Tôi đã xong hội nghị nhà văn quốc tế ở Busan. Các đại biểu khác đã lục tục rời khách sạn về nước. Lẽ ra tôi cũng đã về nước. Nhưng người dịch sách của tôi sang tiếng Hàn đã xuống Busan đón tôi về thủ đô chơi thêm mấy ngày. Anh là giảng viên đại học ở Seoul, kiêm nhà phê bình văn học, kiêm dịch giả, anh đọc sách bằng tiếng Anh, thấy hay hay thì dịch ra in ấn, rồi đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên của mình.
Buổi chiều xám lạnh, chúng tôi đi trên đường phố dọc theo bờ biển, nhìn ra bãi tắm thấy vẫn có người đang giỡn sóng. Phục. Lạnh giá 5 độ C, mình còn mặc áo ấm khăn quàng mũ mão, thế mà kia người ta nhảy ra giỡn sóng. Dân Busan có cái mạnh mẽ khoáng đạt phương nam, anh bảo. Busan hay là Pusan, tôi hỏi, thấy phiên âm mỗi tài liệu một khác. Busan hay Pusan đều là nó, anh bảo. Do cách phát âm tùy từng vùng. Hiểu. Cũng là cách nói lẫn lộn cặp phụ âm bê và pê, như kiểu pê phở bê bò ở miền Nam của ta vậy.
Anh rủ thêm hai người bạn đi nhậu. Hai người bạn thời phổ thông ở thủ đô, sau này họ xuống Busan làm ăn, ít có dịp gặp nhau. Một người mở cửa hàng internet cafe, thấy đùa là toàn ngồi trông bọn thanh niên sát phạt trò chơi điện tử. Một người buôn bán hải sản. Mày bây giờ là giáo sư, mày cho tao gửi đứa con năm tới vào đại học ở thủ đô. Họ gửi gắm qua lại và đùa nhau những chuyện của đám bạn bè lâu lâu không họp lớp. Họ thay nhau rót rượu cho tôi. Chỉ nhớ họ rót rượu cho người khác rất ân cần. Chỉ nhớ một buổi tối trong quán nhậu khá đông vui và không ồn ào. Chỉ nhớ cái tua con bạch tuộc ăn sống vẫn còn ngoe nguẩy trong chén nước chấm mù tạt. Món gỏi ăn sống ở đây phải là loại hải sản đánh bắt xa bờ, đảm bảo nơi nước biển chưa bị ô nhiễm vì chất thải công nghiệp gần bờ. Anh giải thích thế.
***
Có lẽ tôi không định kể về Busan. Chỉ là muốn nhắc chuyện anh từ thủ đô xuống đón tôi lên Seoul. Đi tàu cao tốc KTX tốc độ tối đa 350 km/giờ thì mất hơn hai tiếng. Giá tiền cái vé là 90.000 won, kém bữa nhậu bốn chúng tôi đêm hôm qua một chút. Tàu lao vun vút từ phía nam lên phía bắc. Hai bên đường tàu là những bức tường cao đến hơn 4 m, chạnh nghĩ ở ta mà tàu cao tốc thế này, tường cao thế này, thì vẫn có kẻ trèo vào để gỡ vài con ốc vài cái bù loong bán lấy vài chục nghìn và chấp nhận rủi ro cho tàu đâm bét xác.
Có lẽ tôi cũng không định kể về chuyến tàu cao tốc. Chỉ nhớ anh không chịu cho tôi trả tiền bữa rượu và tiền tàu xe. Ở trên đất Hàn Quốc này tôi là khách. Anh bảo. Bao giờ sang Việt Nam thì anh sẽ chấp nhận là khách của tôi.
