Chị Vũ Thị Hải Anh (28 tuổi) đăng bài tìm sự giúp đỡ từ các thành viên trong nhóm Giúp nhau mùa dịch khi tìm chỗ ở mới trước khi rời Sài Gòn vì dịch Covid-19 căng thẳng, khi chị và chồng thì tới lui bệnh viện thường xuyên.
Đi chữa ung thư rồi ‘mắc kẹt’
Chị Hải Anh kết hôn với anh Bùi Quốc Hùng (31 tuổi) rồi sinh sống tại H.Đắk Hà, Kon Tum. Anh chị khó khăn lắm mới có được một bé trai kháu khỉnh thì cơn ác mộng mang tên ung thư ập đến vào ngày sinh nhật tròn 2 tuổi của con.
Chị Hải Anh phát hiện căn bệnh ung thư vú năm 2019. Lúc đó, căn bệnh đang ở giai đoạn 3B. Chị điều trị với liệu trình 8 toa hoá chất, rồi phẫu thuật vét hạch, cắt 1 bên vú và xạ trị 16 tia.
Trải qua nhiều đau đớn, chị hoàn thành liệu trình với niềm vui trở về nhà và gặp con trai. “Cứ tưởng điều trị xong, tôi có thể an tâm về ở với con được lâu hơn chút. Ai ngờ ra viện được 6 tháng thì bệnh tái phát. Ngày xưa bệnh nhẹ, tôi ráng đi một mình được. Giờ, cơ thể đau nhức, ăn không được cần có người đi cùng. Hai vợ chồng ở quê, lại khăn gói lên Sài Gòn chữa bệnh”, chị Anh tâm sự.
|
Căn bệnh của chị đã đến giai đoạn cuối, di căn xương, gan và phổi. Xương chân và hông phải đau nhức đến nỗi chị chỉ muốn chết. Không thuốc giảm đau nào có tác dụng. Liệu trình điều trị cũng không xác định là bao nhiêu toa thuốc và thời gian bao lâu. Với chị, hoá chất được truyền vào bây giờ để duy trì sự sống và giảm đau đớn. “Còn vào được thì cứ vào thôi”, chị cười trừ nói.
Hai vợ chồng chị thuê nhà trọ ở khu vực ngã tư Bình Thái, Q.9 (cũ). Bình thường, vợ chồng chị chỉ ở lại từ 1-2 tuần để vào hoá chất rồi về quê. Vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, xe khách ngừng hoạt động và bệnh viện bị phong tỏa. Chị Anh không thể vào khám và lấy thuốc, cũng không thể về nhà. Hai vợ chồng cũng vì thế mà ‘mắc kẹt’ ở đây suốt 2 tháng qua.
“Dịch căng thẳng, hai vợ chồng tới lui bệnh viện nhiều cũng có nhiều nguy cơ. Tôi đăng bài nhờ mọi người tìm chỗ giúp. Thật ra cũng không trách họ được. Tâm lý ai cũng sẽ sợ thôi. Sau khi bài lên, tôi được anh Bảo và anh Khánh tìm được phòng ở gần bệnh viện luôn, tiện đi khám”, chị Anh chia sẻ.
|
Anh Trần Đình Bảo và anh Trần Đình Khánh sau khi đọc được bài viết của chị Anh đã liên hệ bạn bè tìm nhà trọ. Anh Khánh cho biết: “Chúng tôi tìm mất buổi chiều mới được 1 phòng trọ gần bệnh viện, cách khoảng 2km. Trong lúc tìm nhà, tôi có nói chuyện với Hải Anh. Bạn bị bệnh nặng mà ở vật vờ ngoài đường 2-3 ngày như vậy sợ nhiễm bệnh thì không có cơ hội gặp lại con. Nghe vậy, chúng tôi rất thương và cố gắng hỗ trợ hai bạn. May mắn, có anh ở Q.9 (cũ) tìm được và chúng tôi hỗ trợ tiền phòng cho hai bạn ấy”.
Anh Hùng vui mừng khi có người giúp đỡ. Hai vợ chồng chỉ cần chỗ che mưa, che nắng là được rồi. Ban đầu, chị Anh cũng hỏi một vài người quen ở Sài Gòn nhưng suy đi tính lại thì ở trọ thuận tiện hơn. Một phần vì sợ ảnh hưởng đến họ. Một phần là chị muốn tự bảo vệ mình. “Tôi có bệnh nền nặng mà nhiễm nữa thì khỏi về, đi gặp ông bà luôn”, chị nói.
