Giới sáng tác, biểu diễn đang xôn xao trước vụ việc nhạc sĩ Giáng Son bị khiếu nại bản quyền đối với chính con đẻ của mình là tác phẩm Giấc mơ trưa (thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến) khi cô lập kênh YouTube và up bài hát này.
Nhạc sĩ Giáng Son (trái) cho biết chị không ký độc quyền Giấc mơ trưa với bất kỳ ai |
chụp màn hình |
Cụ thể, khi lập kênh YouTube để up những sáng tác của mình, trong đó có Giấc mơ trưa do Khánh Linh thể hiện (phát hành năm 2007), kênh của nhạc sĩ Giáng Son nhận thông báo khiếu nại bản quyền từ BH Media. Khi tìm hiểu, nhạc sĩ được biết nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh từng xin bản phối Giấc mơ trưa từ chị để đi diễn.
Dương Thùy Anh sau đó làm CD riêng và được phát hành bởi Hồ Gươm Video Audio. Rồi, Hồ Gươm bán hàng trăm CD cho BH Media nên có rất nhiều nhạc sĩ bị như trường hợp Giáng Son. Hiện, giấy phép bản quyền bản ghi âm Giấc mơ trưa của Dương Thùy Anh trên YouTube được ghi thuộc về BH Media (thay mặt cho Hồ Gươm Audio Video) và 3 hiệp hội bảo vệ quyền âm nhạc.
Giấc mơ trưa được hiển thị: chủ sở hữu bản quyền là BH Media (thay mặt cho Hồ Gươm Audio Video |
t.l |
Loạn "đánh gậy bản quyền"
Không chỉ Giáng Son, thời gian qua không ít nghệ sĩ từng bị "đánh gậy", cũng như không thể sử dụng bài hát trong album của mình để biểu diễn trên sân khấu.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết anh cũng bị vướng phải trường hợp như Giáng Son khi lập kênh Youtube Nguyễn Vĩnh Tiến Official. Và để tránh bị khiếu nại anh đã phải chọn những gì mình tự tay sản xuất. Dù vậy, “ngay cả đến khi bỏ toàn bộ tiền mời ban nhạc, ca sĩ và làm liveshow thì vẫn bị khiếu nại bản quyền của một số công ty tận đẩu tận đâu rất mệt”, anh nói.
Phương Vy cũng bị "đánh gậy" bản quyền mà không kịp trao đổi, thỏa thuận dẫn đến mất kênh YouTube. Cô cho rằng mình "rất hoang mang, không biết đường đâu mà lần khi các đơn vị khai thác giẫm đạp lên nhau trong hoạt động này" |
nscc |
Ca sĩ Phương Vy mới đây cũng vừa bị "đánh gậy", “sập” kênh YouTube cũng vì liên quan việc up bài hát từ chính album cô từng phát hành. Theo Phương Vy, kênh YouTube của cô bị cùng lúc hai đơn vị "đánh gậy", khi giải quyết với một đơn vị xong, cô mới biết được đơn vị còn lại hoàn toàn khác và tiếp tục đánh thêm gậy trong ngày cuối tuần nên cuối cùng cô không kịp liên lạc thỏa thuận và chấp nhận mất kênh. Chưa kể, như cô cho biết "họ đập 4 gậy mà chẳng gửi email thông báo; đã vậy lại còn dùng hai địa chỉ email khác nhau để 'đập gậy' làm mình chẳng biết đường nào mà mò luôn”.
Ca sĩ Mỹ Lệ cho biết cô cũng vô cùng ức chế trước trước nạn loạn "đánh gậy" bản quyền này. "Bài hát từ CD mình bỏ tiền thực hiện, chỉ là thông qua một đơn vị khác phát hành, chứ không ủy quyền gì cho ai. Vậy mà không hiểu họ chuyển giao buôn bán kiểu gì qua công ty BH Media đó, đến khi mình up kênh YouTube thì bị 'đánh gậy', mình làm giám khảo game show muốn hát bài trong đĩa, mình lấy nhạc của mình hát cũng không được do bản quyền thuộc BH Media, thật không hiểu nổi", Mỹ Lệ phản ánh.
Nhạc sĩ Minh Châu cũng bị các đơn vị cảnh báo vi phạm ngay trên chính tác phẩm do anh sáng tác, thu âm, ghi hình. “Kênh YouTube của tôi có khoảng 450 video clip, thì có đến 60-70 cái cảnh báo vi phạm. Có đơn vị tôi liên hệ được để cho họ biết mình là chính chủ, thì được gỡ cảnh báo; nhưng nhiều đơn vị mình không thể tìm ra địa chỉ, chả biết ở đâu để trực tiếp làm việc nên cũng đành chịu vậy”. Theo anh, vì YouTube không phân xử hay giải quyết và ai cũng có thể xác nhận bản quyền đối với bất cứ sản phẩm nào, chỉ cần họ báo cáo lên YouTube họ bị vi phạm thì YouTube sẽ đổ tiền về bên người phản ánh. “Những đơn vị cảnh báo này thừa biết nghệ sĩ ngại kiện tụng, trong khi ngay việc tìm họ ở đâu để làm việc cũng khó, nên hơn năm qua tôi cũng nản, cứ để vậy thôi”.
