Rủ nhau đi hái lộc rừng

14/02/2014 10:37 GMT+7

Trước và sau Tết Giáp Ngọ, người dân ở các xã vùng cao tỉnh Kon Tum lại rủ nhau đổ xô vào rừng chặt đót (nguyên liệu làm chổi) để kiếm thêm thu nhập. Bà con trong vùng xem đó là lộc của rừng ban tặng cho họ mỗi năm.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

 Anh A Phúc đang phơi đót - Ảnh: Phạm Anh

Dọc theo các tuyến đường của các huyện Kon Plông, Kon Rẫy (Kon Tum), nơi đâu cũng thấy người vác đót, phơi đót. Anh A Phúc ở thôn 4, xã Đăk Tờ Re, H.Kon Rẫy cho biết, cứ đi từ sáng đến chiều là được 25 kg đót, giá bán 4.000-5.000 đồng/kg đót. “Ngày nào cũng được bấy nhiêu là mừng lắm rồi. Có hôm chặt giỏi, kiếm 40 kg đót chứ không ít”, anh Phúc hồ hởi. Cũng theo anh Phúc, không chỉ riêng anh mà cứ đến trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm, bà con làng anh và các xã vùng cao của tỉnh Kon Tum đều đi chặt đót để cải thiện đời sống. Ngoài việc có tiền chi tiêu hàng ngày, tiền bán ra từ đót còn giúp bà con trả nợ mua thịt, gạo ăn Tết; trả nợ mua sách, vở cho con và hàng chục việc khác.

Thấy có tiền, không ít học sinh ở đây cũng tham gia với bố mẹ đi chặt đót kiếm tiền. Chúng tôi gặp em Y Hang ở làng Kon Gu, xã Đăk Blà (TP.Kon Tum) đi chặt đót về. Vai mang gùi đót chừng 10 kg, mồ hôi nhễ nhại, Y Hang cho hay em đang học lớp 7, nhưng do học buổi chiều nên sáng nào em cũng vượt 15 km đi chặt đót, hôm nhiều được 10 kg, ít thì 5-7 kg. “Ít nhưng mỗi ngày được 40.000 - 50.000 đồng cũng đỡ cho bố mẹ lắm. Vì em là chị của hai em nữa, phải phụ giúp gia đình thôi”, Y Hang miệng nói, tay vuốt mồ hôi đang chảy trên gương mặt ngăm đen.

Theo đánh giá của tư thương thì cây đót năm nay đẹp. Tuy nhiên, cây đót ngày càng hiếm dần, phải đi xa mới có đót để chặt. Chị Y Nghiên ở xã Pờ Ê, H.Kon Plông cho hay, trước đây ngày nào chị cũng chặt được 40-50 kg, còn nay chỉ 35 kg/ngày mà phải lặn lội băng rừng xa hàng chục km mới có. Một người mua đót tên là Y Mứt cho rằng, đót năm nay hiếm là do diện tích đất rừng đã dần thay thế bằng những rẫy mì, cao su nên lượng đót cũng theo đó vơi dần mỗi năm.

“Các năm trước, chỉ tháng trước Tết kho nhà tui đã trên dưới 10 tấn đót, còn nay đến giữa tháng Giêng thôi nhưng mua chưa được 10 tấn đót”, bà Y Mứt nói. Tiếp lời, bà Bùi Thị Hạnh, người chuyên thu mua đót ở H.Kon Rẫy cho hay: Các năm trước chỉ mua quanh xã Đăk Tờ Re (H.Kon Rẫy) là đủ hàng, còn năm nay phải gom hàng tại các xã Đăk Ruồng, Đăk Rve (H.Kon Rẫy) và TP.Kon Tum, mới đủ hàng bán cho các chủ hàng mua bán lại cho các tư thương ở tỉnh Quảng Ngãi.

Cây đót ở tỉnh Kon Tum có trữ lượng khá lớn nhưng đến nay trên địa bàn vẫn chưa có những cơ sở chế biến sản phẩm quy mô từ đót, vì vậy cây đót đành phải chấp nhận xuất thô với giá cả bấp bênh. Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re, ông Nguyễn Minh Quang cho biết, nếu có cơ sở chế biến cây đót thì cây đót tại chỗ được tận dụng triệt để, bà con và cả tư thương tại chỗ cũng đỡ vất vả hơn trong việc mua bán bấp bênh. “Tuy nhiên, tại địa phương chưa ai bỏ vốn ra để làm cơ sở chế biến đót”, ông Quang cho hay.

Phạm Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.