'Rốn nghèo' khởi sắc

09/08/2024 07:00 GMT+7

Trở lại xã Mỏ Vàng, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một xã nghèo một thời được ví 'rốn nghèo' của H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Cuộc sống mới đang hiện hữu trong những ngôi nhà lộng lẫy và hoành tráng của đồng bào Dao, Mông...

"Làng biệt thự" giữa ngàn xanh

Đến Mỏ Vàng khi cơn mưa mùa hạ vừa ngớt, sau một vài câu chào hỏi xã giao, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Cao Quyền hỏi tôi: "Nhà báo xem địa phương chúng tôi có khởi sắc không?".

'Rốn nghèo' khởi sắc- Ảnh 1.

Nhiều bản làng của người Mông, người Dao "đổi đời" nhờ cây quế

VĂN TUẤN

Biết tôi đang lưỡng lự, Bí thư Quyền dẫn chúng tôi đi thăm các thôn người Dao, người Mông đổi mới nhờ thay đổi tư duy về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thác Tiên là thôn được lựa chọn. Ngắm nhìn những ngôi biệt thự lộng lẫy lẫn trong màu xanh bạt ngàn của quế ở nơi đây, ai ai cũng trầm trồ thán phục.

Trước đây, thôn Thác Tiên muôn vàn gian khó, nhưng giờ 235 hộ với 1.060 khẩu (99% là dân tộc Dao) đã có cuộc sống khá giả, giàu có. Cả thôn chỉ còn 4 hộ nghèo (cơ bản đều do ốm đau, bệnh tật không có khả năng lao động). Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hầu hết các hộ trong thôn đều xây dựng nhà ở khang trang. Thăm hỏi người dân, chúng tôi được biết là do các cán bộ thôn, xã vạch ra phương hướng, chỉ lối để người dân phát triển kinh tế, chủ yếu đi lên nhờ trồng quế.

Sở hữu 50 ha quế, hàng năm xuất bán thu về từ 2 - 3 tỉ đồng, ông La Tài Quan (thôn Thác Tiên) cho biết: "Trước đây, tôi chưa quan tâm phát triển kinh tế, cái đói, cái nghèo vẫn đeo đuổi, nhưng từ khi biết trồng quế, cuộc sống đã ấm no, hạnh phúc. Mình có đất, cán bộ đến tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Hiện, gia đình có trên 50 ha quế, hầu hết đã đến tuổi khai thác. Có được cơ ngơi như hôm nay một phần là nhờ cán bộ đó".

Không chỉ ông Quan, hầu hết người dân trong thôn Thác Tiên đều trồng quế, hộ ít cũng 1- 2 ha, hộ nhiều thì 50 - 100 ha; tiêu biểu như các hộ nhà ông Đặng Nho Quyên, Đặng Nho Vượng..., hàng năm thu về nhiều tỉ đồng.

Chia sẻ về thành quả trên, Bí thư Chi bộ thôn Thác Tiên Đặng Văn Ty nói từ kinh nghiệm của người có chuyên ngành đại học lâm nghiệp, ông đã vận động các gia đình thành lập Hợp tác xã (HTX) Thác Tiên để sơ chế quế vỏ, nấu tinh dầu quế và một số sản phẩm khác thay vì bán quế thô như trước đây, đem lại hiệu quả kinh tế tăng 30 - 40%.

Ông Đặng Nho Quyên, người sở hữu khoảng 100 ha quế, trong đó 15 ha duy nhất của huyện được cấp chứng nhận bảo tồn nguồn gen quế bản địa và trên 20% diện tích quế hữu cơ, quế sinh thái, khẳng định: "Cán bộ ở thôn giờ rất đều tay, có trình độ, nhiệt huyết. Đặc biệt, quyết định thành lập HTX Thác Tiên của Bí thư Ty đã lan tỏa mạnh mẽ đến người dân trong thôn, giúp mọi người chủ động, tích cực hưởng ứng và vận dụng phương pháp canh tác, sản xuất quế hữu cơ, quế sinh thái cũng như xây dựng, hình thành dần chuỗi giá trị từ cây quế".

