'Mắc kẹt’ Sài Gòn thời Covid, lương 2 triệu nuôi 4 miệng ăn: Nức nở vì tình yêu thương

20/07/2021 19:35 GMT+7

Chiều Sài Gòn mưa rả rích, bà Tuyết đọc lại từng tin nhắn ủng hộ tiền được chuyển đến điện thoại con gái, nức nở khóc vì nhận được quá nhiều tình yêu thương. Chưa đầy 24 giờ, gia đình bà được ủng hộ hơn 100 triệu.

Bà Lê Hoàng Tuyết (63 tuổi) – nhân vật trong bài viết ‘Mắc kẹt’ Sài Gòn thời Covid-19: Lương 2 triệu nuôi 4 miệng ăn, đi vay lãi cũng bị… chê đăng trên Thanh Niên tối 18.7 đã có một buổi chiều ngồi nức nở khóc. Lần này, bà khóc không phải vì nghĩ đến cảnh thảm thương của gia đình, mà khóc vì nhận được nhiều sự yêu thương, chia sẻ cũng những người xa lạ khắp nơi với gia đình.

“Quá sức tưởng tượng”

Chồng bà Tuyết là tài xế container, bán sức khỏe bên vô lăng với những chuyến xe đường dài mấy chục năm trời, tích cóp tằn tiện, vợ chồng bà xây được nhà ở Q.2 cũ. Rồi sau vài vụ tai nạn giao thông, nhà cửa bán hết, đồ đạc trong nhà cũng bán sạch để lo bồi thường. Cả nhà đưa nhau ra ở trọ.
Năm vừa rồi, ông lại bị xe máy tông khi đang đi bộ, móp sọ, gãy xương, nhiều lúc nói chuyện ngô nghê không đầu không cuối. Khó khăn chồng biến cố, con gái bà chia tay chồng, làm mẹ đơn thân. Dịch Covid-19 lại tiếp tục, bà cũng thất nghiệp, cả nhà 4 miệng ăn trông chờ vào đồng lương 2 triệu đồng của con gái.

Chồng bà Tuyết bị tai nạn móp sọ xuất viện vì hết tiền điều trị, 1 năm trời không đi khám lại

Ảnh: Vũ Phượng

Nhiều khi trong túi không còn một đồng, cả nhà phải cầm CMND được 200.000 đồng, mỗi tuần đóng lời 50.000 đồng để có tiền ăn. Nhiều lần rơi vào đường cùng, bà tìm hỏi mấy chỗ vay "nóng", nhưng cũng bị… chê vì trong nhà chẳng còn món đồ nào giá trị.
Ngay trong tối 18.7, bài viết về gia đình đăng trên Thanh Niên, bà đã liên tục nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm. Cùng lúc đó, số tài khoản của con gái cũng liên tiếp có thông báo tin nhắn từ ngân hàng.
Bà nghẹn giọng: “Qua đến nay tôi nhận nhiều cuộc điện thoại lắm, không đếm được. Ai cũng gọi hỏi về hoàn cảnh gia đình, hỏi chi tiêu hằng tháng, cuộc sống hiện tại. Chưa đầy 1 ngày tôi đã nhận được một trăm lẻ mấy triệu. Mọi thứ ngoài sức tưởng tượng, tôi bàng hoàng, bần thần từ qua tới nay”.
Với số tiền này, bà Tuyết cho biết việc đầu tiên bà làm là trả nợ tiền nhà trọ, trả nợ hàng xóm, tiếp theo là thông qua Báo Thanh Niên chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn khác. “Dịch càng ngày càng căng, con gái tôi không có việc làm, qua nay cũng có người gọi hứa hết dịch sẽ tạo công ăn việc làm cho nó, tôi mừng rơi nước mắt. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới. Xin cảm ơn mọi người đã chung tay giúp cả gia đình tôi. Hết dịch, tôi sẽ đưa chồng đi tái khám, vì cả năm trời ổng chưa được khám lại. Tôi mua cho cả nhà tấm thẻ bảo hiểm y tế phòng lúc đau bệnh nữa”, bà Tuyết xúc động chia sẻ.

Tạm xa chồng con, ở lại công ty khi phường bị phong tỏa vì Covid-19

Có người ủng hộ hai chục, ba chục…

Chị Lê Song Thanh Loan (29 tuổi, con gái bà Tuyết) cho hay, từ lúc đọc bài đăng đến giờ, mẹ chị liên tục khóc vì mừng, vì hạnh phúc, bởi mẹ chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ được cộng đồng giúp đỡ đến như vậy.

Nhận được số tiền ủng hộ quá lớn, bà Tuyết lại bật khóc, bà cho biết sẽ trả nợ, đưa chồng đi tái khám, mua thẻ bảo hiểm y tế và chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn khác

Ảnh: Vũ Phượng

Chị bộc bạch: “Mẹ em khóc quá trời. Bình thường mẹ ít khóc lắm, lâu lắm rồi mới thấy mẹ khóc như vậy. Từ tối qua, tin nhắn của ngân hàng liên tục đổ về, kèm trong thông tin chuyển khoản là những lời nhắn chúc gia đình sức khỏe, ủng hộ gia đình vượt qua khó khăn. Em và mẹ ngồi đọc hết mà không biết bằng cách nào cảm ơn vì không có thông tin liên lạc. Có những người gửi hai chục, ba chục, năm chục, năm trăm, 1 triệu,… vào nửa đêm. 5 giờ sáng cũng có người gọi điện thoại hỏi thăm rồi chuyển khoản. Cả nhà chỉ biết nhìn nhau khóc”.
Ngoài chuyển khoản, nhiều người cũng gọi điện thoại để gửi gạo, rau củ đến chia sẻ với gia đình trong những ngày dịch giã. Căn trọ nhỏ xíu giờ chất đầy đồ tiếp tế, bà Tuyết ngồi ngay góc cửa, kéo đi kéo lại từng tin nhắn chuyển khoản, đọc những lời nhắn gửi chia sẻ của những người xa lạ, sụt sùi khóc. Chiều Sài Gòn vẫn mưa rả rích, nhưng trong căn trọ của bà Tuyết lại thật ấm áp bởi ai cũng đang gặp khó vì dịch nhưng vẫn dang tay cùng kéo nhà bà khỏi giai đoạn “mắc kẹt” với Sài Gòn, “mắc kẹt” với cuộc đời…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.