Rộn rịp bán mía non

08/09/2011 08:21 GMT+7

Trong khi các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL chưa vào vụ sản xuất mới, thì khoảng một tháng trở lại đây, nhiều nông dân ở H.Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã bắt đầu thu hoạch mía bán cho các lò đường thủ công và xe nước mía.

Ông Văn Hiền, Chủ nhiệm CLB nông dân ấp Quyết Thắng (xã Hiệp Hưng, H.Phụng Hiệp) cho biết, vùng mía nguyên liệu ở xã Hiệp Hưng mới được 7 - 8 tháng tuổi, chữ đường đạt từ 6 - 8 CCS. Riêng giống Róc 16 thì chín sớm hơn các giống khác và chữ đường đạt khoảng 8 CCS. Đây cũng là thời điểm mà các lò đường tư nhân săn lùng thu mua nguyên liệu về sản xuất đường si rô với giá từ 1.050 - 1.150 đồng/kg. Cùng lúc, lực lượng thương lái chuyên bỏ mối mía cây cho các xe nước mía ở các tỉnh, thành ĐBSCL cũng nhảy vào mua mía Roc 16.  Thấy được giá, nhiều người quyết định bán mía chưa đủ tuổi thu hoạch để trồng được thêm vụ lúa; đồng thời để tránh áp lực thiếu nhân công khi vào vụ thu hoạch rộ. Ông Hiền nhẩm tính: Giống mía Roc 16 cho năng suất bình quân  150 tấn/ha. Nếu bán với giá trên 1.000đ/kg như hiện nay, nhà nông thu lãi được 70 triệu đồng/ha. Sau đó trồng được thêm vụ lúa, thu lời thêm 40% nữa. “Như vậy, bán mía non sẽ ngon hơn mía chín”, ông Hiền nói.

 
Mía non thu hoạch ở Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, Hậu Giang chở đi các lò đường tư nhân - Ảnh: Hoài Phong

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích vụ mía 2011 - 2012 ở ĐBSCL khoảng 55.580 ha. Với năng suất bình quân  87,4 tấn/ha, tổng sản lượng mía toàn vùng ước đạt hơn 4,8 triệu tấn, tăng 1,8 triệu tấn so với vụ trước.

Ông Nguyễn Văn Triều (ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng) vừa bán hơn 80 tấn mía Róc 16 (trên diện tích 5.500 m2) với giá 1.100đ/kg, thu lãi 40 triệu đồng. Ông Triều lý giải: “Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa biết khi nào các nhà máy máy đường sẽ vào vụ sản xuất và sẽ mua mía giá bao nhiêu. Chính vì vậy, khi có thương lái mua mía giá cao, thấy có lãi là bán để trồng lúa”. Ông Nguyễn Văn, cũng ở ấp Quyết Thắng vừa bán xong 4 công mía theo cách bán mía bó cho thương lái bỏ mối lại cho các xe nước mía. “Mỗi bó mía 12 cây thương lái mua với giá 22.000 đồng, tính ra cũng ngang bằng cách bán cân ký. Bán mía xong, tôi kêu máy cày vào làm đất ngay để kịp trồng vụ lúa”, ông Văn nói.

Hiện nay, trên vùng mía 13.000 ha của tỉnh Hậu Giang, những ruộng mía giống Róc 16 nếu có thương lái hỏi mua được giá là nông dân bán ngay, dù mía còn non. Trong khi đó, các lò đường thủ công vẫn đang đẩy mạnh tiến độ thu mua, nhưng chỉ chọn mua những ruộng mía tốt. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, tình trạng nông dân bán mía non đã diễn ra nhiều năm nay với số lượng trung bình 70 ngàn tấn mỗi năm. Số mía này được thương lái thu mua rồi bán lại cho các lò đường thủ công và những người bán nước mía. “Trên thực tế, số mía trên được nông dân tuyển chọn những cây lớn trong vườn, một số hộ trồng nhỏ lẻ không theo lịch thời vụ chung và những ruộng mía có nguy cơ bị ngập úng do nước lũ đang lên. Đó cũng là chuyện bình thường, ít ảnh hưởng đến vụ sản xuất đường sắp tới của các doanh nghiệp. Hiện nay, Hiệp hội mía đường Việt Nam đang phối hợp với Sở NN-PTNT các địa phương theo dõi tình hình diễn biến lũ để lên lịch thời vụ cụ thể. Nếu có vùng mía nguyên liệu nào bị ngập nước thì các nhà máy đường sẽ tiến hành thu mua cho nông dân ngay”, ông Long nói.  

Hoài Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.