Có người cảm thấy rất thích cái nốt ruồi trên gương mặt của mình, nhưng cũng có người lại thấy cái nốt ruồi ấy xuất hiện thật vô duyên, khiến họ mất tự tin. Phải làm sao đây?
Rước họa vào thân
Chị Tr.M.L (28 tuổi, nhân viên một công ty du lịch đóng trên Q.1, TP.HCM) mấy hôm nay tinh thần bỗng phấn chấn hẳn lên sau khi đã đi xử lý xong cái nốt ruồi nằm ở gần mí mắt bên phải. Chị L. cho biết trước đây mỗi lần soi gương nhìn vào cái nốt ruồi, chị cảm thấy rất khó chịu. Lại thêm nghe đồn nốt ruồi mọc ở khu vực mí mắt được coi là nốt ruồi “lệ”, thường mang lại buồn khổ, nhất là hay gặp lận đận trong chuyện tình cảm. Sau nhiều ngày đắn đo, chị L. quyết định đi phá.
Không may mắn như chị L., sau vài lần đốt điện, mụn ruồi mất đi, chị N.N.H (34 tuổi, ngụ Q.10) thì gặp họa do phá cái nốt ruồi ở sống mũi mà theo chị H. cái nốt ruồi ấy khiến vận số chị không thông. Những tưởng cái mụn ruồi đơn giản chỉ là phần thịt thừa nằm ngoài da, không ảnh hưởng đến các tế bào khác của cơ thể nên chị H. đến tiệm uốn tóc gần nhà phá cho tiện, lại vừa rẻ, vừa nhanh, gọn. Tại đây, thợ làm tóc dùng tăm bông nhúng vào một lọ thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi chấm vào cái nốt ruồi. Theo lời của nhân viên, sau vài ngày, chỗ được chấm thuốc sẽ tự lành và thành sẹo không còn mụn ruồi nữa. Thế nhưng, xui thay, chỗ chấm ấy hơn 1 tuần trôi qua vẫn không lành, lại bị lở loét. Vì sợ để lại sẹo chị H. lấy nghệ bôi vào, vết lở loét càng lan rộng. Thấy không ổn, chị H. vội vàng đi khám và được bác sĩ da liễu kết luận chị bị viêm nhiễm trong quá trình tẩy nốt ruồi. Nếu không kịp thời điều trị các vết loét của chị càng lan rộng ra.
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng - nguyên Phó chủ tịch Hội Da liễu TP.HCM, việc sử dụng các loại thuốc tẩy nốt ruồi không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể khiến vết thương sau khi tẩy nốt ruồi bị lan rộng, dẫn đến tình trạng sưng tấy hoặc nhiễm trùng và nguy cơ để lại sẹo là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, với các nốt ruồi ác tính việc tẩy phá không an toàn càng nguy hiểm hơn, bởi nốt ruồi đang yên đang lành có thể chuyển thành bệnh rất nặng là u hắc tố ác tính nếu nạo, đánh tẩy vì điều này sẽ kích thích sự phát triển nhanh của u.
(TNO) Các nhà khoa học ở Anh vừa công bố nghiên cứu, trong đó chứng minh số lượng nốt ruồi trên cánh tay phải có thể dự đoán được căn bệnh ung thư da và ung thư tế bào hắc tố.
Hiện nay khá nhiều chị em phụ nữ, mà đa phần các bà nội trợ thường mách nhau sử dụng những lọ dung dịch tẩy nốt ruồi không có nguồn gốc rõ ràng được bày bán rất nhiều ở các cửa hàng mỹ phẩm hoặc các tiệm làm tóc. Các loại thuốc tẩy nốt ruồi được bán này về bản chất đều là a xít. Người ta sử dụng a xít pha loãng bôi vào da để bào mòn những nốt ruồi không chân. Với những nốt ruồi lớn, có chân sâu thì trước khi bôi thuốc người ta lấy kim chọc quanh nốt ruồi tạo thành những vết hở nhỏ để thuốc ngấm sâu và có thể loại bỏ tận chân nốt ruồi. Điều này rất nguy hiểm vì không những xảy ra nhiễm khuẩn mà còn khiến a xít hủy hoại trực tiếp tới những lớp da ở sâu phía dưới. A xít có thể làm nốt ruồi bị tróc ra, nhưng rất dễ kèm theo da bị hoại tử dẫn đến viêm nhiễm ngứa, đau rát, có người còn bị sưng đỏ, mưng mủ.