***
Ở Seoul, một đám bạn bè văn chương lại tụ tập để đón khách. Họ đang cùng nhau làm một tạp chí văn học song ngữ, tiếng Hàn và tiếng Anh. Họ từng đưa in một số tác phẩm của tôi trên tạp chí nhưng bây giờ mới gặp. Lại những bữa rượu. Trong đám nhà thơ nhà văn nhà biên tập có một cô gái. Cô chỉ ngồi yên, chỉ cười, chỉ chăm chăm xem ai hết rượu thì rót tiếp. Đến lượt tôi, cô vừa đưa chai rượu lại gần định rót thì tôi đỡ lấy tỏ ý tự rót được. Ô không, tập quán người Hàn là rót rượu cho nhau chứ không ai tự rót. Anh bạn bảo. Rồi anh giải thích, anh cầm lấy chai rượu và tự rót thì cũng giống như anh tỏ ý tôi không cần đến các người.
A, đi một ngày đàng học một sàng khôn, có những cái nếu không trực tiếp học thì không thể biết.
Người đang rót rượu cho anh cũng là một hiện tượng văn chương đấy. Một nhà văn bảo rồi cười. Cô gái chỉ mỉm cười mà không nói gì. Cô ấy từng là người sửa bản in thử cho tạp chí của chúng tôi. Một nhà biên tập nói thêm và không cười. Cô gái vẫn chỉ mỉm cười mà không nói gì.
Không ngờ sau đó tôi được nghe chuyện của hiện tượng văn học, nghe chính cô kể vào ngày hôm sau, lúc cô được mọi người phân công đưa tôi ra chợ Daenammun để mua đồ lưu niệm, mua sâm và linh chi Hàn Quốc mang về cho bạn bè ở Việt Nam.
***
Từ tòa soạn, cô đi bộ đến khách sạn đón tôi, rồi xăm xăm đi bộ tiếp, dẫn tôi đến chợ. Cái chợ thuộc cổng ô phía nam thành phố, cổng ô bằng gỗ hàng trăm năm, vài tháng sau khi tôi đã trở về Hà Nội thì nghe tin nó bị đốt. Một thương gia bị giải tỏa đất đai thế nào đấy, kiện tụng mãi mà không được thế là ông ra đốt cái cổng ô. Nhớ lại mà tiếc.
Cô bảo em phải dẫn anh đi mua, chứ anh tự mua thì rất có thể mua phải sâm Tàu, xứ sở sâm Cao Ly cũng có sâm Tàu đem sang để lẫn vào anh ạ. Đúng là nhờ có thổ công. Tôi mua những chiếc chuông đồng nho nhỏ, dây chuông thả lõng thõng những con cá đung đưa, reo lên lanh canh khi có gió đẩy. Những con búp bê nhỏ trang phục hanbok truyền thống sặc sỡ. Mấy thứ đồ lưu niệm làm tôi vui và hình như khiến cô dễ dàng vào chuyện.
Cô trở thành hiện tượng văn học là một sự tình cờ. Tình cờ như mọi bữa rượu của cánh nhà văn nhà biên tập. Tình cờ như sự nổi lên của mọi hiện tượng văn chương khác. Ngày nọ, một tạp chí văn chương đăng chùm truyện ngắn của cô. Giật mình. Sôi động. Xao xác. Cánh văn chương và người đọc giật mình thấy một cái bút danh con gái mới lạ viết về vùng Hadong núi non sông nước. Đồn nhau xôn xao. Nghe đâu còn trẻ lắm. Nghe đâu người miền núi. Nghe đâu chưa học hành gì nhiều.
Lời đồn đúng cả. Cô vào tòa soạn làm công việc sửa bản in thử cũng là một sự tình cờ. Nhà biên tập là bạn của cha cô khi còn học phổ thông ở miền núi Hadong. Một lần ông từ thủ đô về thăm quê, cha cô gửi gắm, cháu nó vừa hết phổ thông, nó muốn nhìn thấy thủ đô, chú đưa nó về Seoul, có việc gì chú cho nó làm. Thế mà thành sự thật. Cô lên Seoul làm tạp vụ cho tòa soạn, rồi được hướng dẫn kỹ năng sửa bản bông. Mọi sự cứ thế trôi qua nếu không có ngày chùm truyện in ra ký tên cô và cô bỗng chốc trở thành hiện tượng văn học.
