Thời gian gần đây, nhiều khách hàng nhất là các bạn gái, thường rủ nhau đi săn hàng thùng 'xịn'. Họ tin rằng đó là những sản phẩm hàng hiệu mới được bán với giá… rất hời.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, người bán không “dại” gì để người mua có được giá hời như thế và phần lớn là những chiêu biến hàng dỏm… thành hàng xịn. Còn hàng xịn thật sự sẽ được “thay tên đổi họ” thành… hàng xách tay.
Mê hàng cao cấp… giá thấp
“Nhắc đến hàng thùng, người ta nghĩ ngay đến hàng si đa, hàng xài rồi nhưng trong đó cũng lẫn những sản phẩm hoàn toàn mới, nguyên mác, giá bán chỉ bằng khoảng 50% ở shop chính hãng bên ngoài”, bạn Trần Thanh Quyên làm việc tại Q.1 (TP.HCM) cho biết. Quyên thường hay ra khu bán hàng thùng thuộc loại… cao cấp ở chợ Tân Định và một số cửa hàng trên đường Đinh Công Tráng (Q.1) lùng tìm. Quyên cho biết hàng về thường xuyên nhưng phải vài tháng mới tìm được một hai cái ưng ý. Hàng thùng xịn bình thường đã ít mà để tìm được cái thuộc size XS (hợp với phụ nữ VN) càng khó hơn. “Em và mấy đứa bạn vẫn chịu khó đi tìm, vì form váy áo và chất liệu vải rất đẹp. Trước đây, không có nhiều tiền thì mua hàng thấp cấp hơn ở chợ Bàn Cờ, chợ Bà Chiểu chỉ khoảng hơn 100.000 đồng/cái, còn nay có điều kiện hơn thì có thể chọn những loại cao cấp hơn và tìm hàng mới”, Quyên cho biết thêm.
|
Áo sơ mi nam và quần jeans hiệu cũng được các bạn nam tìm mua, có giá bán cũng chỉ bằng khoảng 50% so với các shop. Bạn Nguyễn Thành Nam, làm việc tại một công ty du lịch ở Q.1 tự nhận mình là một trong những tín đồ hàng thùng khi gặp PVTNTS tại một shop hàng thùng trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Nam chia sẻ: “Từ lúc đi làm đến nay, em rất thích xài hàng thùng vì ngoài dáng áo đẹp và vải mặc mát thì em còn có thể tạo dựng phong cách riêng. Nếu mua hàng hiệu với giá lên đến vài triệu thì “hầu bao” không cho phép. Thời gian gần đây, em có nghe những người mê hàng thùng mách nhỏ với nhau về những sản phẩm cao cấp, còn mới nguyên nhưng chưa bao giờ mua được”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần hàng này có nguồn gốc từ Campuchia, được các đầu nậu mang về. Họ sang các kho ở Campuchia lấy hàng. Các kho này thường có nhiều dạng hàng. Một là loại được phân sẵn từ hàng bình dân đến cao cấp. Hai là loại được bán nguyên bao cả trăm ký và có nhiều loại trong đó, giá từ 300 - 400 USD/bao. Nếu hên gặp được nhiều hàng xịn thì chuyến đó lời. Còn thông thường trong mỗi bao chứa khoảng 550 - 700 chiếc áo, trong đó khoảng 60 chiếc giá chừng 70.000 - 80.000 đồng/cái, 100 chiếc giá 50.000 - 60.000 đồng/cái và khoảng 100 chiếc có giá tầm khoảng 30.000 đồng/cái, còn lại là hàng rất thấp cấp, thuộc dạng bán đổ đống ngoài đường với giá từ 10.000 - 30.000 đồng/cái. Sau khi chuyển về nước, các đầu nậu sẽ bỏ hàng ra cho các cửa hàng bán lẻ, họ bán ra với giá cao hơn một chút. Mỗi chuyến buôn như vậy, mỗi đầu nậu có lượng hàng trị giá từ khoảng 4.000 - 8.000 USD. Trong đó, sẽ có một lượng rất ít hàng mới được gọi là hàng thùng xịn, về VN bán ra với giá bằng một nửa giá hàng hiệu tại các cửa hàng chính hãng hoặc “thay tên đổi họ” thành hàng xách tay với giá bán cao ngất ngưởng.
|
Hàng dỏm… lên đời
Theo tiết lộ của M.T.H, một người hoạt động trong giới buôn hàng thùng nhiều năm, thời gian gần đây nhiều chủ shop “nắm” được nhu cầu ngày càng cao của giới trẻ thích xài hàng hiệu rẻ tiền, đã dùng “chiêu” biến hàng dỏm thành hàng cao cấp.
M.T.H lý giải: “Nếu là hàng hiệu còn mới nguyên mác thì không dại gì các chủ nậu bán ra như hàng thùng xịn, mà họ sẽ biến nó thành hàng xách tay, và các shop bán ra giá bằng khoảng 60 - 70% so với hàng chính hãng. Và họ thuê người giặt thật kỹ, thay nút áo và gắn mác giả mà họ đặt mua ở Quảng Châu (Trung Quốc) sắc sảo không khác gì mác hàng hiệu thật. Người trong nghề còn lầm nói chi là khách hàng”.
|
Theo M.T.H, cách phân biệt là người mua hãy nhìn vào 2 điểm: cổ áo và khuy nút áo. Với các loại áo thuộc hàng thùng xịn, khi nhìn kỹ vào giữa cổ (nơi thường bị dính bẩn, xỉn màu) sẽ thấy nơi đó hơi cũ hơn một chút so với vải viền cạnh cổ áo và hơi bị sờn. Khuy áo trên cùng của áo sẽ bị lỏng. Nút áo xỉn màu có thể thay bằng nút mới hơn nhưng với độ lỏng của khuy áo trên cùng thì không cách nào khắc phục được. Còn với quần jeans, nhìn vào lai quần, dù có được giặt kỹ và đến đâu và ủi thẳng đến mức độ vào thì vẫn còn vết hằn ở nơi lai quần. Đa phần hàng này có nguồn gốc từ châu Âu và Mỹ. Người dân ở nơi đây mặc đồ lâu sờn màu hơn ở VN vì do khí hậu bên đó khô ráo, một cái quần họ có thể mặc vài ngày mới giặt nên lâu sờn hơn ở VN. Nhưng lai quần thì chắc chắn sẽ bị hằn vết.
Là một người có nhiều năm nhận giặt đồ… si đa từ các chủ đầu nậu mang về trước khi đưa ra shop bán, cô P.T.H.T cũng đồng ý với cách nhận diện nói trên. Theo cô P.T.H.T, đa phần hàng mang về có màu hơi ố, nhất là áo trắng, họ sẽ mang đến các điểm giặt thuê và yêu cầu tẩy trắng đến mức cao nhất có thể. “Vậy là tôi cứ đổ xà phòng và nước tẩy vào, tẩy càng trắng họ càng ưng. Nên lúc nào giặt tôi cũng đều phải dùng bao tay nếu không bị hỏng da tay hết”. Tuy nhiên, có tẩy trắng đến mấy thì vẫn không xóa được “dấu vết” là hàng cũ từ độ sờn trên cổ áo, lỏng khuy ở nút trên cùng.
Bình luận (0)