>> TP.HCM công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10
>> TP.HCM: Công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên
>> Chọn nguyện vọng vào lớp 10: “Nhẹ” mà chắc
>> Căng thẳng chọn nguyện vọng lớp 10
Điểm cao trượt cả 3 NV, đi đâu?
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá: “Năm nay nhờ công tác tư vấn tốt, số lượng HS không vào được lớp 10 công lập đã giảm nhiều (năm 2010 là hơn 10.000 HS). Đặc biệt, số HS có điểm thi cao nhưng trượt cả 3 NV không còn là vấn đề “nổi cộm” đáng tiếc như những năm trước”.
|
Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, số HS đạt từ 32,5 điểm trở lên trượt cả 3 NV chỉ có 13 em.
Nếu như năm 2010 có đến hơn 30 HS đạt trên 35 điểm nhưng không đậu vào trường công lập thì năm nay chỉ có 8 HS rơi vào tình trạng này. Trong đó, có 7 HS của các trường quốc tế, dân lập và những HS này trở về tiếp tục học cấp THPT ở trường cũ.
Trường hợp còn lại là của một HS chỉ đăng ký 1 NV duy nhất vào trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.
Trong đợt làm hồ sơ đăng ký NV vào lớp 10 công lập năm nay, ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều cho biết, trường có một hồ sơ HS chỉ đăng ký mỗi một NV vào trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Tuy nhiên, “qua trao đổi với HS thì em có ý định đi du học cấp THPT nên chỉ đăng ký NV trường THPT Nguyễn Thượng Hiền thôi. Vì thế, nhà trường để em nộp hồ sơ như vậy”, thầy Vượng nói.
Chúng ta nên nghĩ một cách nhẹ nhàng là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là một kỳ thi đánh giá trình độ, phân luồng HS. Tùy theo sức học mà HS được xếp vào những trường, hệ đào tạo tương đương. Lớp 10 công lập không phải là cánh cửa duy nhất để mở đường cho sự nghiệp và việc học hành tiếp theo của HS |
||
Ông Nguyễn Hoài Chương |
||
Tuy nhiên, đó là con đường của những HS gia đình có điều kiện, còn hơn 9.000 HS trượt lớp 10 công lập khác đang tất tả chọn một trường phù hợp với khả năng và điều kiện gia đình.
Tấp nập dân lập, đìu hiu trường nghề
Trong năm học 2011-2012, tại TP.HCM, các trường ngoài công lập tuyển sinh hơn 20.000 chỉ tiêu HS lớp 10; chỉ tiêu tuyển sinh của hệ trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên là hơn 20.000 học sinh. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đây là lối đi cho những HS trượt lớp 10 công lập.
Tuy nhiên, đối với nhiều HS, tâm lý "rớt công lập, phải học dân lập" vẫn đè nặng. N.K.A., tần ngần cầm hồ sơ xin nhập học vào trường Dân lập Trương Vĩnh Ký nhưng mặt buồn hiu. Em rớt cả 3 NV lớp 10 dù được 32 điểm. “Em tự tin vào sức của mình nên chọn NV 1 trường cao quá. Hôm thi lại bệnh, làm bài không được tốt. Các bạn học chỉ khá khá trong lớp em phần lớn vào trường Phú Nhuận. Em lại rớt ra dân lập nên rất buồn”, K.A. nói.
Một số trường dân lập lớn đang “chật ních” hồ sơ. Không khí nộp hồ sơ xin nhập học tại các trường dân lập, tư thục cũng tấp nập không kém tại các trường công lập.
Tại trường Dân lập Nguyễn Khuyến, một phụ huynh đang cố nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 cho biết: “Cháu lỡ rớt cả 3 NV công lập vì chỉ có 30 điểm mà các trường đăng ký đều lấy trên 30. Nhưng hiện giờ, trường Nguyễn Khuyến gần như đã khóa sổ, không nhận hồ sơ lớp 10, ở nhà đang lo không biết “chạy” đâu”.
|
Theo một số phụ huynh đang nộp hồ sơ cho con tại đây thì việc chọn cho con một trường dân lập chất lượng giảng dạy, môi trường học tập tốt đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình là điều không dễ.
Tại một trường dân lập khác là trường Thái Bình (Q.Tân Bình), văn phòng cũng cho biết gần như đã tuyển đủ sĩ số lớp 10 cho năm học này.
Trong khi đó, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên vẫn vắng vẻ vì nhiều phụ huynh, HS vẫn ngại "mang danh" học bổ túc hay trường nghề.
Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp Q.Bình Tân thống kê, mỗi năm, toàn quận chỉ có khoảng 300 HS chịu vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Năm nay, Q.Bình Tân xét tuyển vào lớp 10 và có khoảng 25% HS không vào được trường công lập. Thế nhưng, dự đoán số lượng HS vào trường trung cấp vẫn không nhiều.
Thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), nhận định, sau mỗi đợt tuyển sinh, có nhiều HS trượt cả 3 NV nhưng hầu hết phụ huynh đều chưa tin vào chất lượng nề nếp ở hệ giáo dục thường xuyên hay trung cấp chuyên nghiệp. Vì vậy, phụ huynh có điều kiện đều chọn cho con các trường dân lập, tư thục hoặc khá giả hơn là trường quốc tế.
Trong khi đó, tại trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), ngay từ giai đoạn HS làm hồ sơ đăng ký NV lớp 10 công lập, trường đã tư vấn cho phụ huynh của HS có sức học yếu, khả năng trúng tuyển vào lớp 10 công lập không cao, định hướng các em học trung học chuyên nghiệp.
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Hoa Thám, cho biết: trường có khoảng 40 HS đăng ký học nghề, trung cấp chuyên nghiệp ngay từ khi chưa thi tuyển sinh lớp 10. Chủ yếu HS vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng và ĐH Công nghiệp Thực phẩm, hệ trung học chuyên nghiệp.
Theo cô Xuân: “Đây là một hướng đi tốt cho các em, nhất là các em gia đình khó khăn vì mức học phí của trường dân lập tốt thường cao. Từ hệ trung học chuyên nghiệp, các em vẫn có thể tiếp tục học lên cao đẳng và đại học. Nếu không thì xong chương trình trung học chuyên nghiệp, các em cũng có được một cái nghề để lập nghiệp”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nêu quan điểm: “Chúng ta nên nghĩ một cách nhẹ nhàng là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là một kỳ thi đánh giá trình độ, phân luồng HS. Tùy theo sức học mà HS được xếp vào những trường, hệ đào tạo tương đương. Lớp 10 công lập không phải là cánh cửa duy nhất để mở đường cho sự nghiệp và việc học hành tiếp theo của HS”.
Viên An
Bình luận (0)