Rốn có mùi hôi, khi nào cần đến bác sĩ thăm khám?

Lê Cầm
Lê Cầm
01/12/2023 15:41 GMT+7

Khi đã vệ sinh kỹ nhưng rốn vẫn có mùi hôi, khi xỏ khuyên, tái tạo thành bụng khiến vùng rốn chảy mủ hay có nang bã vùng rốn cần đến bác sĩ thăm khám.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Châu, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng rốn có mùi như không vệ sinh kỹ, có tác động vào vùng rốn hoặc có nang bã vùng rốn.

Không vệ sinh kỹ

Với cấu trúc đặc biệt của vùng rốn, có dạng như một túi lòng sâu và miệng túi tương đối hở, vi khuẩn, vi nấm dễ dàng xâm nhập và cư trú tại đây. Đặc biệt, với cấu trúc này, mồ hôi, da chết, nước rất dễ tích tụ tạo nên môi trường ẩm ướt, khiến vi nấm (thường gặp nhất là Candida) phát triển một cách dễ dàng tạo ra mùi hôi.

"Nên nếu đã vệ sinh thật kỹ vùng rốn mà vẫn có mùi hôi, người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để được điều trị phù hợp", bác sĩ Châu khuyến cáo.

Tác động vào vùng rốn

Việc tác động vào vùng rốn như xỏ khuyên, tái tạo thành bụng, điều trị thoát vị rốn, dễ gây ra tình trạng da vùng rốn bị sưng, đỏ, chảy mủ và đau khi chạm vào. Các dấu hiệu này báo hiệu rốn đang bị nhiễm trùng một cách nghiêm trọng, người dân cần đến bác sĩ để thăm khám.

Rốn có mùi hôi khi nào cần thăm khám bác sĩ - Ảnh 1.

Vùng rốn dễ bị vi khuẩn, vi nấm xâm nhập và cư trú

SHUTTERSTOCK

Nang bã vùng rốn

Ở vùng rốn do cấu trúc da dày và cuộn lại nên việc tạo thành nang bã cũng khó phát hiện. Đôi lúc, người dân chỉ thấy một khối nhỏ, lúc xuất hiện lúc không chứ không có các triệu chứng khác. Nhưng nang bã có thể có lỗ rò thông lên bề mặt da và dẫn mùi ra ngoài, tạo mùi hôi. Mắt thường khó thấy được lỗ rò này nên khi rốn có các hiện tượng trên, mọi người nên đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách

Theo khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần quan sát và để thoáng rốn, giữ rốn luôn khô (không dùng gạc và băng rốn) cũng không bôi bất cứ chất gì lên rốn (để rốn tự khô).

Thực hiện vệ sinh rốn 1 lần mỗi ngày sau khi tắm trẻ. Cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước và sau khi chăm sóc rốn. Rửa rốn kỹ bằng nước muối sinh lý 0.9% khi rốn dơ bằng que gòn đến khi sạch, chú ý các nếp sâu ở chân rốn.

Lưu ý, cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế ngay khi rốn rỉ dịch, máu hôi; da quanh chân rốn tấy đỏ; rốn chậm rụng sau 2 tuần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.