Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX) vừa ký kết hợp đồng ghi nhớ với Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) để thu mua rơm xuất khẩu.
Rơm có cơ hội trở thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu - Ảnh: Ngô Xuân |
Đây là câu chuyện mới nhất ở VN trong việc xuất khẩu phế phẩm nông nghiệp. Từ trước đến nay rơm được xem là phế phẩm trong quy trình sản xuất lúa ở ĐBSCL. Với vòng quay sản xuất 3 vụ liên tiếp trong năm, một lượng lớn phế phẩm này thường được nông dân xử lý bằng cách đốt bỏ, cày vùi xuống đất; phần rất ít được người dân tận dụng để trồng nấm rơm, hoa màu hay chăn nuôi trâu bò nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình.
|
Cơ hội tăng thu nhập cho nông dân
Việc J-BIX ký hợp đồng hẳn hoi để thu mua rơm mở ra một cơ hội lớn cho VN. Nhu cầu của J-BIX mỗi năm khoảng 220.000 tấn để chế biến làm thức ăn chăn nuôi sẽ mang lại cho VN một nguồn thu đáng kể.
Theo hợp đồng ghi nhớ, J-BIX sẽ cử chuyên gia sang để tập huấn cho lao động VN trong việc sản xuất đạt tiêu chuẩn thức ăn có thể cung cấp cho họ, đồng thời cung cấp thiết bị công nghệ để chế biến thức ăn chăn nuôi từ rơm. “Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì ngay trong vụ đông xuân 2015 - 2016, nông trường sẽ xuất khẩu những tấn rơm đầu tiên sang Nhật. Nhưng số lượng cụ thể là bao nhiêu, giá cả thế nào thì chúng tôi vẫn đang thảo luận”, ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, cho biết.
Cũng theo ông Phú, đây là cơ hội lớn với Nông trường Sông Hậu và bà con nông dân vùng lân cận có thể tăng thêm thu nhập từ phế phẩm. Vì từ trước đến nay sau khi thu hoạch lúa xong, nguồn rơm rạ thải ra bà con phải đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường, hoặc cày vùi lấp xuống trong quá trình cải tạo đất, gây ngộ độc hữu cơ cho đồng ruộng. Chính vì vậy, việc có thể xuất khẩu được nguồn phế phẩm này giúp nông dân không phải mất công xử lý, vừa tăng thêm thu nhập. "Chúng tôi sẽ đánh giá lại vùng nguyên liệu xem khả năng cung ứng của mình tới đâu, nếu cần sẽ mở rộng ra các vùng lân cận để đáp ứng nhu cầu của đối tác", ông Phú nói.
Bài học từ Trung Quốc
Nhật Bản được xem là thị trường khó tính nhất thế giới. Tất cả các sản phẩm vào thị trường này, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến nông nghiệp, đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.
Ông Yutaka Aoyama, Giám đốc J-BIX, cho biết trước đây mỗi năm J-BIX nhập khẩu rơm từ Trung Quốc khoảng 100.000 tấn, tương đương khoảng 50% nhu cầu. Nhưng hiện nay J-BIX đã ngưng nhập khẩu từ thị trường này vì phát hiện trong rơm có vi khuẩn không được phép nhập vào Nhật.
Chính vì vậy, việc ký kết hợp đồng ghi nhớ vừa qua chỉ mới dừng lại ở mức độ là cơ hội của VN. Để rơm trở thành sản phẩm xuất khẩu vào Nhật, ông Phú chia sẻ: “Chúng tôi phải cung cấp thông tin về quy trình sản xuất cây lúa nói chung và trong từng giai đoạn sử dụng phân thuốc, chất bảo vệ thực vật như thế nào. Sau đó, phía J-BIX sẽ lấy mẫu phân tích xem có đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào Nhật không. Nếu rơm của mình đủ tiêu chuẩn mới tiến hành các bước tiếp theo”.
Bình luận (0)