Bình thường có thể tôi đã ngồi cà kê chuyện trò, hỏi han hoàn cảnh này kia một chút. Nhưng trong tình hình hiện nay, an toàn là cần thiết nhất cho tất cả mọi người.
Giữ yêu thương qua từng đợt dịch
“Tối qua tranh thủ trước giờ giãn cách, tôi chở nhỏ em đi lòng vòng gởi quà cho những người nhặt ve chai, bán vé số dạo. Vẫn với tiêu chí hết sức cẩn thận, dặn em gởi nhanh, đi ngay. Trong ánh đèn điện xa xa, không nghe nói, không nhìn rõ nhưng tôi đều thấy ánh mắt họ vui, vui lắm. Lúc khó khăn này, chỉ cần ai nắm lấy bàn tay (mà giờ thì hổng bắt tay được, nên cảm nhận bằng tâm trí thôi), cũng được an ủi phần nào”.
Đó là những dòng chia sẻ tôi đã viết hơn một năm trước, ngày đầu tiên cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, tôi đã xin được nhận tấm lòng của mọi người để san sẻ đến các hoàn cảnh khó khăn. Những tưởng, chỉ lần ấy thôi, thành phố sẽ bình yên trở lại. Vậy mà không, gần tết, quà cho người nghèo vừa chuẩn bị xong thì lại tiếp tục nhận khuyến cáo không được tụ tập đông người. Lần tặng quà nào cũng đầy lo âu, thấp thỏm và thương.
Đợt giãn cách thứ 2 ở TP.HCM, tức là đợt bùng dịch thứ 4, làm hay không làm? Tôi băn khoăn trăn trở nhiều lắm. Bởi nhìn quanh thì cũng chỉ bạn bè, người quen đóng góp thông qua Facebook mà thôi. Cả hơn một năm với quá nhiều áp lực rồi, tôi không muốn tạo thêm gánh nặng cho mọi người. Nhưng, cứ nghĩ tới người lao động khó khăn, lòng lại chẳng yên.
Tôi nhìn mông lung ra ngoài trời, tay bấm máy. Những cái tên lưu trong điện thoại “chị Nga ve chai”, “cô Thủy vé số”, “cô Lan hàng rong”... lần lượt hiện lên. Đầu dây bên kia giọng ai cũng đầy lo lắng.
“Tụi chị không kịp về quê trước khi bùng dịch, lo quá em”.
“Cả chục ngày nay rồi tụi chị không đi làm được, gần chỗ chị bị phong tỏa nên không được ra ngoài”.
“Có quà hả con, mừng quá, mấy ngày nay xe ôm ế ẩm chú không có chạy gì được”...
Hai chị em tôi đứng lặng trước căn phòng trọ chỉ vài mét vuông, đồ đạc cũ ngổn ngang, chỉ duy nhất mảnh chiếu để ngả lưng được xem là chỗ trống. Đó là một con hẻm nhỏ trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), nơi những người lao động nghèo đang ở trọ. Đợt tết vừa rồi, chiếc xe 3 bánh của chú bán vé số người Phú Yên đã “nhắc” chúng tôi quay lại. Và lúc này đây, chị bán vé số khuyết tật nhìn chúng tôi với nụ cười hạnh phúc. Sau khi nắm thông tin, chiều tối hôm sau chúng tôi quay lại với hơn 30 phần quà.
Rồi con hẻm thứ 2, con hẻm thứ 3... trời ơi sao chỉ một con đường thôi mà quá trời khu trọ nghèo thế này! Mắt tôi cay xè. Dừng lại hay làm tiếp? Tiền ở đâu? Lại bạn bè Facebook. Tôi cảm ơn biết bao, vì đã kết nối để những trái tim yêu thương gặp nhau.
“Chị ủng hộ nha. Làm bất cứ điều gì mà em thấy cần thiết. Cảm ơn em!”. “Nhờ con mua giúp quà cho một số bà con khó khăn”, hay “Mua quà tặng mọi người giúp mình nhé. Cảm ơn bạn!”... Tin nhắn đến liên tục cùng với số tiền trong tài khoản tăng lên. Tôi muốn khóc. Chỉ trong một buổi sáng, tài khoản tôi nhận thêm hơn 20 triệu. Mà, những người gửi đều nhắn nhủ thật trân trọng, cùng lời động viên “làm tiếp đi”.
Tôi biết sức mình bé nhỏ, nhưng ngoài kia vòng tay bao dung của mảnh đất này rất lớn, đủ để yêu thương hết thảy mọi người.
Mảnh đất tử tế và bao dung
“Sài Gòn của mình đợt này bệnh hơi lâu
Chắc những ngày dài bao dung đã đủ rồi, mỏi mệt
Ai đến đất này đều được yêu thương hết
Nên nặng gánh ân tình, nghỉ ngơi chút chút thôi.
Không sao đâu vài bữa khỏe lại rồi
Sài Gòn vẫn giang rộng vòng tay đón người tứ xứ
Lại kẹt xe, lại ồn ào, lại hẹn hò nhau đủ thứ
Sài Gòn đa tình mà yêu quá đi thôi...”.
Là những dòng thơ tôi viết trong lúc cảm xúc nhiều xáo trộn, thành phố đang ở những ngày thực hiện Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP.HCM, đợt giãn cách thứ 3. Tôi nhận tin nhắn em: “Em thèm những ngày Sài Gòn bình thường quá!”...
Vâng! Không phải mình em, tất cả những người ở thành phố này, mà có lẽ người ở cả nước đều thèm như thế, bình thường!
Có lẽ chưa bao giờ thành phố như lúc này, mỏi mệt và áp lực. Cũng chưa bao giờ, xung quanh mình lại nhiều bất an đến thế khi có khuyến cáo “hãy xem người đối diện với mình như là F0”. Nhưng, vào chính những lúc cam go, căng thẳng nhất ấy mới thấy hết tấm lòng của người thành phố.
Tôi viết những dòng này thay cho lời cảm ơn những người đã luôn đồng hành cùng mình, cho tôi cơ hội được chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Dù là người thành phố hay người đến từ những vùng miền khác nhau, chúng tôi đều yêu thành phố, mảnh đất tử tế và bao dung. Đó là điều rất bình thường của thành phố.
Nên rồi mai đây...
...thành phố sẽ bình thường!
|
Bình luận (0)