Rối ren chuyện thu tiền bản quyền sáng tác

14/04/2016 06:00 GMT+7

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cố tình quy định để có thể cấp phép chương trình biểu diễn mà không cần hợp đồng bản quyền với nhạc sĩ.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cố tình quy định để có thể cấp phép chương trình biểu diễn mà không cần hợp đồng bản quyền với nhạc sĩ.

Chỉ cần văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả là được cấp phép biểu diễn - Ảnh: Độc LậpChỉ cần văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả là được cấp phép biểu diễn - Ảnh: Độc Lập
Cấp phép bỏ qua bản quyền
Nhạc sĩ Phó Đức Phương không giấu nổi bức xúc khi nói về Nghị định 15, Thông tư 01 do Bộ VH-TT-DL mới ban hành, sẽ có hiệu lực vào 15.5 tới đây. Theo cách hiểu của ông, người xin cấp phép biểu diễn có thể không cần có hợp đồng bản quyền với tác giả mà vẫn có thể ung dung cầm giấy phép trong tay. “Nếu cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho các tổ chức cá nhân làm biểu diễn, in băng đĩa mà không xin phép các tác giả thì còn tiếp tục rối ren. Nhạc sĩ càng khó thu tiền bản quyền sáng tác”, ông Phương nói.
Cụ thể, điều 9 Nghị định 15 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang..., quy định hồ sơ cấp phép biểu diễn cần có “1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Kèm theo đó, điều 13 Thông tư 01 ban hành mẫu văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả. Trong đó mẫu đơn chỉ là cam kết của đại diện theo pháp luật của nhà tổ chức.
Ông Đỗ Khắc Chiến, chuyên gia về bản quyền cho biết, nếu chỉ cần cam kết đơn phương như vậy thì sẽ có nhiều người “lách luật” để tránh đàm phán với người nắm quyền tác giả bài hát. “Chữ cam kết thực ra là không chính xác và không đầy đủ. Nó nhẹ. Nó mới là xuất phát từ ý nguyện thôi. Nhưng cam kết phải là cam kết với ai, ai cam kết? Ít nhất phải có hai bên thỏa thuận và ký với nhau mới được. Thậm chí còn phải có người làm chứng, công chứng”, ông Chiến nói. Như vậy, theo ông Chiến, trong cam kết hoàn toàn không thấy quyền của chủ tài sản đâu cả.
Ông Chiến cho biết, điều 48 luật Sở hữu trí tuệ quy định việc sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan bằng hợp đồng có rất nhiều nội dung. Trong đó, phải có tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền. Hợp đồng cũng phải có giá, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
“Làm như thế là qua mặt nhạc sĩ”
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, trước đây, theo Nghị định 79, luật cũng không quy định phải có văn bản giữa bên xin cấp phép biểu diễn và người nắm bản quyền bài hát. Chính vì thế, làm việc thu bản quyền cho nhạc sĩ, ông phải chạy theo đứt hơi. Giờ đây, theo Nghị định 15, đã xuất hiện yêu cầu phải có văn bản cam kết với người nắm quyền bài hát, song việc hướng dẫn lại sai lệch thành không cần. Điều đó thể hiện ở mẫu đơn, chỉ cần người đại diện của nhà tổ chức đứng ra viết, ký, hứa là đủ. “Chúng tôi đã làm rất nhiều văn bản trong hơn mười năm qua. Và kết quả hôm nay vẫn là như vậy”, ông Phương nói.
Theo ông Đỗ Khắc Chiến, số văn bản gửi tới các nơi liên quan như Bộ VH-TT-DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn để kêu về lỗ hổng không cần trả bản quyền vẫn cấp phép đã rất dày. Tuy nhiên, không hiểu sao, Thông tư 01 này vẫn quy định như thế. Nó trái lại với tinh thần của luật Sở hữu trí tuệ. Nó cũng trái với nghị định khi không yêu cầu phải có văn bản nhiều bên về quyền sử dụng tác phẩm.
Theo danh sách mà ông Phương cung cấp, chỉ từ năm 2010 đến nay, đã có tới 25 văn bản được Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc của ông gửi đi. Văn bản được gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ VH-TT-DL, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và cả Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Tuy nhiên, thể hiện của Thông tư 01 vẫn sai lệch như vậy.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng khi soạn thảo thông tư như vậy, Cục Nghệ thuật biểu diễn là nơi cấp phép cho người ta biểu diễn mà lại không quan tâm đến việc bản quyền tác giả được trả hay không. “Cục không có quyền thay nghệ sĩ sáng tác. Cục làm như thế là qua mặt nhạc sĩ hàng chục năm nay. Đáng lẽ Bộ phải bác bỏ thông tư chứ. Đằng này lại ký”, ông nói.
Về phần mình, ông Phương cũng cho biết, trong thời gian ngắn nhất, trung tâm của ông sẽ gửi văn bản tới các cơ quan quản lý để xem xét lại nội dung, tính pháp lý của văn bản này. Theo ông, nếu để văn bản tồn tại, việc hàng ngàn cuộc biểu diễn trốn tránh trả tác quyền sẽ tiếp tục xảy ra. “Họ không trả, biểu diễn xong chúng tôi chạy theo khổ lắm. Nó lan sang cả in ấn băng đĩa, họ cứ in mà không hỏi gì tác giả”, ông Phương nói.
Ý kiến
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội: “Trước khi tôi là phó giám đốc sở, chúng tôi có giao người nhận hồ sơ kiểm tra kỹ xem trước khi cấp giấy phép đã thỏa thuận tác quyền chưa. Phải xem người tổ chức biểu diễn đã làm việc với các tác giả chưa, đã trả tiền tác quyền chưa. Khi điều kiện hoàn tất tôi mới ký”.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Nghe thì thấy nhà quản lý nói nhiều mỹ từ lắm. Cam kết cũng là mỹ từ. Cần gì phải dùng từ cam kết, chỉ dùng từ hợp đồng là gọn với mọi vấn đề. Hợp đồng phải có văn bản, phải có chữ ký và công chứng”.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Người ta biểu diễn tác phẩm của tôi xưa nay chưa ai xin phép tôi dù chỉ bằng điện thoại chứ chưa nói đến hợp đồng. Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc thành lập 14 năm, mà tới nay mới thu khoảng 15% cái chúng tôi đáng được hưởng. Nhìn các nước xem có ai vi phạm bản quyền nhiều như thế không”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.