Xôn xao cả lên. Trong một bữa rượu của cánh nhà văn nhà biên tập, bỗng nhiên một anh nhà văn vỗ ngực bảo: Hiện tượng văn học nào, cây bút nữ nào, tao đây này, tao chính là Kim Sun Mi.
Kim Sun Mi là tên cô đồng thời là bút danh đi kèm chùm truyện kia.
Đang bữa rượu, không ai để ý, mà bị cuốn triền miên sang những đàm tiếu khác.
Chỉ có cô biết đó là sự thật.
***
Anh chàng nhà văn ấy mới chính là tác giả. Anh đội tên cô. Anh lấy tên cô làm bút danh. Lâu lâu trước đó, anh đưa cô chùm truyện ngắn của anh, cô đọc và khen hay. Cô thực sự thấy hay, như những truyện trước đó anh đưa cô đọc khi chưa gửi in, anh viết về quê cô, vùng núi Jirisan và sông Seomjingang. Rồi khi chùm truyện in ra mang tên cô, anh bảo cô hãy nhận là mình viết. Thực ra cũng chẳng phải nhận, cô chỉ cần im lặng và mỉm cười như lâu nay. Mỉm cười và im lặng cũng là một cách trả lời đầy hàm nghĩa trước mọi câu hỏi phỏng vấn. Ít khi người ta nghĩ rằng một nhà văn mỉm cười và im lặng chính là vì trong đầu không có gì để nói.
Thôi thì ồ ạt tràn tới những cuộc phỏng vấn của báo chí. Anh chàng nhà văn kia đạo diễn cho cô, cô xử sự đâu ra đấy. Không bao giờ cô nhận trả lời phỏng vấn trực tiếp mặt đối mặt với phóng viên. Dạ anh chị cứ đưa câu hỏi trên văn bản hoặc gửi qua email. Sau vài ngày, văn bản được trả lời bằng văn bản đánh máy. Sau vài ngày, thư điện tử được trả lời bằng thư điện tử. Những câu trả lời khôn ngoan, hay ho và đầy tính văn chương, có khi nghiêm túc, có khi gia giảm tí chút hài hước, có khi chất phác pha tí ngô nghê núi non. Anh nhà văn viết những bài trả lời phỏng vấn cho cô, nhập hồn vào cô, đóng vai cô. Đóng đạt. Qua vài năm cô cứng cáp trong cách xử sự giữa giới văn chương báo chí, anh biết đã có thể đôi lúc cho cô ra trực tiếp đối diện truyền hình hoặc trực tiếp giao lưu người đọc. Trước mỗi cuộc tiếp xúc, anh đều ngồi với cô cả buổi, lường trước những câu hỏi cơ bản, và cảnh báo cô rằng sẽ có những câu hỏi phát sinh phải tự xử lý.
Xong, cô ra diễn trực tiếp. Bên cạnh những điều đã viết ra về quê hương mình, chị còn gì để nói thêm? Nói thêm? Núi không cao và sông không sâu. Người miền núi quê tôi có câu tục ngữ: ở nơi ấy đàn ông gian tà đàn bà dâm dục.
Xong, câu hỏi tiếp: Tác phẩm của chị có bao nhiêu phần trăm sự thật? Một trăm phần trăm. Chị có thể cho biết vì sao có thể tính chính xác trăm phần trăm? Tôi nói: trăm phần trăm. Số học và văn chương có thể hòa hợp chính xác đến thế ư? Vâng, trăm phần trăm.
Thực sự thì cô cuống quá, trong lòng thôi, còn thì cô lì ra, lì bên ngoài mặt. Cái câu trăm phần trăm nhắc lại lần thứ ba thì giống như một công án thiền. Chỉ ba chữ mà bao nhiêu hàm ý, có khi bao gồm cả vũ trụ. Anh nhà văn ngồi bên dưới cùng với khán giả phải xuýt xoa trong lòng. Cái ngố của con bé lại thành ra cái đa nghĩa của văn chương. Giống như có người hỏi một thiền sư: Tôi có thể hỏi đại đức một câu được không? Ngài hỏi đi. Tôi đã hỏi rồi. Bần tăng đã đáp rồi. Đại đức đáp chi? Ngài hỏi chi?
