho ăn, tắm rửa và cả đưa đi vệ sinh. Huệ từng nghĩ đến cái chết để giải thoát chính mình và để mẹ không còn đau khổ.
Nhờ sự vào cuộc của báo chí, nhiều nhà hảo tâm vào cuộc ủng hộ Huệ một phần nhỏ vật chất, tinh thần. Nhưng điều đó thấm vào đâu với nỗi đau của 1 VĐV từng đổ mồ hôi, giờ là máu và nước mắt cho sự vinh quang của thể thao nước nhà.
Năm 2013, sau 10 năm gần như gắn chặt với chiếc xe lăn, chị được đưa đến Bệnh viện Thể thao Việt Nam, hỗ trợ hồi phục tích cực. Chị được bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó giám đốc, Trưởng khoa y học bệnh viện chăm sóc tận tình, giúp chị lấy lại được cảm giác của đôi tay, đi những bước nhẹ với nạng.
bi-kich-nhung-van-dong-vien-giai-ngheVĐV Lê Thị Huệ vẫn phải nhờ nhiều vào mẹ già trong sinh hoạt đời thường - Ảnh: Thúy Hằng
Hiện giờ, sức khỏe của Huệ đã khá hơn rất nhiều so với 2 năm trước, chị tự xúc ăn được nhưng vẫn chưa thể tự đi lại, chủ yếu trông chờ vào một chiếc xe lăn được tặng bởi một tờ báo thể thao. Chị mở một quán nước nho nhỏ trước nhà, bán vài thứ quà bánh lặt vặt, kiếm vài ngàn mua rau đậu mỗi ngày, cũng là cách để cuộc sống lạc quan hơn.
Bi kịch của thể thao luôn là vậy. Những phút giây đứng trên bục vinh quang để nhận huy chương và hát Quốc ca giữa đấu trường Quốc tế thường qua rất mau. Nhưng những gian truân, nhọc nhằn, gian khó mà VĐV phải đánh đổ mỗi ngày lại là rất dài.
Chúng tôi nhớ những ngày trước SEA Games 28 vừa qua, đến Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn. Hà Nội nắng chang chang, 4 - 5 giờ chiều mặt sân vẫn còn bỏng rát, VĐV Nguyễn Thị Oanh chạy xong đứng thở dốc. Một lúc sau, em nằm ngay trên đường chạy và thở, cánh tay phải gác lên che đi khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, đỏ lựng vì say nắng trước ống kính.
Phan Thị Hà Thanh, cô gái vàng của Thể dục dụng cụ trước ngày thi đấu nội dung toàn năng nữ, cô bị chấn thương, nhưng không hé một lời nào kể với bố mẹ. Nhìn em lên cầu thăng bằng thi đấu, chân, tay chi chít những vết băng keo dán che đi vết sưng, bầm tím, chúng tôi thấy tim mình nhoi nhói.
bi-kich-nhung-van-dong-vien-giai-ngheĐể thống trị thể dục dụng cụ thế giới, Phan Thị Hà Thanh phải đánh đổi cả một tuổi trẻ, cô không có tuổi thơ, đi tập huấn xa nhà biền biệt và những chấn thương đã quen như hơi thở - Ảnh: Ngô Nguyễn
Nói về chị Vũ Bích Hường, nữ hoàng điền kinh một thời của Việt Nam đang chống chọi với bệnh sụp đốt sống 4, 5, từng tưởng bị liệt nửa người, Nguyễn Sơn Hà, một cựu VĐV Taekwondo của Hà Nội những năm 90 bộc bạch: “Chỉ có những người trong hoàn cảnh đấy mới hiểu được những giọt mồ hôi (và cả máu), những mệt mỏi đến kiệt sức, những thiệt thòi của năm tháng tập huấn xa chồng con và ti tỉ những cái khác nữa để đánh đổi lấy khoảnh khắc kéo được cờ và hát Quốc ca Việt Nam trên đấu trường SEA Games của chị…”.
Biết là để có huy chương, phải có đắng cay. Chẳng con đường nào trải bước trên hoa hồng, thể thao đỉnh cao phải trui rèn trong gian khổ, nhưng cái giá mà mỗi VĐV Việt Nam đang phải đánh đổi nhiều quá. Một tuổi trẻ đi qua, những năm tháng được học hành bài bản cũng rất khó để thực hiện giữa những lịch tập luyện gắt gao cho những giải đấu. Vậy, VĐV làm gì sau khi giải nghệ (và bi đát hơn, sau khi bắt buộc phải giải nghệ vì chấn thương)?
bi-kich-nhung-van-dong-vien-giai-ngheVũ Bích Hường chống chịu với cơn đau do sụp đốt sống 4, 5, may mắn là cô nhận được sự quan tâm của cộng đồng những ngày qua - Ảnh: Lê Nam 
Một người bạn của tôi, VĐV Judo Bùi Thị Hoa đã không còn là VĐV, chị may mắn được về làm việc tại Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Thanh Hóa, ngoài ra còn tự kinh doanh tại nhà. VĐV Điền kinh Vũ Thị Hương, một nữ hoàng điền kinh khác của Việt Nam may mắn tìm được một nửa yêu thương chị trọn vẹn, chị dừng sự nghiệp VĐV, một cuộc sống mới đang đón đợi.
Nhưng ngoài kia, có biết bao người sau khi một ngày rời thể thao, họ chỉ có thể làm lao công, bảo vệ, nhân viên chạy bàn, hoặc có thể là cắt cỏ...
Những đốm sáng hi vọng
Những ngày qua, căn nhà của chị Vũ Bích Hường luôn nhộn nhịp bước chân người tới hỏi thăm, động viên, tặng quà khích lệ.
Tối 25.6, chị gọi điện, bảo chỉ biết nhờ Thanh Niên Online, cảm ơn rất nhiều người chị chưa từng biết ở khắp nơi về thăm hỏi. Trong đó, lãnh đạo công ty Luala của Hà Nội, một công ty tên SaPai ở Bắc Ninh về tận nhà, đưa tận tay chị một khoản tiền để chị tìm thầy thuốc chữa trị cho khỏi bệnh.
bi-kich-nhung-van-dong-vien-giai-ngheTrương Thị Yến (phải) trong những ngày hạnh phúc được thi đấu bóng chuyền - Ảnh tư liệu
Chúng tôi cũng vừa hay tin, nữ VĐV Bóng chuyền bãi biển Trương Thị Yến của Hải Phòng, một cô gái từng được đánh giá là 1 trong những VĐV bóng chuyền bãi biển chơi tốt nhất Việt Nam đã và đang bình phục sức khỏe rất tốt sau khi phát hiện ra bệnh hiểm nghèo năm 2013.
Sau khi được quan tâm từ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng, các tổ chức, cá nhân, Yến được phẫu thuật, điều trị miễn phí. Cô gái đi từ cõi chết về với sự sống bằng một nghị lực phi thường. Chị vừa lấy bằng tốt nghiệp Khoa sư phạm, Đại học Hải Phòng, dần lấy lại sự duyên dáng ngày nào. Ước mơ cháy bỏng của cô gái trẻ chỉ là xin được việc làm ở một trường học nào đó, được yêu và được thương giống như mọi cô gái trẻ trên cuộc đời này. Điều giản dị đó, có khó lắm để giúp Yến không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.