Nhiều người dân ở Hà Nội, Hải Phòng trong những ngày qua lấy làm lạ khi có hàng ngàn người xếp hàng rồng rắn để nộp hồ sơ thi tuyển công chức vào Cục Thuế thành phố. Người ta lấy làm lạ vì rất lâu mới thấy có cảnh xếp hàng dài như vậy, nhất là để tìm việc làm trong cơ quan nhà nước, trong bối cảnh đã xảy ra câu chuyện hàng trăm người thi tuyển vào Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) nhưng kết quả là chỉ có 10 người đỗ và đa số được xác minh là người nhà của cán bộ trong ngành.
Những ứng viên nộp hồ sơ không ngần ngại nói rằng, họ biết tình trạng thi tuyển công chức ở một số nơi hiện nay có thể là không công bằng, vẫn có nhiều “con ông, cháu cha” được ưu tiên, hoặc cũng có thể có tình trạng chạy chọt…, nhưng với chỉ tiêu lớn như vậy vẫn có hy vọng cho những người có năng lực vì ở cơ quan nhà nước, có người vào chỉ ngồi chơi thì vẫn phải có người biết làm việc. Giả dụ, trong 340 chỉ tiêu vào Cục Thuế Hà Nội, có thể có một tỷ lệ nào đó có “ưu tiên” nhưng vẫn có chỗ phải cần tuyển dụng người có năng lực thực sự.
Theo công bố của Bộ LĐ-TB-XH vào tháng 3.2014, riêng năm 2013 có khoảng 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, số lượng người có trình độ trên đại học thất nghiệp cũng đã tăng 2,4 lần so với năm 2012. Cùng với lượng người thất nghiệp không nhỏ ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp do tình hình kinh tế khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể, phá sản trong vòng 2-3 năm qua, chắc chắn lượng người có trình độ đại học, trên đại học thất nghiệp hiện nay là rất lớn.
Cho nên, hiện tượng “rồng rắn” nộp hồ sơ xin việc làm ở các cục thuế như Hà Nội, Hải Phòng cũng phản ánh đúng tình trạng thất nghiệp cao như hiện nay. Hiện tượng đó không xảy ra trong những năm trước đây dù cũng có những thời điểm, không chỉ ngành thuế, mà ngành hải quan, công thương, TN-MT… cũng có những đợt tuyển dụng lớn.
Cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng, cách thức tổ chức thi tuyển, đào tạo, tình trạng quá chú trọng về bằng cấp (đại học) hiện nay ở ta có vấn đề khiến người người, nhà nhà chỉ chú trọng cho con vào đại học, tìm việc ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… nên số lượng đào tạo đại học ra quá đông. Trong khi chất lượng đào tạo chưa cao, nhiều sinh viên ra trường nhưng trình độ, năng lực kém, phải đào tạo lại, thiếu lao động kỹ thuật… đã dẫn đến tình trạng người thừa vẫn thừa, người thiếu vẫn thiếu. Đây cũng là một giải thích hợp lý vì thực tế, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, khi đầu tư ở VN, luôn nói rằng, VN rất thiếu cán bộ, kỹ sư kỹ thuật có tay nghề cao.
Cho nên, hiện tượng “rồng rắn” nộp đơn thi tuyển công chức như vừa qua tại Hà Nội, Hải Phòng và có thể sẽ xảy ra ở một số tỉnh, thành phố nữa sẽ vẫn còn khi làn sóng phá sản doanh nghiệp chưa dừng lại; khi việc đào tạo nghề chưa được chú trọng, khi tâm lý nhiều gia đình vẫn chủ yếu hướng con em mình theo học đại học chỉ nhằm vào làm việc tại các cơ quan nhà nước dù lương thấp nhưng ổn định, và có thể “nhiều lộc”, thu nhập ngoài lương của khá đông cán bộ, công chức thực tế vẫn tốt như hiện nay…
Mạnh Quân
>> Thi tuyển công chức bằng trắc nghiệm trên máy tính
>> Lãnh đạo cấp sở, huyện đi thi tuyển công chức
>> Thi tuyển công chức hành chính
>> Không nên cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức
Bình luận (0)