Cứ thế những câu trả lời cụt lủn, rất ngắn, vài ba chữ, có khi lạc đề, có khi chỉ là nhắc lại câu hỏi của người ta. Cử tọa toàn là những người nghe một suy diễn mười. Tắc lưỡi thích thú. Chà chà, ngắn gọn mà sâu sắc. Chà chà, vài chữ mà chứa đựng nhiều ẩn ý bên trong. Buông lửng mà đủ diễn tả những điều chưa nói hết. Người ta đã viết được văn thì một chữ của người ta không bao giờ chỉ đơn nghĩa, chỉ một hàm ý, chỉ là một con ruồi vô tình bay qua.
***
Nhưng có người ngờ vực. Mấy ông bà nhà văn nhà phê bình và thêm mấy ông bà người đọc. Cô này ba mươi tuổi nhưng nhân vật chính hầu như toàn người già. Cô này con gái mà nhân vật chính hầu như toàn đàn ông. Hay viết truyện nhậu nhẹt rượu chè. Cô này học ít mà ngôn ngữ và cách cấu trúc cách dẫn truyện theo kiểu châu u. Cách tư duy cũng đúng kiểu châu u. Một người như vậy phải là Tây học hoặc đọc nhiều văn học châu u, thiên kinh vạn quyển.
Tất nhiên mấy phẩm chất ấy là của anh nhà văn nấp ở đằng sau kia. Thêm một nhà biên tập cứng cựa có thể mông má nhuận sắc cho ngay cả những bản thảo còn ngổn ngang. Anh nhà văn đã vỗ ngực trong bữa rượu, hiện tượng văn chương là tao đây này, lúc ấy không ai để ý, lúc ấy anh đã hé lộ sự đắc thắng đang lừa được người đời. Anh báo hận, anh phục thù. Anh viết văn mãi, viết khá hay, mà hơn ba chục tuổi vẫn chẳng mọc mũi sủi tăm lên được. Thời này ai cũng viết văn, nhà văn vòng ngoài đông hơn nhà văn vòng trong, nhà văn blog trên mạng đông hơn nhà văn sách in. Viết thế chứ viết nữa cũng chẳng nổi lên được. Thế thì phải làm thế nào? Anh băn khoăn, anh trăn trở, anh thao thức đêm đêm vằng vật sớm sớm. Rồi anh tìm ra.
Nhiều hiện tượng văn học có một mẫu số chung. Một công thức.
Nhà văn mới xuất hiện, muốn nổi tiếng thành hiện tượng văn chương phải có đủ ba yếu tố.
Một, phải là người rất trẻ. Trẻ thế mà viết giỏi thế!
Hai, phải là nữ. Phụ nữ mà viết hay thế!
Ba, phải là người vùng sâu vùng xa. Điều kiện khó khăn thế mà viết ngon lành thế!
Ba yếu tố ấy, cô gái tạp vụ trong tòa soạn có đủ. Anh reo lên một mình như chính anh phát hiện ra cô. Anh muốn chứng minh, trước hết với chính mình, rằng đây là xứ sở người ta có thể viết mãi mà chẳng nổi lên được, nhưng chỉ cần một con bé vơ ở đâu đó xuất hiện là báo chí lẫn người đọc tưng bừng lên ngay.
