Tại khu vực bến đò Phú Thuận trên sông Thu Bồn kết nối lưu thông đường thủy qua 2 xã Đại Thắng (H.Đại Lộc) và Duy Hòa (H.Duy Xuyên), mỗi ngày có chuyến đò ngang vận chuyển hàng trăm lượt khách qua lại. Có thời điểm khách qua lại làm ăn, buôn bán, thăm người thân... lên đến cả ngàn lượt, nhất là dịp cận tết vừa qua.
8 giờ sáng, hàng chục người và phương tiện chen chúc nhau trên con đò bề ngang chỉ khoảng 2 m, dài 5-6m. Con đò tròng trành vì sức nặng của người, xe cộ, quang gánh và vì dòng nước chảy xiết. Thế nhưng chủ đò không cấp phát và nhắc nhở khách phải mặc áo phao, trong khi các loại áo phao bó lại đặt sẵn trên thuyền. “Những ai cần thiết mới lấy hoặc khi mùa mưa bão mới nhắc, chứ bình thường thì không bởi qua lại đoạn sông chỉ mất vài phút thôi”, chủ đò N.T.N. giải thích.
Việc trang bị áo phao gần như chỉ để cho có và mang tính đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra. H., một người đi đò, quay sang nói nhỏ: “Tôi ngày nào cũng qua lại trên chiếc đò này, nhưng chưa bao giờ được chủ đò yêu cầu mặc áo phao. Nhiều lúc tôi cũng muốn hỏi sao không nhắc nhở hành khách mặc áo phao, nhưng lại ngại người ta… cười, đành tặc lưỡi cho qua”.
Nhiều người vẫn còn nhớ tình cảnh đau thương bao trùm trên ngôi làng nhỏ Ái Mỹ, xã Đại Cường (H.Đại Lộc) bên dòng sông Vu Gia khi xảy ra vụ chìm đò hồi đầu tháng 2.2020, với 6 người trong một gia đình đuối nước. Ba tháng sau, thêm một vụ chìm đò ở khu vực gần cầu Cửa Đại (địa phận xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên) khiến 5 người chết. Những cái chết thương tâm, đau lòng đều có nguyên nhân khách đi thuyền không mặc áo phao.
Dọc sông Thu Bồn, Vu Gia hiện vẫn còn nhiều phương tiện đò ngang phục vụ người dân qua lại giao thương, sinh hoạt do chưa có điều kiện đầu tư xây dựng cầu. Nhưng điều đáng lo ngại là nhiều chủ đò lại không “quan tâm” đến việc chấp hành quy định trang bị phương tiện bảo hộ, cứu nạn cứu hộ như phát áo phao cho người đi đò.
Chưa kể không ít người dùng ghe, thuyền qua lại để lao động sản xuất, giải quyết nhu cầu cá nhân nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng; tất nhiên họ cũng không trang bị áo phao hoặc phương tiện cứu hộ. Ông Lê Hữu Vương, Trưởng công an xã Đại Thắng (H.Đại Lộc), cho biết hiện bến đò Phú Thuận có 2 đơn vị khai thác đối lưu ở phía xã Duy Hòa (H.Duy Xuyên) và xã Đại Thắng thông qua đấu thầu. “Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần nhắc nhở kiểm tra và hướng dẫn các chủ đò chấp hành các quy định về mặc áo phao, trang bị phương tiện bảo hộ, cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, khi không có lực lượng chức năng thì chủ đò cũng như người dân tỏ ra chủ quan, không chấp hành quy định. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của chủ đò và người tham gia giao thông còn hạn chế”, ông Vương nói.
Theo ông Vương, công an xã không đủ thẩm quyền để xử phạt và hiện Đội CSGT đường thủy (Công an huyện) phối hợp với lực lượng công an xã tuyên truyền, nhắc nhở chủ đò cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Bình luận (0)