(TN Xuân Nhâm Thìn) Trong hệ thống 12 con giáp, rồng là loài vật huyền thoại duy nhất. Đã có rất nhiều câu chuyện về rồng, trong đó chuyện rồng đi hỏi vợ liên quan tới các nghi lễ tín ngưỡng Việt Nam.
Rồng có phép thần thông, có thể thu mình nhỏ lại chỉ bằng một con giun, có thể bay lên trời, chìm dưới nước hoặc đi trên đất. Rồng có nhiều loại, loại có vảy gọi là giao long, loại có sừng trên đầu là cầu long, loại có cánh bay được gọi là ứng long, loại không bay được là bàn long…
Theo ghi nhận của người xưa, rồng là một loại thần với 1.000 loài có thể ở trên trời hoặc dưới nước. Các bản kinh cách đây hơn 2.500 năm ghi rằng rồng có mặt ở khắp nơi, biết đến nhiều nhất là loài sống dưới biển do long vương chủ trì. Long vương cũng nhiều loại: loại có 1, 2 hoặc nhiều đầu; loại không chân, hoặc có 2, 4, 6 chân. Xem thế, rồng rất phong phú về hình dạng, về khả năng sinh sống ở mọi nơi. Còn rồng ở Việt Nam đã thăng hoa vào tâm thức người Việt từ nguồn cội con rồng cháu tiên với huyền sử Lạc Long Quân và u Cơ.
Trong y dược học Việt Nam, theo GS-TS Đỗ Tất Lợi, có nhiều vị thuốc mang tên rồng như: Ban long (rồng có đốm) là một thứ cao được bào chế từ sừng hươu có đốm. Địa long (rồng đất) được chế từ con trùn (giun) để chữa bệnh cao huyết áp, nhức đầu, sốt rét. Long y (chiếc áo của rồng) tức là vỏ ngoài của con rắn đã lột bào chế thành thuốc trị ghẻ và có tác dụng sát trùng ngoài da. Long nhãn (mắt rồng) là vị thuốc chế từ cùi nhãn phơi sấy khô dùng chữa bệnh suy nhược thần kinh và bệnh mất ngủ.
Văn hóa phương Đông rất kính trọng và coi rồng là một loại thú linh, người mang tuổi rồng (thìn) là tuổi đại cát, nhiều may mắn, hanh thông.
|
|
Lễ hỏi dang dở
Phật thoại kể rằng: rồng có thể hóa phép thành người, nhưng chỉ vào ban đêm thôi, còn ban ngày thì không thể. Một hôm họ nhà rồng biến thành một đoàn người áo quần chỉnh tề, cầm đèn đuốc, mang lễ vật trang trọng đến nhà một cô gái xinh đẹp để hỏi cô ấy về làm vợ cho một anh rồng mới lớn.
Trước đêm ấy, họ nhà rồng cũng đã biến thành các ông mai, bà mối đến dọ hỏi trước nên gia đình cô gái tiếp đón rất đường hoàng, tươm tất. Hai bên đang ngồi ăn uống vui vẻ, chợt chàng rể (là rồng đang biến thành người) nhìn lên vách tường thấy có treo một bức tranh vẽ hình một con ó to lớn đang dang rộng đôi cánh. Dưới ánh đèn lập lòe, đôi cánh ấy dường như rung lên sống động, chợt vỗ bay ra ngoài khung gỗ. Thấy vậy, chàng rể rồng làm rơi cả chén đũa xuống đất, run lẩy bẩy, trong chốc lát rùng mình hóa lại nguyên hình rồng to lớn và bay trốn ra cửa. Cả nhà cô gái hoảng hốt la hét. Còn họ nhà trai cũng bỏ buổi tiệc chạy ra ngoài sân biến hết thành rồng, lần lượt cuộn bay vào đêm tối để lại nỗi bàng hoàng cho tất cả thực khách và gia đình của cô dâu.