Được dăm bảy năm. Anh tạo ra một hiện tượng, anh nuôi dưỡng hiện tượng, anh nấp đằng sau làm nghệ sĩ múa rối, con rối không hư hao gì, nghệ sĩ đang làm cho nó múa may mới đổ mồ hôi, nhiều khi mệt mỏi với đám khán giả đang cười rộ ngô nghê trong nhà hát. Anh leo lên lưng hổ, anh đang cưỡi hổ, anh muốn xuống thoát khỏi con hổ. Có lúc chán nản, anh muốn hé lộ cho người đọc biết sự thật. Trong một vài bài báo chí phỏng vấn cô mà anh lặng lẽ viết phần trả lời, anh hé ra đôi ý để đánh động những người tinh ý. Con bé này nào có biết gì, sách là của người khác, còn khi phải nói thì nó nói năng ngô nghê sai lạc so với sách được coi là do nó viết ra. Nhưng phần lớn người đọc không nhận ra dụng ý hé lộ của anh. Những câu trả lời trực tiếp của cô ngắn ngủn bỏ giữa chừng vẫn được khen giống như công án thiền.
Cho đến một ngày báo chí đưa tin về một vụ án văn chương ở xứ Séc xa xôi. Một anh chàng nhà văn người Séc bịa ra một cái bút danh là Phạm Thị Lan, tên một cô gái Việt Nam, rồi viết truyện về cộng đồng người Việt ở Séc. Người đọc tò mò tìm đọc và tin. Bút danh cũng đúng một công thức: trẻ, nữ, thuộc cộng đồng ít người.
Vụ việc này là gợi ý cho anh chàng nhà văn xứ Hàn đã đến lúc ra mặt công khai. Đúng thời cơ. Mượn ngay hoàn cảnh của người mà tranh thủ bộc lộ quan điểm về việc đội tên của mình, thế là cũng có tính triết học trong ấy. Tóm lại, nếu muốn ra công khai thì đây là thời điểm lý tưởng.
Anh đắn đo suy tính rồi quyết định.
Không.
Anh nói với cô.
Không.
***
Đây chính là chuyện anh nhà văn kể cho tôi nghe. Cũng lại trong một bữa rượu. Anh mời tôi đến nhà. Bữa rượu có ba người: anh, cô sửa bông và tôi.
Anh đi xem bói. Bà thầy kích động như một bà đồng shaman. Bà hú hét tí chút rồi bảo có cái linh đang bám theo anh. Nó đang cưỡi trên lưng hổ cùng với anh, xuống bây giờ thì cả đôi cùng chết. Anh suy ra rằng xuống bây giờ sẽ thành một xì căng đan bê bối lớn. Người đời nông nổi, họ chỉ cho đó là lừa đảo, là mạo danh, là đội tên, là bóc ảnh hộ chiếu dán ảnh người khác vào. Không bao giờ họ chịu chấp nhận rằng tên ai cũng được, bút danh nào cũng được, miễn là độc giả có sách hay để đọc. Vẫn cuốn sách mà họ đang tấm tắc khen ấy, họ sẽ thấy nó dở nó tầm thường khi biết rằng người viết là đàn ông. Họ không coi đó đơn giản chỉ là đổi một cái bút danh. Đó là nỗi nhục của họ, bị coi thường bị lừa bị xúc phạm.
Thôi. Đã gáy lên một tiếng thì cứ thế mà gáy tiếp. Công lao của cô lâu nay vẫn được thỏa thuận bốn mươi phần trăm. Nhuận bút sách, nhuận bút bài báo, tiền công phỏng vấn giao lưu, tất tật bốn mươi phần trăm. Không phải trăm phần trăm như cái câu công án thiền của cô. Chia chác sòng phẳng và cái hiện tượng văn chương anh tạo ra cũng đem lại lợi nhuận lớn cho anh. Lợi nhuận không dễ bỏ. Lớn hơn nữa là cái thú thấy một mình ta có thể dắt mũi cả thiên hạ, có thể bắt họ tin vào một điều không có thực.
Thôi.
***
Được vài tháng tự bảo quên đi thôi đi. Một hôm trong bữa rượu với đồng nghiệp, lại có cô ngồi bên rót rượu. Một mình cô con gái ngồi giữa đám đàn ông. Chi chút rót chu đáo rót. Đúng kiểu Hàn. Tay phải cầm chai rượu, bàn tay trái đưa ngang, nắm lấy cổ tay phải, rồi cứ thế mà rót cho người ta.
