Liên tục giảm giá
Ngày 5.12, hơn 57 triệu cổ phiếu (CP) của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) được đưa vào giao dịch tại sàn TP.HCM với giá tham chiếu 40.000 đồng/CP. Kết quả chỉ có hơn 10.000 CP được khớp ở giá sàn là 32.000 đồng/CP. Trước đó, 8 triệu CP của Công ty cổ phần Traphaco (TRA) đã chào sàn TP.HCM vào ngày 26.11 với giá khởi điểm 79.000 đồng/CP. Trong phiên giao dịch đầu tiên, TRA chỉ khớp ở giá sàn là 63.500 đồng/CP. Những phiên giao dịch sau đó, TRA cũng không thể hãm được đà lao dốc của giá CP khi nguồn cung bán ra luôn áp đảo lực cầu. Chỉ sau hơn một tuần giao dịch, TRA chỉ còn 44.600 đồng/CP mặc dù công ty này vẫn được đánh giá khá tiềm năng vì ngành dược ít bị tác động bởi suy thoái kinh tế hiện nay. Theo kế hoạch công bố, công ty này sẽ duy trì mức tăng trưởng 22%/năm từ nay đến năm 2010 về doanh thu và tỷ lệ cổ tức chi trả là 24%. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn không mặn mà với CP TRA vì hiện giá giao dịch của các CP ngành dược khác như DMC, IMP... cũng chỉ lần lượt là 51.000 đồng/CP và 59.500 đồng/CP.
Chị Vân Hà - một nhà đầu tư có tài khoản tại ACBS - cho rằng trong khi thị trường có rất nhiều hàng hóa tốt với giá rẻ thì những CP mới chào sàn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tương tự, CP của Công ty cổ phần Basa (BAS) chào sàn TP.HCM ngày 11.11 với giá tham chiếu 18.000 đồng/CP nhưng cũng chỉ khớp ở giá sàn 14.400 đồng/CP. Sau phiên giao dịch ngày 5.12, CP này chỉ còn giá 11.800 đồng/CP. CP của Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVF) chào sàn ngày 3.11 chỉ được giao dịch ở giá sàn 24.000 đồng/CP (giá tham chiếu là 30.000 đồng/CP), đến phiên giao dịch ngày 5.12 PVF chỉ còn ở mức giá 16.100 đồng/CP...
Đứng trước thị trường vẫn chưa hề có dấu hiệu khởi sắc trở lại, cổ đông của các công ty sắp niêm yết trong tháng 12 này khá hồi hộp. Nhiều nhà đầu tư nhận định có thể kịch bản khớp giá sàn trong ngày đầu tiên của những CP này vẫn sẽ xảy ra và nếu có cũng không phải là điều ngạc nhiên.
Không thể trì hoãn
Các công ty lên sàn trong thời điểm hiện nay đều phải chấp nhận việc giảm giá liên tục theo xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều công ty thừa nhận không thể trì hoãn việc lên sàn vì phải thực hiện lời cam kết với cổ đông trước đó. Hiện nhiều công ty vẫn tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại sàn TP.HCM và Hà Nội như Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy đã được chấp thuận niêm yết 15,4 triệu CP; Công ty cổ phần MT Gas được chấp thuận niêm yết 8 triệu CP; Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long đăng ký niêm yết hơn 28,76 triệu CP...
Theo ông Đoàn Đức Vịnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán u Việt - CP lên sàn lúc này vẫn có thể giảm giá vài phiên nhưng nếu công ty đã định giá tốt, xác định được giá trị của CP mình thì mức giảm giá sẽ không quá nhiều. “Nếu công ty đưa ra giá quá cao thì việc giảm giá càng sâu sẽ khiến cho hình ảnh của công ty đó không tốt trong mắt nhà đầu tư. Việc định giá phải được một tổ chức độc lập tư vấn và công ty nên nghe theo cùng với sự so sánh với các đơn vị cùng ngành. Nhà đầu tư luôn nhận biết được tiềm năng và giá trị của doanh nghiệp ở mức độ nào nên chuyện hét giá cao càng không thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư ” - ông Vịnh nói.
Còn theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, việc lên sàn sẽ mang lại cho công ty nhiều lợi ích lâu dài. Đó là tính minh bạch công khai trong hoạt động, khả năng huy động vốn cho các dự án sản xuất sẽ dễ dàng hơn khi công ty có nhu cầu... Vì vậy, cũng không nên trì hoãn kế hoạch niêm yết nếu công ty đã có sự chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, các công ty không nên kỳ vọng và định giá chào sàn của mình quá cao mà phải có sự đánh giá chính xác, phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần phải ban hành quy trình niêm yết cụ thể hơn, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc định giá CP trước khi doanh nghiệp chào sàn của một đơn vị độc lập. Điều đó sẽ khiến cho các CP lên sàn với mức giá hợp lý, tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường.
Mai Phương
Bình luận (0)