Có nên phá nốt ruồi ?
Bác sĩ Huy Hoàng cho biết nốt ruồi là sự tập trung nhiều tế bào melanocyte ở một vài vùng da trên cơ thể. Melanocyte chứa một chất màu đen đó là hắc tố melanine. Có loại nốt ruồi bẩm sinh xuất hiện ngay sau khi sinh, có loại lớn lên mới hình thành và càng ngày xuất hiện nhiều hơn. Những loại nốt ruồi thường gặp gồm: nốt ruồi nằm ở ranh giới bì và thượng bì, nốt ruồi nằm ở lớp bì, nốt ruồi hỗn hợp thường hay gặp trước tuổi dậy thì, nốt ruồi màu xanh, nốt ruồi có quầng trắng ở bên ngoài, có loại có lông, có loại không có lông.
Cho đến nay, y học cũng chưa biết rõ tại sao có người lại có nhiều nốt ruồi nhưng có người lại có ít, mặc dù có cùng màu da như nhau. Tuy nhiên, người da trắng, da vàng thường có nhiều nốt ruồi hơn da nâu da đen. Vị trí mọc nốt ruồi ở chỗ này không có ở chỗ khác cũng là thắc mắc vẫn chưa trả lời được.
Khoa học không chấp nhận nốt ruồi có ảnh hưởng tới tướng số, không thể nào nói nốt ruồi mọc ở chỗ này là tốt hay xấu, ngoại trừ nốt ruồi to mọc ở mặt có thể gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Y học cũng dè dặt khi nói nốt ruồi sẽ có ảnh hưởng xấu về sau nếu mọc ở vị trí dễ bị kích thích cọ xát thường xuyên.
(TNO) Căn bệnh ung thư có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, rất nhiều người trẻ đã bỏ qua các triệu chứng ban đầu và chỉ đến bác sĩ khi sức khỏe đã suy kiệt. Các chuyên gia ở Anh mới đây đã liệt kê 5 dấu hiệu cảnh báo ung thư cho người trẻ.
Tùy theo quan điểm của mỗi người, có người cho rằng nốt ruồi mọc ở vị trí này là đẹp là tốt, hoặc trái lại. Ví dụ: nhiều người cho rằng nốt ruồi mọc ở cạnh môi trên là “vô duyên” cần phá bỏ, nhưng có người lại thích vì cho là “có duyên”.
Nốt ruồi có thể biến thành ung thư nhưng tỷ lệ rất thấp khoảng 1/10.000. Khi thấy nốt ruồi to ra, thay đổi hình dạng, tăng hoặc giảm màu sắc, thay đổi đường viền bao quanh, ngứa lở loét, chảy máu thì cần đi khám bệnh ngay, vì đó có thể là triệu chứng đầu tiên của ung thư nốt ruồi, một loại ung thư rất nguy hiểm, khó điều trị. Ở những người có nhiều nốt ruồi và trong gia đình đã có người ung thư nốt ruồi (còn gọi là u hắc tố) thì nên đi khám định kỳ mỗi 6 tháng một lần tại bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc ung bướu.
Hơn nữa, việc phân biệt nốt ruồi “lành” và nốt ruồi “ác”, ngoại trừ những dấu hiệu quá rõ ràng như trên thì đa số rất khó nhận biết bằng mắt thường. Chỉ khi làm xét nghiệm, giải phẫu bệnh lý mới có kết quả chính xác. Bằng cách xét nghiệm tế bào học, các bác sĩ sẽ phát hiện được những nốt ruồi trên mặt bạn có dấu hiệu ác tính hay lành tính từ đó đưa ra phương pháp điều trị tẩy nốt ruồi hiệu quả.
Đối với những nốt ruồi bình thường, không có biểu hiện khác lạ thì việc loại bỏ nốt ruồi bằng phương pháp đốt laser hoàn toàn không có hại. Tuy nhiên, có trường hợp phải đốt lại tới 2 - 3 lần mới hết. Có trường hợp sau khi đốt thì bị sẹo lõm vĩnh viễn. Nếu tẩy nốt ruồi bằng các phương pháp thiếu khoa học như dùng vôi chà xát, dùng a xít chấm vào… thì nguy hại rất lớn. Không chỉ gây viêm nhiễm, nhiễm trùng, mà còn có thể biến nốt ruồi thành những loạn sản ác tính và hình thành ung thư.
Bình luận (0)