Anh nhìn hai bàn tay cô. Bàn tay trái đưa sang đỡ lấy cổ tay phải. Bàn tay phải nghiêng chai rót rượu vào cốc. Bỗng nhiên, anh giật lấy chai rượu từ tay cô. Tự rót.
Người Hàn không làm thế bao giờ.
Ngày hôm sau, anh quyết định sẽ ra công khai trên báo chí.
***
Ngày hôm sau, cô chìa cho anh một tập bản thảo. Truyện cô mới viết. Bấy lâu nay cô chỉ đánh máy chép lại những truyện anh viết. Chép mãi, nhập tâm mãi, dựa vào đấy để trả lời phỏng vấn và đối đáp với độc giả mãi, nhưng tác phẩm không phải là của cô. Giờ thì cô mới viết thật. Anh nhà văn ngớ người. Anh ngạc nhiên sững sờ. Đọc xong thì anh bỏ kính ra, run run lau hai mắt kính mờ nhòa, lắp bắp mấy câu lặp đi lặp lại. Thế này mới là văn. Thế này mới là văn.
Truyện in ra, người ta tấm tắc trước một Kim Sun Mi đã biết tự làm mới mình. Lâu nay vẫn có người khen, vẫn có thêm người hâm mộ, nhưng người tinh tường và bản thân anh nhà văn cũng biết mình đã hụt hơi đã nhàm đã lặp. Anh phải đi tiếp vì lợi nhuận, vì không thể dừng lại, chứ sâu xa trong lòng anh đã rời rã chán chường. Nhưng cái truyện ngắn cô thực sự viết đã hồi sinh cho cái bút danh. Anh sắp gục xuống thì có cô đến chạy tiếp sức. Phong cách văn chương của anh đã ngấm vào cô nhưng được bổ sung bằng cái bản năng thô ráp chỉ cô mới có. Anh biết cái bản năng ấy rồi cũng chẳng đi xa lắm đâu, nhưng ít ra nó sẽ kéo dài cái chặng đường họ đang phải chạy tiếp sức phía trước.
Bây giờ anh có công khai tuyên bố sự thực là anh viết thì người đời cũng chẳng tin. Họ sẽ coi đó chỉ là một cách anh gây náo loạn, anh dây máu ăn phần, anh nhận xằng nhận vơ, anh muốn bôi xóa danh tiếng của cô nhà văn Kim Sun Mi.
Nghe lời bà thầy shaman, anh ngậm tăm luôn.
Ngay cả việc cô và anh kể cho một đồng nghiệp nước ngoài như tôi biết. Biết thì biết. Nhưng biết mà tung hê lên báo chí thì người ta chỉ nghĩ là tôi muốn gây chú ý bằng cách bịa ra xì căng đan.
Rồi một kết cục mà không phải ai cũng hiểu được, cô sửa bản in thử, bây giờ là cô nhà văn nổi như cồn, lại thành bạn thân của gia đình anh. Có một cái gì gần như truyện giả tình thật. Người này nhập tâm nhập hồn vào người kia, mượn tên mượn tuổi lẫn nhau, chạy tiếp sức cho nhau, biết là cũng chẳng chạy được xa nữa, nhưng đã trót dính vào nhau. Thôi thì cứ chạy.
Cô năng đến nhà anh, cùng vợ anh làm kimchi kimbap, ngày cuối tuần nấu nướng ăn uống tưng bừng với nhau, đi dã ngoại cả nhà với nhau. Tuần nào cô không đến, vợ và con gái anh lại nhắc. Có lần cô ngã bị gãy chân phải băng bó thì vợ anh đến đẩy xe lăn cho cô ra bến xe buýt rồi đến nhà ăn uống chuyện trò, tối lại đẩy xe ra bến xe buýt đưa cô về tận nhà. Cứ như thể đồng nghiệp của anh đã chuyển sang thành bạn của vợ anh. Chỉ có chuyện văn chương chữ nghĩa thì anh và cô bàn bạc sau lưng vợ anh. Anh viết truyện mới, anh đưa cho cô đọc trước. Cô viết truyện mới, cô đưa anh đọc trước. Nhất trí xong rồi mới gửi in. Luân phiên với nhau dưới một cái bút danh. Truyện nào cô viết thì công thức ăn chia đổi ngược lại, cô sáu mươi phần trăm, anh bốn mươi.