Không chỉ Thác Tiên, cuộc sống của người dân 6 thôn: Trung Tâm, Giàn Dầu, Khe Hóp, Khe Đâm, Khe Lóng 2, Khe Lóng 3 ở xã Mỏ Vàng đều đang thay da đổi thịt từng ngày. Đây là điều ít ai ngờ tới, vì mới chỉ mấy năm về trước, Mỏ Vàng vẫn được biết đến là xã đặc biệt khó khăn của Văn Yên với 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích rộng thứ 3 toàn huyện, địa hình phức tạp, dân cư phân tán, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Giờ thì cả xã chỉ còn 134/1.080 hộ nghèo (chiếm 12,4%), thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm, hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới.

Nêu gương "từ việc nhỏ đến việc lớn"

Theo bà Vũ Minh Huê, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Văn Yên, trong thành quả kể trên có vai trò của những cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ được luân chuyển, điều động đến công tác tại Mỏ Vàng. Họ đã để lại dấu ấn đậm nét trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện cũng như "truyền lửa" cho đội ngũ cán bộ công chức địa phương.

Nhớ lại thời điểm được điều động từ cơ quan kiểm tra - thanh tra huyện về làm Phó chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng, ông Đỗ Cao Quyền kể, dưới sự chỉ đạo của thường trực Huyện ủy, Đảng ủy xã Mỏ Vàng đã tiến hành rà soát lại quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ (BCH, BTV) Đảng ủy để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời cập nhật đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong điều kiện tình hình mới; nêu gương thực hiện quy chế làm việc cũng như kỷ luật, kỷ cương công vụ, nhất là người đứng đầu, nêu gương từ những việc nhỏ đến những việc lớn.

'Rốn nghèo' khởi sắc- Ảnh 2.

Bí thư Đảng ủy xã Mỏ Vàng Đỗ Cao Quyền tham gia bóc vỏ quế cùng dân

VĂN TUẤN

Cán bộ ở Mỏ Vàng bám địa bàn rất sát, từ Bí thư Đảng ủy đến các cán bộ trong BTV, BCH. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, các cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân.

Minh chứng rõ nét nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) làm đường giao thông với hàng loạt dự án triển khai cùng lúc trên địa bàn từ năm 2022 đến nay. Có thể kể đến là tỉnh lộ 175 (có kinh phí đền bù); mở rộng đường Mỏ Vàng - Viễn Sơn trên 5 km, đường Mỏ Vàng - Nà Hẩu trên 4 km, đường vào trung tâm thôn Giàn Dầu 2 km, đường cầu treo Khe Hóp đi Khe Lóng 3 dài 1,3 km; mở mới đường từ thôn Trung Tâm đi cầu treo Khe Hóp gần 12 km; 3 ngầm tràn; 4 nhà văn hóa... Khối lượng phải GPMB lên đến gần 30 ha, nhưng người dân đều tự nguyện đồng tình ủng hộ.

Tương tự, trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc đa dạng sinh kế, Mỏ Vàng đã hoàn thành quy hoạch chung của xã, quy hoạch sử dụng đất và tới đây là quy hoạch chi tiết, trong đó bổ sung quy hoạch các điểm phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện Đồng Sung gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, nhằm phát huy bản sắc văn hóa của của dân tộc Dao, Mông trên địa bàn.

Đặc biệt, trước đây, với cây quế, nhân dân canh tác truyền thống, thiếu liên kết, thiếu tính bền vững thì đến nay, dưới sự lãnh đạo của xã, người dân đã chuyển sang xu hướng canh tác bền vững, trồng quế sinh thái, quế hữu cơ với diện tích được cấp chứng chỉ quế hữu cơ, quế sinh thái đạt 519 ha, chiếm khoảng 10,5% tổng diện tích, góp phần nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích.

Ông Đặng Nho Hưng, nguyên Bí thư Đảng ủy Mỏ Vàng, tự hào: "Mỏ Vàng giờ đây đã thực sự đổi thay. Có thành quả ấy, cùng với sự vào cuộc của người dân thì vai trò của những cán bộ, nhất là người đứng đầu, cán bộ không phải người địa phương được điều động, luân chuyển đến địa bàn là rất quan trọng. Các cán bộ này đã phát huy bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trách nhiệm và có nhiều đổi mới, sáng tạo… giúp địa phương khởi sắc toàn diện".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.