Vì sao chàng rể rồng lại hoảng hốt khi thấy hình con ó trên tường? Nguyên trước kia, tổ tiên loài rồng rất sợ loài đại bàng khổng lồ có tên là kim sí điểu (tức đại bàng cánh vàng). Loài đại bàng này rất to lớn, có thể dùng cả hai chân mình để gắp dãy tuyết sơn Hymalaya, bứng khỏi địa cầu đưa đến bất cứ một hành tinh nào mà nó muốn. Điều đó đều được các vị thần trên thiên đình biết rõ và nể trọng. Có điều thức ăn của loại đại bàng này là rồng, hễ gặp con rồng nào là kim sí điểu sẽ dùng móng vuốt để kẹp lấy, bẻ nát và đưa vào miệng. Cứ thế, một thời nọ kim sí điểu đã ăn gần như cạn các giống rồng. Vì thế chúa của loài rồng là Maha-Naga đã tìm đến đức Phật than thở và nhờ che chở: “Thưa đấng chí tôn, xin ngài từ bi dùng quyền lực tối thượng của mình để ngăn cản đại bàng kim sí điểu đừng sát hại ăn thịt chúng tôi nữa, không thì chẳng bao lâu loài rồng chúng tôi sẽ bị tiệt chủng”. Phật liền gọi kim sí điểu đến hỏi chuyện, kim sí điểu thưa: “Ngài cũng hãy từ bi hiểu rằng nếu chúng tôi không ăn thịt loài rồng thì chẳng lấy gì để sống được”. Nghe vậy đức Phật bảo kim sí điểu hãy yên tâm: “Từ đây trở đi ta sẽ dặn các đệ tử của ta mỗi lần cúng ngọ trước khi ăn sẽ cúng nước và vật thực cho các ngươi”.
Kim sí điểu vâng lời và không ăn thịt rồng nữa. Cũng từ đó trong các chùa, các tư gia, mỗi lần cúng ngọ đều bỏ vào một chén nước nhỏ 7 hạt cơm, hoặc một chút bột trên đầu đũa để cúng kim sí điểu với câu kệ đọc kèm theo: “Đại bàng kim sí điểu. Khoáng dã quỷ thần chúng. La sát quỷ tử mẫu. Cam lồ tất sung mãn” (nghĩa là: chúng tôi xin cúng dường đến đại bàng kim sí điểu đến quỷ thần ở chốn núi sâu hoang dã, đến mẹ con của bà quỷ la sát, thảy đều được hưởng vị cam lồ no đủ không thiếu thốn). Tục cúng kim sí điểu để giúp loài rồng thoát khỏi nạn diệt chủng đến nay vẫn còn diễn ra tại các ngôi chùa lớn ở Hà Nội, Huế, TP.HCM và một số nơi khác trong nước ta.
Sau này để “củng cố” thêm sức sống đầy huyền thoại cho loài rồng trong xã hội mới, người đời đã ghép thêm vào rồng hai con vật có sức mạnh khác là lân (vật linh) và sư tử (chúa sơn lâm) thành bộ ba: lân - sư - rồng. Đồng thời ra đời bộ môn nghệ thuật múa lân sư rồng trong những dịp cúng lễ, khai trương, mừng tuổi và mừng tết Nguyên đán đến nay…
Rồng trong ngôn ngữ Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua, như áo bào của vua gọi là long bào, sân điện - long đình, xe của vua - long giá, gương mặt vua - long nhan, giường vua nằm - long sàng, thân thể vua - long thể. Trong thuật phong thủy, những mạch đất tốt chạy ngoằn ngoèo gọi là long mạch. Rất nhiều địa danh ở nước ta gắn với tên rồng như: Thăng Long, Long Đỗ, Long Biên ở Hà Nội, Kim Long ở Huế, núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa, núi Long Tường ở Hà Tĩnh, núi Thanh Long ở Quảng Bình, núi Lạc Long, Long Phượng, Long Cốt ở Quảng Ngãi, núi Hàm Long ở Bình Định. Tên vịnh có Hạ Long, Bái Tử Long. Tên đảo có: Phù Long. Tên địa phương có: Phước Long, Long Xuyên, Vĩnh Long... Tên sông nổi tiếng cả nước là Cửu Long. |
Giao Hưởng
Bình luận (0)