Nhiều cặp vợ chồng, chồng lấy tên vợ làm bút danh, nhiều cặp bồ bịch, chàng lấy tên nàng làm bút danh, thơ phú in ra phơi phới, cho đến khi bỏ nhau thì không thấy các cô nàng thơ phú gì nữa. Tịt luôn. Nhưng hai người này thì không thế. Giả sử sau này họ không chơi với nhau nữa thì cô vẫn viết. Có khi cô vẫn chơi với vợ anh. Vợ anh vẫn hâm mộ những tác phẩm mang tên cô. Người vợ có lẽ cũng cảm thấy một cái gì giữa cô và chồng mình, nhưng là cái gì thì chị không phân tích cụ thể ra được.
Còn cô, ngày trước cô là một con bé sửa bông thì bây giờ cô là nhà văn, là biên tập viên chính thức trong tòa soạn. Cô vẫn im lặng và mỉm cười, không có gì khác. Công chúng đã nghiện cái im lặng mỉm cười nói ít hiểu nhiều của cô. Vẫn có người tin im lặng và mỉm cười cũng nhiều hàm nghĩa như một công án thiền.
***
Tôi không định kể lại cái truyện ngắn đầu tay của cô tiếp sức cho anh nhà văn. Kể lại một tác phẩm là cách hữu hiệu nhất để giết chết tác phẩm ấy. Tác phẩm văn chương đích thực chỉ có thể phải đọc trực tiếp bằng mắt mình, đọc lấy văn.
Nhưng truyện ngắn ấy liên quan đến việc anh giật lấy chai rượu từ tay cô, tự rót. Từ nay tôi chẳng cần đến cô nữa. Cô viết trong cơn uất giận. Cô nhớ chuyện ở quê cô có hai dòng họ thù nhau truyền đời bắt đầu từ việc rót rượu. Trong một cái hội làng, say sưa lời qua tiếng lại khích bác thế nào đấy, một ông đã giật lấy chai rượu từ tay ông kia, tự rót. Tao không cần đến mày. Rút dao đâm nhau ngay giữa hội làng. Một nhân mạng. Con cháu người chết mang chén rượu về nhà, đợi cho đến khi chén rượu tự khô đi, không còn một giọt, thì mang dao mang súng đi rình giết kẻ đã đâm chết ông cha mình. Sát nhân giả tử. Mạng đổi mạng thế tưởng là hòa. Nhưng con cháu nhà bên kia lại đặt lên bàn thờ cha một chén rượu, lại đợi cho nó khô đi, không còn một giọt, rồi mang dao mang súng đi rình giết người con trai cả của nhà bên này.
Cứ thế, rất nhiều chén rượu đã khô đi giữa hai dòng họ.
Cái truyện ngắn ấy, cô đặt tên là Chén rượu khô.
H.A.T
>> Úm..."- Truyện ngắn của Quế Hương
>> Khi thị trường nóng lạnh, sổ mũi! - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền
>> Ba người đàn bà" - Truyện ngắn của Vĩnh Quyền
>> Trong giấc mơ không gặp cây vú sữa - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên
>> Người đẹp ở tầng trệt - Truyện ngắn của Đỗ Trí Dũng
>> Gió - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Bà cụ Cần và bầy chim sẻ - Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
>> Lời nguyền mỹ nhân - Truyện ngắn của Uông triều
>> Ngôi nhà trên cây - Truyện ngắn của Bích Ngân
>> Mùa săng kê rụng lá - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Bình luận (0)