Thị trường ảm đạm
Ngày 14.12, giá USD trên thị trường tự do có xu hướng chững lại, giảm 20 - 30 đồng/USD, còn 23.250 - 23.300 đồng. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng chậm hơn so với trước đó, chỉ khoảng 20 - 30 đồng, giá mua bán USD tại Vietcombank lên 22.670 - 22.750 đồng; tại Eximbank lên 22.660 - 22.760 đồng...
Giá vàng thế giới hôm qua đứng ở mức 1.161,6 USD/ounce, không biến động nhiều so với phiên trước đó. Giá vàng SJC cũng chỉ tăng 100.000 đồng (trong khi phiên trước đó tăng đến 210.000 đồng/lượng), giá mua bán ở mức 36,1 - 36,6 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức bất thường, lên 4,75 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng) và khoảng cách giữa giá mua - bán đẩy lên tới nửa triệu đồng một lượng.
Tuy nhiên, thị trường vàng VN ngày hôm qua không biến động mà “sóng yên biển lặng” trước cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Chủ một cửa hàng vàng tại Q.5 (TP.HCM) cho biết trong khi mảng vàng trang sức vẫn khá nhộn nhịp do thời điểm này cận kề mùa cưới, thì ở thị phần vàng miếng SJC, khách chủ yếu là nghe ngóng thông tin. Người mua vàng khá thận trọng khi giá trong nước và thế giới đang ở mức chênh lệch bất thường vào những ngày gần đây.
Ông Trương Công Nhơn, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, cho biết lượng khách đến giao dịch hôm qua vẫn bình thường, không biến động so với thời gian trước. Còn đại diện của Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji nhận định tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường vàng đang phấp phổng chờ đợi thông tin liệu Fed có tăng lãi suất hay không, nên tạm ngưng giao dịch trong ngày mà chủ yếu là các hoạt động mua bán nhỏ lẻ thăm dò thị trường.
“Lượng người mua nhiều hơn, chiếm tới 60% trong tổng giao dịch so với người bán. Trên thị trường thế giới, các nhà đầu tư lướt sóng vàng cũng thực hiện thoát trạng thái mua hay bán trước thời điểm Fed tăng lãi suất USD. Có thể nói, thị trường vàng giao dịch ảm đạm trong bối cảnh chờ đợi thông tin. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất thì đây là lần đầu tiên trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nếu điều này diễn ra, đồng USD tăng giá sẽ tạo áp lực làm vàng giảm giá nên không ai dám mua vàng vào thời điểm này”, ông phân tích.
Lý giải về sự “lệch pha” giữa giá vàng trong và ngoài nước, vị đại diện Doji cho rằng kinh doanh trong bối cảnh giá như hiện nay, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhất là trước thời điểm Fed công bố việc có tăng lãi suất USD hay không - yếu tố sẽ tác động mạnh tới giá vàng. Vì vậy, các doanh nghiệp đều không dám đầu cơ giá cao mà thiên về cân đối giao dịch. Nếu bán vàng ra thì ngay sau đó phải mua vào. Tuy nhiên, do thị trường đang khan hiếm nguồn cung nên việc bán ra cũng khá hạn chế vì sợ mua vào không được hoặc phải mua với mức giá cao hơn.
Rủi ro “ôm” vàng
|
“Người kinh doanh vàng hiểu rằng chênh lệch thực tế trong nước và thế giới không cao đến mức đó. Nếu giá vàng giảm đột ngột, họ sẽ lỗ lớn. Vì vậy, họ kéo giá mua xuống thấp, giãn giá mua giá bán rộng ra để phòng thủ. Mua vàng trong tình cảnh này, người tiêu dùng sẽ bị, rủi ro lớn”, ông nhận định.
Một chủ tiệm vàng lâu năm ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết đang lo lắng về lượng cầu tăng cao đẩy giá vàng trong nước quá cao so với giá thế giới. Ông nói: “Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến mùa cao điểm của thị trường vàng nữ trang, đặc biệt là thời điểm trước tết và ngày Thần Tài sau Tết âm lịch nên các đơn vị sản xuất vàng rất cần nguồn nguyên liệu. Vì khan hiếm nguyên liệu, không loại trừ khả năng các đơn vị sản xuất mua lại vàng miếng SJC để nấu, góp phần khiến nhu cầu vàng tại thời điểm giá cao tăng lên”. Lý giải này không thuyết phục trong bối cảnh vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới cũng như giá vàng nữ trang nhưng ông chủ tiệm vàng giải thích, đúng là mua vàng miếng SJC làm vàng nguyên liệu sẽ rủi ro cao về giá.
Tuy nhiên vào thời điểm gần tết và ngày Thần Tài, người tiêu dùng mua vàng bất cứ giá nào để cầu may. Các tiệm vàng sẽ tăng tiền công và tiền hột trên sản phẩm vàng nữ trang để bù vào phần chênh lệch này. Người tiêu dùng có nhu cầu mua sản phẩm nữ trang từ 3 phân đến 2 chỉ khá lớn nên không những đủ bù đắp phần chênh lệch giá mà tiệm vàng còn có lời.
Ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng phân tích - Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), đánh giá thị trường vàng trong nước đang thiết lập mặt bằng giá mới và nhà đầu tư không nên mua ở mức giá hiện tại khi chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước đã đến mức cao. “Trong trường hợp giá thế giới giảm, giá vàng trong nước giảm chậm hoặc không phản ứng, người mua không có cơ hội mua giá tốt. Điều này đã từng xảy ra khi giá vàng thế giới liên tục tăng nhưng giá vàng trong nước chỉ lình xình ổn định quanh mức 32 - 33 triệu đồng/lượng trong thời gian dài”, ông nói.
TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh - Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận xét vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố sẽ can thiệp thị trường vàng. Nếu điều này xảy ra, ngay lập tức vàng sẽ giảm giá sâu khi những người đang có vàng sẽ tranh thủ bán để được mức giá cao. Đại diện Doji cũng cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng, giá sẽ “chùng” xuống ngay. Trong tình cảnh giá vàng đang ở mức “nóng”, người dân không nên mua vàng thời điểm này vì quá rủi ro. Một số dự báo giá vàng thế giới có thể giảm về mức thấp nhất 1.100 USD/ounce, dù giảm ít hay nhiều, giá vàng trong nước lúc đó cũng sẽ giảm theo.
Ông Dương Anh Vũ cho rằng: Tại thời điểm Fed tăng lãi suất vào ngày 15.12, giá vàng thế giới sẽ ít có biến động bởi thông tin này đã phản ánh vào giá trong giai đoạn từ mức giá 1.320 USD/ounce xuống đến mức 1.157 USD/ounce. Nhưng về lâu dài, giá vàng thế giới sẽ giảm. Đó là rủi ro lớn cho những người nhảy vào ôm vàng ở thời điểm này.
|
Bình luận (0)