Điểm mấu chốt của rủi ro đạo đức chính là con người. Mà con người trong ngành ngân hàng (NH), từ các vị trí cao cấp cho tới nhân viên bình thường, không trực tiếp thì gián tiếp đều tiếp xúc với tiền, với các tài sản quý cũng như các cơ hội để "làm tiền". Vì thế, rủi ro đạo đức không chỉ xảy ra nhiều mà còn "muôn hình vạn trạng". Từ việc đòi "lại quả" các hợp đồng vay; móc ngoặc để thiết kế các hợp đồng dưới chuẩn; nâng khống giá trị tài sản thế chấp, tự ý lấy sổ tiết kiệm của khách mang thế chấp ở NH khác... rất khó kiểm soát. Điểm lại các vụ vi phạm nổi cộm trong ngành NH những năm qua, đa số đều có sự tiếp tay của cán bộ NH... Điều này rất nguy hiểm, bởi rủi ro đạo đức trong hoạt động của các NH không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống, đến cả nền kinh tế, cả đất nước. Chúng ta đã từng chứng kiến người dân kéo đến NH này, nhà băng kia rút tiền khi nghe thấy những thông tin tiêu cực, thậm chí ngay cả khi đó là chỉ là tin đồn không căn cứ. Thế nhưng thực tế, vấn đề đạo đức ở nhiều NH vẫn chưa được coi là tiêu chí quan trọng ở cả đầu vào là tuyển dụng lẫn đầu ra là khi đánh giá kết quả công việc của từng nhân viên. Do nhu cầu mở rộng quy mô hay do đặt chỉ tiêu kinh doanh quá cao, các NH luôn trong tình trạng cạnh tranh thu hút nhân lực bằng mọi giá. Năm nay cũng không ngoại lệ, suốt những tháng qua các nhà băng rầm rộ tuyển người. NH nhiều thì vài ngàn, ít cũng vài trăm người..., trong khi công tác đào tạo, huấn luyện cho đến việc tạo ra môi trường chuyên nghiệp, lành mạnh... ít được nói đến. Trong bối cảnh đó, nguy cơ rủi ro về đạo đức lại được để ngỏ.
Nhưng "nghề buôn tiền" đã và đang thay đổi rất nhiều. Nếu trước kia, người ta gửi tiền có thể chỉ vì NH đó nằm ngay đầu ngõ, vì lãi suất của nhà băng đó nhỉnh hơn, vì nghe người này người kia giới thiệu... thì hiện nay, việc chọn nơi gửi tiền được cân nhắc rất kỹ về thương hiệu, uy tín. Thế mới nói, kinh doanh NH chính là kinh doanh niềm tin. Nếu không có niềm tin thì đừng nói đến chuyện huy động vốn của người dân, doanh nghiệp...
Vì vậy, bên cạnh việc nâng cấp, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ cụ thể, chi tiết; tăng cường hoạt động nghiệp vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra trong nội bộ và trong toàn hệ thống; đảm bảo sự minh bạch và thông suốt thông tin, thì việc xây dựng và áp dụng các bộ quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp để ngăn chặn rủi ro đạo đức là vấn đề mà các NH phải đặc biệt chú trọng nếu muốn xây dựng niềm tin với khách hàng và phát triển bền vững.
Bình luận (0)