Ông Lê Thanh Huy (65 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) là tài xế container mấy chục năm, từng xây được nhà ở Sài Gòn. Rồi cũng vì nghề, sau những vụ TNGT, nhà cửa, đồ đạc phải bán tháo hết, cả gia đình chuyển ra ở trọ.
Cú chót là vào tháng 10.2020, ông bị xe máy tông khi đi bộ sang đường. Sau tai nạn, ông đi đứng khập nghiễng, móp sọ, gãy tay, thỉnh thoảng nói chuyện như đứa trẻ lên ba khiến cả gia đình suy sụp.
Biến cố ập đến bất ngờ, cô con gái 28 tuổi (đang làm mẹ đơn thân của em bé 1 tuổi) lương 7 triệu mỗi tháng phải đứng ra gánh vác gia đình. Dù vất vả nhưng tằn tiện vẫn đủ đóng tiền nhà trọ, nuôi 4 miệng ăn. Đợt dịch Covid-19 này kéo dài, lương con gái giảm còn 2 triệu, kéo dài 2 tháng liên tiếp, bà Tuyết và chồng phải đem cầm cả những gì còn sót lại để có tiền ăn.
Đời tài xế container và cái kết buồn
Mấy chục năm trời bán sức khỏe bên vô lăng container, từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Huy mua được đất, cất được nhà ở TP Thủ Đức (Q.2 cũ), TP.HCM. Khi luống tuổi, không muốn làm thuê nữa, ông bàn với vợ bán nhà mua xe. Dành dụm được vài ba đồng thì lại tai nạn, đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi để ông có tiền bồi thường. Mỗi lần như vậy, cả nhà lại chuyển đến căn trọ khác chật chội hơn, ít tiền hơn.
|
Đến khi nhà không còn gì để bán nữa, sau mấy vụ tai nạn chiếc xe cũng tan nát, ông chỉ bán được phần xác với giá như phế liệu, quay trở lại đời chạy tài thuê, ăn lương chuyến. “Đúng là cái nghề rồi có cái nghiệp, có lần ổng chạy container xuống Bến Tre, nghỉ mệt băng qua đường mua nước thì xe máy tông cho bất tỉnh. Người chứng kiến nói máu lênh láng, ông giãy đành đạch tưởng không qua khỏi. May sao vẫn giữ được mạng sống, nhưng đầu óc ổng không còn bình thường”, bà Tuyết kể.
Chồng đang nằm viện 10 ngày thì nghe tin mẹ ruột mất, cũng không còn tiền lo viện phí, vợ chồng bà quay về TP.HCM chịu tang. Từ đó đến nay, ông Huy sống cùng hộp sọ móp, lúc nhớ lúc quên và đủ thứ bệnh vặt kèm theo. Ông cứ lầm bầm gì đó cả ngày, bà Tuyết cũng không nghe rõ, thi thoảng nhắc chồng ngồi ghế có dựa lưng cho bớt mệt.
|
Còn ít tiền tiết kiệm, bà Tuyết dồn hết mua thuốc men cho chồng. Con gái vừa sinh con 3 tháng cũng phải chạy khắp nơi tìm việc, vừa làm nail, vừa nhận đầm về nhà đính cườm, làm ngày làm đêm mới được 7 triệu để lo cho 4 miệng ăn.
“Tiền nhà trọ 2,7 triệu, tiền tã sữa cho cháu, còn lại nhín bụng dữ lắm lo ăn uống. Tôi trước cũng nhận chuỗi hạt rèm cửa về làm, kiếm vài chục ngàn một ngày, mà nay phải giữ cháu cho con đi làm. Nhìn mọi áp lực dồn hết lên vai con, đêm đến nó chong đèn ngồi đính cườm mà xót xa”, bà Tuyết bộc bạch.
Cuối tháng 4, trong túi không còn một ngàn, bà Tuyết dẫn chồng mang bằng lái ra cầm đồ. Được 900.000 đồng, mỗi tuần đóng lời 100.000 đồng. Về nhà, ông Huy tiếc, nói mãi: “Có tiền là phải lấy bằng về, giờ lớn tuổi tay gãy thi không được nữa rồi. Bằng đó vừa đổi được thêm 5 năm nữa”. Bà Tuyết thì kêu bỏ luôn bằng đi, lắc đầu: “Giờ đi không nổi làm sao chạy xe được, móp sọ vậy nữa. Ổng cứ nghĩ là ổng còn cơ hội đi làm trở lại nữa…”.
