Rối với số môn thi tuyển sinh lớp 10

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
16/02/2023 06:06 GMT+7

Năm nay việc tranh luận Hà Nội có cần thi môn thứ tư để tuyển sinh vào lớp 10 hay không lại nổ ra, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc thi tới 4 môn là không phù hợp trong bối cảnh cấp THPT đã thay đổi theo hướng phân hóa, tự chọn.

HỌC LỰA CHỌN ÍT MÔN SAO PHẢI BẮT THI NHIỀU MÔN ?

Những năm gần đây, thi tuyển vào lớp 10 công lập của Hà Nội, ngoài 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ còn thêm môn thứ tư chọn ngẫu nhiên trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Thanh Niên, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng việc thi môn thứ tư theo cách trên là không cần thiết, kể từ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023. Ông Khang phân tích: "Từ năm học 2022 - 2023, lớp 10 bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bước sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh (HS) THPT được chọn để học 4 trong 9 môn, gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc. Do đó, có những môn trong 6 môn chọn để thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội HS sẽ không học ở THPT. Tuyển sinh đầu vào một cấp học định hướng nghề nghiệp như cách trước đây của Hà Nội không còn phù hợp. Thi tuyển vào lớp 10 công lập với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ như TP.HCM và một số tỉnh khác là phù hợp".

Cũng theo ông Khang, có ý kiến đặt vấn đề rằng, dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi, HS đi học bình thường, Hà Nội vẫn nên thi tuyển sinh vào lớp 10 với môn thứ tư. "Tuy nhiên, tôi cho rằng ở đây vấn đề cần làm rõ việc không nên thi môn thứ tư là để phù hợp với chương trình GDPT mới, chứ không phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh", ông Khang nhấn mạnh.

Rối với số môn thi tuyển sinh lớp 10 - Ảnh 1.

Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10

NGỌC THẮNG

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cũng đồng quan điểm trên khi nhấn mạnh: "Định hướng giáo dục bậc THPT đang thay đổi theo chương trình GDPT mới. Việc thi 4 môn không còn phù hợp với thực tế hiện nay, đúng hơn là lạc hậu".

Theo ông Tùng Lâm, nhiều em định hướng chọn theo học khối xã hội khi lên cấp 3, nhưng khi thi vào lớp 10 thì môn thi thứ tư lại thuộc khối tự nhiên. Điều này khiến HS vất vả ôn thi, tốn thời gian, điểm không cao như kỳ vọng, thậm chí có thể trượt lớp 10 vì điểm môn thứ tư thấp. Trong khi, lên lớp 10 - chương trình mới, thì các em không học môn tự chọn khối tự nhiên đó.

Ông Khang và ông Lâm đều cho rằng từ lâu phần lớn địa phương, trong đó có TP.HCM, Hải Phòng… vẫn thi 3 môn vào lớp 10 trong nhiều năm, chất lượng HS vẫn được đảm bảo là một căn cứ để các tỉnh thành thi nhiều môn cần cân nhắc.

Định hướng giáo dục bậc THPT đang thay đổi theo chương trình GDPT mới. Việc thi 4 môn không còn phù hợp với thực tế hiện nay, đúng hơn là lạc hậu.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng)

QUAN TRỌNG LÀ CÁCH THI RA SAO

Giải thích việc thi môn thứ tư, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải: vấn đề là lớp 9 vẫn học đủ các môn, nếu không thi thì HS sẽ không học dẫn đến lệch lạc mà cấp THCS là cơ bản, nền. THPT mới định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để HS không học lệch thì không thể chỉ bằng cách phải thi nhiều môn trong kỳ thi tuyển chọn đầu vào. Một nữ hiệu phó trường THCS ở Hà Nội cho biết, những năm trước dù biết có môn thi thứ tư nhưng thực tế HS ở trường của bà cũng chờ công bố môn thi nào mới dồn sức học chứ không học chăm chỉ đều tất cả các môn như kỳ vọng của sở GD-ĐT. Không ít nhà giáo cho rằng vấn đề vẫn là cách dạy học, cách ra đề thi thế nào để HS thấy việc học ấy là cần thiết và thi cử đánh giá được khả năng sáng tạo của HS.

Rối với số môn thi tuyển sinh lớp 10 - Ảnh 3.

Phụ huynh hồi hộp chờ con trước cổng trường thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội

NGỌC THẮNG

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cách thức thi phải làm sao để kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh, khả năng tư duy, không phải kiểm tra số lượng kiến thức. Vì vậy, khi ra đề, các địa phương chú trọng đưa ra bài toán xem năng lực tư duy của HS đến đâu, để các em tự đưa ra phương án giải quyết, tự học, tự suy ngẫm. Ngoài ra cũng cần xem cách các em vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống ra sao. Đó là năng lực cần hướng tới", ông Lâm nói.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội và nhiều tỉnh thành lâu nay được đánh giá là an toàn, quen thuộc, ra theo lối mòn và không kích thích đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu mới. Trong khi đó, TP.HCM lâu nay chỉ thi 3 môn, không khiến HS hồi hộp về môn thi thứ tư là môn nào nhưng cách thức ra đề được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ tạo cho HS sự lựa chọn và sáng tạo cao, có "đất" cho HS giỏi thể hiện. GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên môn toán trong chương trình GDPT 2018, nhiều lần phát biểu nếu cứ giữ cách thi tuyển sinh theo dạng bài quen thuộc thì những mục tiêu mà chương trình GDPT mới hướng tới sẽ "chết từ trong trứng".

Lấy dẫn chứng đề thi toán trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM từ năm 2018 gắn liền với thực tế, GS Thái cho rằng dù năm đầu HS làm bài kết quả không cao nhưng hiệu ứng của cách ra đề này khiến các nhà trường lập tức chuyển sang dạy những bài toán có ứng dụng thực tế, việc dạy học phát huy năng lực của người học nhờ đó mới được chú trọng.

Đến thời điểm này, trước áp lực của dư luận, theo thông tin của PV Thanh Niên, Sở GD-ĐT Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến của các trường THPT và phòng GD-ĐT các quận, huyện về phương án thi 3 hay 4 môn để tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới. Dự kiến phương án thi ra sao sẽ được công bố sớm trong tháng 2 sau khi được UBND TP.Hà Nội phê duyệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.