Rồng “bò” ngược

12/02/2012 03:37 GMT+7

Kinh Dương Vương, theo truyền thuyết, là người sinh ra Lạc Long Quân, được tín ngưỡng dân gian coi là thủy tổ của người Việt nên có nhiều nơi xây đền thờ ông.

Kinh Dương Vương, theo truyền thuyết, là người sinh ra Lạc Long Quân, được tín ngưỡng dân gian coi là thủy tổ của người Việt nên có nhiều nơi xây đền thờ ông.

Đền thờ và lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2008. Lễ hội lăng Kinh Dương Vương tổ chức vào ngày 18 tháng giêng, được nhân dân coi là ngày giỗ của ông.

Năm nay, du khách về dự lễ hội lăng Kinh Dương Vương được chiêm ngưỡng đôi rồng đá do một doanh nghiệp mới cung tiến cho địa phương. Đôi rồng được tạo từ đá xanh, phần cao nhất tới 1,8m, dài gần 12m, được đặt hai bên bến từ bờ sông Đuống đi thẳng lên lăng. Đông đảo người đến chiêm bái lăng đều ngưỡng mộ kích thước cùng những đường nét tạo hình trau chuốt của đôi rồng. Nhưng chẳng hiểu sao đôi rồng không chầu hướng xuống bến nước mà hùng dũng, oai phong “bò ngược” lên bờ? 

 
Rồng ở đền thờ Kinh Dương Vương - Ảnh: Ngữ Thiên

Đến đình, đền, miếu, quán nào trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều đã quen mắt thấy hình (tượng) rồng chỉ chầu xuống theo hướng từ trong chính điện đi ra. Hay cùng lắm chỉ “bò ngang” trên mái khi cùng “chầu nhật” (nguyệt) hoặc “tranh châu” chứ chưa hề “bò ngược lên” theo hướng vào chính điện bao giờ. 

Hiện tượng bất thường nêu trên đã được nhiều nhà nghiên cứu sử học và lịch sử mỹ thuật lên tiếng từ cuối năm 2010, khi có rồng bò ngược lên mái đình Nam Hương (75 Hàng Trống, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi đó, một tiến sĩ khảo cổ học thâm niên hơn hai chục năm làm công việc trùng tu, bảo tồn di tích thốt lên rằng “đó là điều chưa từng thấy” trên các di tích. Nay lại thêm đôi rồng “bò” ở lăng thờ Kinh Dương Vương. Một khuynh hướng mới trong các công trình kiến trúc tâm linh chăng? Nghe nói cả khối nguyên liệu và các nghệ nhân tạc nên đôi rồng đều đến từ Thanh Hóa, là nơi nổi tiếng đã lâu về nghề tạo tác đá, với kinh phí khá lớn. Nhưng lại không rõ tên tác giả của đồ án “lưỡng long bò lên” này.  

“Tôi khẳng định không bao giờ có chuyện rồng bò ngược trên bậc lên xuống như vậy trong các di tích cổ của Việt Nam. Tại điện Kính Thiên, ta có thể thấy rõ rồng bò xuống như theo bước chân của nhà vua từ trên xuống. Chứ còn rồng bò ngược lại thì chả hiểu có ý gì?”.

 TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học

“Rồng trên thành cầu thang trong các cung điện, lăng tẩm thì thường bò xuống mang nghĩa đón vua khi ngài đi vào. Trường hợp này, tôi chưa phê phán vì chưa hiểu nó nằm ở phần nào trong di tích. Dù thế nào về mặt văn hóa nó cũng là trường hợp khó hiểu, hy hữu”.

 PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học

Ngữ Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.