Rong đầm “cứu” dân vùng cát

03/01/2013 10:24 GMT+7

Để khắc phục tình trạng khô hạn ở vùng cát ven biển và đầm phá, người dân sinh sống ven đầm phá Cầu Hai đã sử dụng cây rong (loại cỏ thủy sinh mọc trong môi trường nước lợ) để làm phân bón cho cây trồng.

Huyện Phú Lộc có 4 xã nằm ở vùng ven đầm Cầu Hai gồm Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Vinh Giang và Vinh Hiền. Đây là vùng đất khá khắc nghiệt khi nông dân phải canh tác trên vùng cát trắng khô cằn thường xuyên thiếu nước. Thế nhưng những ngày gần đây khi đi dọc về các xã này thì hoa màu và các loại rau như cải, xà lách, hành, ngò… lại phủ một màu xanh tươi. Ông Nguyễn Mạo (70 tuổi, làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ) cho biết: “Để trồng được cây rau trên vùng đất chỉ toàn cát trắng, nhiều thế hệ cha ông đã tận dụng cây rong vớt ngoài đồng mang vào làm phân. Vì thế mà chúng tôi vẫn canh tác được, thậm chí rau màu rất năng suất”.

Hiện nay, trong 4 xã ven đầm Cầu Hai thì Vinh Mỹ và Vinh Giang là hai xã dùng rong làm phân bón cho rau màu phổ biến. Do mọc trong môi trường nước lợ, cây rong phải được phơi khô để giảm độ mặn trước khi bón cho cây. Ngoài cung cấp chất dinh dưỡng, cây rong còn có tác dụng giữ ẩm, giữ nước rất tốt nên cải thiện tối ưu cho vùng đất đai bạc màu, giúp đất đai tơi xốp. Cây rong đóng vai trò quan trọng từ khâu làm đất, gieo hạt cho đến giai đoạn cây trưởng thành và thu hoạch. Chính vì vậy, trong khi ở nhiều nơi, sản xuất vụ đông gặp khó khăn, thì đất nông nghiệp ở đây được bà con tận dụng tối đa để xen canh, gối vụ nhiều loại hoa màu quanh năm.

Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường

Anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Mỹ chia sẻ: “Bên cạnh sử dụng làm phân bón cho hoa màu, cây ăn trái, cây rong còn được nhiều người khai thác, làm thức ăn cho các loại cá nước ngọt. Chỉ riêng xã Vinh Mỹ ước tính mỗi năm, người dân khai thác hàng chục tấn rong trên đầm phá để phục vụ trồng trọt và chăn nuôi”.

Rong đầm “cứu” dân vùng cát 
Đất cát khô cằn nhưng rau màu vẫn tươi tốt nhờ rong đầm - Ảnh: H.C

Trên vùng đầm Cầu Hai có rất nhiều loại rong khác nhau. Loại được người dân khai thác làm phân bón cho cây trồng hay thức ăn trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu là rong cỏ, mọc nhiều ở khu vực ven bờ. Sau khi khai thác, rong được vận chuyển bằng xe trâu đem bán cho người trồng rau với giá từ khoảng 200 - 300.000đồng/xe.

Tùy theo thời điểm mà lượng rong phát triển khác nhau, tuy nhiên phần lớn là rong nằm ven bờ, gần bờ của đầm Cầu Hai nên rất thuận lợi cho khai thác. Chính quyền địa phương cũng thường khuyến cáo bà con hạn chế việc khai thác rong ở các khu vực xa bờ, những nơi có mực nước sâu. Bởi đó là chỗ trú ẩn và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sản nước lợ. Nếu lạm dụng khai thác những vùng đó sẽ làm mất cân bằng sinh thái, và khó tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ môi trường vùng đầm phá.

“Tận dụng cây rong để làm nguồn phân bón cho cây trồng là rất tốt. Ngành nông nghiệp huyện luôn khuyến cáo bà con các xã ven đầm nên ứng dụng phương thức này trong việc canh tác, bởi nó sẽ giúp tiết kiệm nguồn chi phí, đỡ mua phân bón. Đặc biệt là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch và bảo vệ được môi trường” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Phú Lộc Bạch Văn Khai nhận định.

Gia Tân - Huy Cường

>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 21: Trại nấm giữa động cát
>> Đội mưa trồng cây xanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.