Cẩn trọng với các thỏa thuận, hợp đồng tác quyền
Trả lời Thanh Niên về vấn đề bản quyền của Giấc mơ trưa, nhạc sĩ Giáng Son cho biết phía BH Media có liên hệ với chị nhưng chị đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) giải quyết.
Liên quan đến Giấc mơ trưa, là đồng tác giả, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng nhạc sĩ là người sáng tạo tác phẩm nên không thể giỏi hay hiểu biết hết mọi thứ, rất cần có sự đồng hành của nhà tư vấn luật bản quyền và nhà tư vấn công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh việc cần phải hết sức cẩn thận với các dạng thỏa thuận hợp đồng hay tác quyền, cụ thể là độc quyền vĩnh viễn hay độc quyền có thời hạn, quyền sử dụng tạm thời, quyền sử dụng bản phối khí (nhạc nền), quyền sử dụng giọng hát (ca sĩ), quyền của tác giả thơ hoặc ca từ.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: “Các nhạc sĩ dễ tính vừa thôi, cho hay tặng thì cũng phải có điều khoản rõ ràng, nếu không chính mình sẽ bị từ chối quyền sử dụng con đẻ của mình thì đau lòng lắm" |
nscC |
“Trường hợp cho, tặng các ca sĩ quyền sử dụng tác phẩm cũng cẩn thận và có hợp đồng rõ ràng về tác quyền. Nhiều khi cho bài, chả nhận được đồng nào, lại còn không được dùng chính tác phẩm của mình trên Facebook và YouTube của mình", nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến bày tỏ và hy vọng "Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ và quyết liệt để giải quyết vấn đề này cho các nhạc sĩ".
Đồng quan điểm trên, nhạc sĩ Minh Châu nói thêm rằng “ở đây rõ ràng đã có dấu hiệu lạm dụng quyền được sử dụng. Giống như việc mình mua CD gốc về nghe, để sử dụng thôi nhưng sau đó tự cho rằng CD đó của mình sở hữu và được phép sao chép sang nhượng khai thác với mục đích khác”. Anh, cũng như các nghệ sĩ bị "vướng" nạn cảnh báo/đánh gậy bản quyền, chủ yếu trên YouTube, mong muốn những người kinh doanh, hoạt động trong môi trường này phải có ý thức tôn trọng pháp luật và có lòng tự trọng.
Thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ cho rằng hiện nay vấn đề tác quyền trên không gian mạng đang rất mập mờ và bị thu chồng chéo lẫn nhau. Một số nhạc sĩ cho biết ngay cả các đơn vị thu tác quyền trên không gian này khi ký hợp đồng với các tác giả hay đơn vị sở hữu bản ghi… cũng có những chiêu thức riêng để khai thác các quyền này. Vì thế gần đây VCPMC cũng đã có thông báo đến các tác giả - nhạc sĩ thành viên, trong đó nhắc nhở các tác giả lưu ý cân nhắc thật kỹ trước khi ký để tránh xảy ra tranh chấp, kiện tụng.
BH Media nói gì?
Trả lời Thanh Niên, đại diện BH Media khẳng định: “Chúng tôi không 'đánh gậy' nghệ sĩ nào cả, cả trong trường hợp của Giáng Son, là liên quan đến bản ghi có trùng khớp với nhau về vấn đề âm thanh. Một bài hát trong CD Hòa tấu của Hồ Gươm mà chúng tôi quản lý khai thác kinh doanh và một bài hát do học trò hay người quen chị Giáng Son cover (hát lại) có trùng khớp nhau về âm thanh - phân đoạn nhỏ giữa 2 beat nhạc, khoảng hơn 20% thì YouTube nhận diện. Chúng tôi cũng mong được làm việc với chị Giáng Son để sớm giải quyết.
Với trường hợp ca sĩ Mỹ Lệ cũng vậy, tôi xin nói rõ tất cả nghệ sĩ hay đơn vị nào có vấn đề về bản quyền liên quan đến BH Media thì công ty chúng tôi có địa chỉ rõ ràng, hoàn toàn có thể liên hệ, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận trả lời từng vấn đề để khúc mắc ở đâu gỡ rối ở đấy.
Khi ca sĩ, nhạc sĩ muốn kiện tụng thì phải xác định xem bản ghi đó, sản phẩm đó thuộc ai sở hữu, hợp đồng sản xuất phát hành được ký kết ra sao, chứ không thể nói chung chung. Chúng tôi là đơn vị trung gian khai thác và có nền tảng, nên bất kỳ ai có bản quyền và đảm bảo với chúng tôi được rằng bản quyền đó họ chịu trách nhiệm thì chúng tôi khai thác".
Bình luận (0)