Đi vay lãi cũng bị... chê
Những ngày đó, bà Tuyết chắc không bao giờ quên. Cầm 900.000 đồng tiền cầm các thứ đi chợ, bà Tuyết tay chân run lẩy bẩy, biết mua gì, bỏ gì để ăn được càng lâu ngày, càng rẻ càng tốt. Được dăm bữa nửa tháng, 900.000 cũng hết sạch, vợ chồng bà lại đi cầm tiếp, được 200.000 đồng, mỗi tuần đóng lời 50.000 đồng.
|
“Khi đó, nước mắt cứ vậy lưng tròng, không ngờ có ngày cuộc đời mình thê thảm như vậy. Ngày xưa chồng làm cũng đâu đến nỗi, cũng mua vàng tích trữ, mà cứ hết chuyện này chuyện khác, trong nhà cái gì bán được đã bán hết rồi”, bà Tuyết nghèn nghẹn kể.
Bà cũng là người bật khóc khi được phát phiếu mua thả ga 400.000 đồng ở siêu thị 0 đồng mà Thanh Niên đã đưa tin. Đến giờ nhắc lại, bà lại nức nở khóc: “Nào giờ mình nghĩ bản thân mình có khó mấy cũng phải tự vượt qua. Mà bỗng dưng nhận được sự quan tâm như vậy của mạnh thường quân, lại đúng lúc nhà không còn cái gì ăn, ngay hôm sau lại thôi nôi cháu. May mà được mua ít đồ, đủ để đêm đó mẹ con tôi hì hụi làm mấy viên chè trôi nước hôm sau cúng thôi nôi cho cháu”.
|
Trong căn phòng trọ chật chội chỉ vừa đủ kê 3 chiếc ghế để 3 người ngồi xổm nói chuyện với nhau, bà Tuyết lấy ra một mớ khoai lang tím, bí đao, bí rợ sắp xếp lại gọn gàng. Đó cũng là số rau củ bà được cứu trợ từ những người không quen biết mấy ngày qua.
Hai tháng qua, để tiết kiệm tiền, bà nhịn ăn sáng. Tuổi cao, sức lại yếu, nhịn ăn khiến bà xây xẩm mặt mày, để vượt qua cơn đói, bà ngậm miếng đường hoặc cục kẹo, rồi dọn dẹp để quên cảm giác cồn cào.
Nhiều đêm liền, bà Tuyết chẳng thể nào chợp mắt. Nằm cạnh con cháu, nước mắt cứ vậy ướt đẫm cả gối, nhưng bà bặm chặt môi để không ai nghe tiếng nấc nghẹn. Cũng chỉ có hai tháng như vậy, mái tóc đen của bà đã chuyển bạc hết 1/3 đầu.
|
Bà Thảo (KP2, P.Bình Trị Đông, cũng là tổ phó dân phố phát phiếu cho bà Tuyết đi siêu thị 0 đồng dành cho người khó khăn trên địa bàn) cho biết, cả gia đình bà Tuyết chỉ có 1 người đi làm, bình thường đã khó, mùa dịch Covid-19 càng khó hơn. Hàng xóm có đồ ăn gì cũng mang qua chia sẻ cùng gia đình bà Tuyết.
Chủ nhà trọ của bà Tuyết (xin giấu tên) cho hay, nhà bà Tuyết thuê trọ giá 2,7 triệu/tháng, 2 tháng qua, thấy gia đình bà kẹt tiền xoay đủ kiểu nên tiền nhà được giảm còn 1,7 triệu/tháng. Dù vậy, nhà bà Tuyết vẫn không xoay ra tiền để đóng nên tiền điện nước chủ nhà cũng đóng giùm luôn.
Nhìn chồng ngồi thẫn thờ trước cửa nhà hàng xóm, bà Tuyết với chiếc khăn sữa của cháu lau nước mắt: “Thấy ổng ngơ ngơ buồn lắm, trụ cột của gia đình mà. Tôi từng nghĩ lấy vé số rồi ẵm cháu đi bán, mà nó còn nhỏ quá, đi tội nghiệp lắm, ở nhà không ai coi, hơn nữa tôi cũng chưa có vốn để mà lấy số. Thôi ráng chờ TP.HCM hết Covid-19, gửi cháu, tôi xin rửa chén hay gì cũng được, miễn là kiếm ra tiền phụ với con. Còn giờ kẹt quá lại phải đi mượn nợ. Mà bữa hỏi mượn vay nặng lãi, người ta ngó qua nhà thấy không có gì còn chê, cứ vòng lẩn quẩn, kẹt càng thêm kẹt”.
Bình luận (0)