Rộn ràng mùa nổ nếp

29/01/2015 08:44 GMT+7

Những ngày giáp tết, các lò rang nổ nếp ở thị trấn Phú Long (H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) lại đỏ lửa và rộn ràng không khí làm việc để cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở đóng cốm phục vụ tết.

Những ngày giáp tết, các lò rang nổ nếp ở thị trấn Phú Long (H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) lại đỏ lửa và rộn ràng không khí làm việc để cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở đóng cốm phục vụ tết.

 Sản phẩm nổ nếp của một cơ sở làng nghề ở Phú Long
Sản phẩm nổ nếp của một cơ sở làng nghề ở Phú Long
Hằng năm, vào dịp tháng 12 âm lịch, làng nghề nổ nếp Phú Long lại nhộn nhịp vào vụ làm ăn mới. Để có hàng kịp giao cho khách, hầu như lò rang nổ nào cũng tất bật làm việc trước hừng đông.
Ở thị trấn Phú Long có hơn 15 cơ sở rang nổ nếp. Ngoài ra, còn có 3 cơ sở kinh doanh với quy mô lớn chuyên sản xuất nổ nếp quanh năm.
Làng nghề truyền thống
Ghé thăm cơ sở rang nổ của bà Võ Thị Sáu (52 tuổi, thôn Phú Cường, thị trấn Phú Long), đập vào mắt chúng tôi là những đống nổ mới rang có màu trắng ngần, dậy mùi thơm phức của nếp mới. Các công nhân liên tay liên chân làm việc, cười nói vui vẻ. Từng mẻ nếp liên tục được cho vào chảo rang, phát ra tiếng nổ tách tách, những hạt nổ trắng tinh, bung xòe trông rất thích mắt.
Chỉ cho chúng tôi đi xem từng công đoạn làm nổ, bà Sáu kể, nghề làm nổ nếp được ông cha truyền lại cho bà đến nay đã hơn 30 năm. Nếp để rang nổ do gia đình bà tự sản xuất, năm nào đơn hàng nhiều thì phải mua thêm bên ngoài nhưng phải là nếp “xịn” thì mới nổ to, bung ra như cánh hoa và đạt chất lượng. Đối với những cơ sở chuyên sản xuất nổ quanh năm thì thường phải mua nếp ở các tỉnh miền Tây mới đủ đùng.
“Để có những mẻ nổ nếp bung đều phải xử lý nếp bằng cách phun lên ít nước cho vào máy trộn đảo đều. Tiếp đó là cho lên lò rang để nếp nổ bung rồi chuyển qua máy sàng để lọc vỏ trấu. Để chất lượng nổ nếp đồng đều còn phải cho vào máy đảo, lọc bớt hạt nhỏ ra rồi đóng bao và xuất đi. Trước kia người dân làm chủ yếu bằng thủ công, nay áp dụng máy móc vào sản xuất nên cũng đỡ cực hơn”, bà Sáu nói.
Hiện cơ sở rang nổ của bà Sáu có tới tám công nhân thay phiên nhau hai ca, làm liên tục từ 5 giờ sáng cho tới tận đêm khuya. Mỗi ngày, cơ sở bà Sáu cho ra lò khoảng 700kg nếp nổ thành phẩm, giá dao động từ 25.000đ - 30.000 đồng (nếp thường) và 55.000đ - 60.000 đồng (nếp đặc biệt). Tuy công việc thời vụ vất vả, nhưng ngày công làm nổ trong những ngày cũng khá. Người đứng lò rang được trả công 300.000 đồng/ngày, công nhân đứng máy sàng, đóng bao thì 200.000 đồng/ngày.
Lò rang nổ của bà Nguyễn Thị Trường (KP.Phú Hòa, Phú Long) những ngày này đều phải tăng ca, hoạt động hết công suất mà vẫn không đủ hàng giao cho khách. “Nghề này mỗi năm chỉ làm chưa đến hai tháng, công việc có vất vả một chút nhưng bù lại thu nhập cũng được, có tiền trang trải cuộc sống và sắm tết”, bà Trường vui vẻ nói.
Mỗi vụ rang nổ nếp, cơ sở bà Trường cho ra thị trường gần 20 tấn nổ, thu lợi hàng chục triệu đồng. Cũng như bà Trường, bà Sáu, các hộ khác trong làng nghề đều có cái tết ấm áp hơn nhờ vào những tháng cật lực làm nổ tết. Sản phẩm nổ nếp của làng nghề Phú Long chủ yếu cung ứng cho các huyện trong tỉnh như Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Bắc Bình, La Gi,… Nhiều cơ sở còn mở rộng thị trường ra các tỉnh như: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Nổ nếp được các cơ sở khác mua về để đóng thành những hộp cốm vuông vức, dậy mùi thơm của gừng, mứt và vị ngọt của đường. Cốm còn là đặc sản nổi tiếng và cũng là thứ đồ cúng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong dịp tết đến xuân về của người dân Bình Thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.