Như mọi năm, hầu hết các di tích quốc gia và cổ tự trong thành phố, chẳng hạn hội quán Ôn Lăng, Hà Chương, nhất là các chùa xưa như Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn, Hội Sơn, hoặc nổi danh như Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang, Già Lam, Dược Sư, ngay từ mùng 9, mùng 10 Tết đã rộng cửa sửa soạn đón khách thập phương trong ngày rằm tháng giêng – vốn là một rằm lớn trong năm, là ngày Tết Thượng nguyên cổ truyền ở nước ta. Ít nhất cũng có 24 di tích kiến trúc nghệ thuật trên đất “Sài Gòn – Gia Định xưa và nay” đón bạn. Nhiều thế ! Thôi hãy chọn một nơi, đi thử. Liền đến điện Ngọc hoàng ở Đa Kao, trên đường Mai Thị Lựu nhằm ngày vía trời, mùng 9 Tết, đông không thể tưởng. Nhìn lên tượng Ngọc hoàng cao hơn ba thước, đầu đội mũ bình thiên, gương mặt chữ điền với 4 chùm râu dài, tay cầm lệnh tiễn, bỗng thấy mình nhỏ bé dưới bầu trời quá, mà mây chung quanh là khói trầm, khói hương nghẹt thở. Qua bên hông gian thờ, lọt vào nơi Thập điện Diêm vương, ớn quá, bước ra lại. Trước mắt, chen vai, có nhiều cặp nam nữ đang cầm hương đi tới. Nhìn theo họ, thấy cắm chỗ này một cây, chỗ kia một cây, lẩm bẩm gì đó trước các bài vị Nam Tào – Bắc Đẩu, Hoa Đà tiên sư, Quan Thánh, Tề Thiên, hai thần Nhật Nguyệt. À, có lẽ họ nguyện ăn đời ở kiếp với nhau chẳng dám sai lời. Đình Ngọc Hoàng cũng là nơi những đôi vợ chồng cưới nhau lâu ngày chưa có con dẫn tới cầu tự.Cụ Vương Hồng Sển lúc sinh thời cho biết đây là ngôi cổ tích thờ Ngọc Hoàng xưa nhất của người Hoa tại Sài Gòn, xây trong 12 năm, đến 1906 mới xong, tức lạc thành cách đây đã 99 năm, Pháp gọi là chùa Đa Kao, hoặc: Empéreur de Jade, nay đổi là chùa Pháp Hải.
Xa xa về hướng Chợ Lớn, hai hội quán Ôn Lăng và Hà Chương sẽ có lễ cúng Phúc thần vào 15 âm lịch này. Rằm tháng giêng, trăng tròn sáng lần đầu trong năm (nguyên tiêu); người xưa làm đèn mới treo cao, ca hát, vui chơi. Rằm thang giêng này, bạn đến chùa Vĩnh Nghiêm sẽ tận mắt nhìn thấy ngôi tháp nhiều tầng kiến trúc toàn bằng đá, rất công phu và mỹ thuật, mới làm xong, hiện được xem là tháp đá cao nhất Việt Nam. Bạn đến đình Phú Nhuận là đến ngôi đình cổ nhất vùng “Gia Định xưa”, ở đó ngày rằm tháng giêng bạn sẽ có dịp xem các cụ, các bác chuẩn bị nghi lễ cúng Kỳ Yên, xây chầu, hát bội, sắm sửa thượng kỳ, rước sắc cho ngày 16 âm lịch ra sao. Các lễ cúng dân gian cổ truyền Nam bộ này chỉ diễn ra tại đình Phú Nhuận mỗi năm một lần duy nhất. Nếu đến chùa Giác Lâm là bạn đã đặt chân vào một cổ tự lâu đời nhất tại TP Hồ Chí Minh, ở đó có nhiều tượng cổ rất quý, có tháp các Tổ, mộ danh nhân Ngô Nhơn Tịnh mới dời về an lập giữa năm qua. Nếu và nếu, nhiều lắm, nhiều “cái nhất” hiện ra dưới nguyệt, ngang đây xin dừng lại ở chùa Phật-cô-đơn tức Bát Bửu Phật đài tại xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh) được không? Ở đó, các bạn thương nhau nhớ đến trước tượng Di Lặc để nhận của ngài một “nụ cười vĩnh cửu”, để không bao giờ buồn nhau nữa và để “lòng mình mãi mãi thanh xuân”.
Giao Hưởng
Bình luận (0)