“Tôi không biết trụ được đến bao giờ”
Ở Kon Tum, chị Anh thì mở quán bán cà phê buổi sáng còn anh Hùng thì làm rẫy. Cuộc sống ổn định và hạnh phúc với con trai nhỏ. Từ ngày chị bệnh, kinh tế gia đình từ đó cũng xuống dốc theo. Đợt chữa đầu, anh chị đã vay ngân hàng một khoản để lo chi phí điều trị. Lần này, trung bình mỗi đợt (20 ngày) vào thuốc hết 4 triệu. Anh Hùng nhìn vợ rồi cũng không biết nói gì. Với anh bây giờ, việc chạy chữa cho vợ khỏe lên là điều quan trọng nhất.
“Giờ thì cứ tới đâu, xoay tới đó. Tôi cũng không biết sẽ trụ được đến bao giờ. Đợt này, cả hai vợ chồng cũng đi nên không có nguồn thu mà vẫn trả lãi ngân hàng nên khó khăn. Thà nghèo một chút thì gắng không sao, chứ bệnh một cái là bao nhiêu tiền cũng ra đi hết”, chị Hải Anh thở dài, ngao ngán.
Xa nhà 2 tháng, điều chị Anh sợ nhất không phải là hoá chất, là kim tiêm mà là xa đứa con trai 4 tuổi. Dù chị có lạc quan đến đâu, cũng phải nhìn vào thực tế rằng thời gian bên con của chị không còn nhiều.
|
Điều mong mỏi lớn nhất của người mẹ trẻ là được về nhà gặp con. “Tôi nhớ nó lắm rồi, sợ nó quên tôi. Thời gian bên con không còn nhiều...", chị nghẹn ngào. Vợ chồng chị muốn chạy xe máy về quê để được gặp con nhưng vì dịch bệnh căng thẳng, có lẽ dự định này phải tạm gác.
Chị Anh có bầu lần đầu nhưng bị hở eo tử cung, phải nằm giường cả 8 tháng. Bé sinh non lúc 5 tháng nên mất. Khó khăn lắm anh chị mới có được bé trai thứ 2. Chị Anh nói bé ngoan, thấy mẹ lên xe đi Sài Gòn nói mẹ đi tiêm, mai mẹ về. Bé biết mẹ bệnh nên không hỏi nhiều hay nũng nịu. Lần này, anh chị đi lâu, gọi điện thoại về nó hờn dỗi, không thèm nghe.
“Thương con lắm em ạ! Có bữa tôi lỡ miệng nói chuyện với bạn, ảnh ngồi bên nghe được. Tôi bảo mình bị bệnh sắp chết. Tới tối, bé tự nhiên hỏi: “Mẹ sắp chết à?”, nghe mà rớt nước mắt”, chị xót xa kể lại. Anh Hùng tâm sự: “Chỉ mong vợ khỏe để về được với con”.
Ung thư đã lấy đi của chị nhiều thứ. Một cô gái trẻ xinh đẹp phải nhìn mái tóc đen, dài rụng dần thành trọc. Khắp người toàn vết kim tiêm, sẹo phẫu thuật. Bác sĩ nói cần có kết quả hoá mô mới biết chính xác được nhưng qua các kết quả hiện có thì bệnh cảnh di căn toàn thân, khá xấu. Dẫu vậy, nghĩ đến con trai, chị Hải Anh lại mạnh mẽ và lạc quan chiến đấu với bệnh tật.
Chị Hải Anh và chồng mượn xe máy của người quen ở Sài Gòn xuất phát về quê từ 17 giờ, ngày 26.7 sau khi khám và nhận thuốc tại bệnh viện. Hai vợ chồng tranh thủ rời khỏi TP trước 18 giờ. 11 giờ trưa 27.7, vợ chồng chị đã về đến H.Krông Búk, Đắk Lắk, cách thành phố Kon Tum 181km. Chị Anh chia sẻ: “Các anh ở chốt tạo điều kiện cho người dân về quê. Tôi cũng bệnh, đưa hồ sơ bệnh án ra thì không ai từ chối. ”.
Bình luận (0)