Chiều 14.7, anh H.V đến tòa soạn Báo Thanh Niên kêu cứu về trường hợp của mình. Cụ thể, tháng 4.2015, anh ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn chương trình đầu tư EB-5 với với một công ty với mức phí dịch vụ là 389,34 triệu đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng, anh H.V phải chuyển trước 50%, tương ứng 194,67 triệu đồng cho công ty tư vấn. Số tiền còn lại sẽ chia làm 2 đợt. Bên cạnh đó, anh cũng ký hợp đồng tư vấn riêng với luật sư ở Mỹ với số tiền phí 13.500 USD (khoảng 300 triệu đồng). Như vậy, tổng số tiền anh đã chuyển trả là hơn 500 triệu đồng.
Dừng hồ sơ, không được trả phí
Sau khi chuyển tiền xong, anh được công ty tư vấn hướng dẫn kê khống giá tài sản sẽ bán từ 7 tỉ đồng lên 12,5 tỉ đồng để chứng minh đủ nguồn tiền đầu tư và phí quản lý dự án theo yêu cầu là 550.000 USD. Đồng thời, công ty tư vấn làm văn bản chứng minh thu nhập thông qua một hợp đồng lao động, xác nhận mức lương cao với một công ty dù thực tế anh H.V không làm việc tại công ty này.
|
Đáng nói là trong khi chờ làm các thủ tục chứng minh nêu trên thì công ty liên tục thúc giục anh H.V chuyển đủ số tiền đầu tư 550.000 USD (thông qua hợp đồng cho vay với một công ty ở VN). Chính điều này đã khiến anh lo ngại và quyết định ngưng, không tiếp tục làm hồ sơ EB-5 nữa.
Phía luật sư Mỹ chấp nhận việc anh H.V ngừng hợp đồng và đã hoàn trả lại cho anh số tiền 8.450 USD, sau khi đã liệt kê và trừ đi chi phí cho một số việc đã thực hiện là 5.050 USD. Thế nhưng, phía công ty tư vấn vẫn chưa chịu trả lại phí và cho biết hợp đồng giữa hai bên vẫn còn tiếp tục hiệu lực. “Trước khi giao kết hợp đồng, công ty không tư vấn cho tôi về thủ tục đầu tư ra nước ngoài và thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài. Tôi bất ngờ với sự hướng dẫn của công ty tư vấn về cách chứng minh thu nhập không đúng sự thật và chuyển tiền lòng vòng, chi phí rất cao và thông qua nhiều giao dịch giả tạo. Nhưng khi khách hàng có thắc mắc và không yên tâm với những hồ sơ thủ tục đó thì công ty tư vấn lại đổ trách nhiệm cho khách hàng là đã phải nghiên cứu kỹ việc đầu tư trước khi ký hợp đồng. Đây là việc làm thiếu trách nhiệm, phủi bỏ mọi nghĩa vụ của công ty với khách hàng”, anh H.V bức xúc nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, không phải ai có tiền cũng chứng minh được nguồn gốc theo quy định của chính phủ Mỹ. Đặc biệt với những người không phải là doanh nhân, chủ doanh nghiệp có quá trình kinh doanh lâu dài để tích lũy được tài sản lớn thì khó chứng minh nguồn gốc số tiền gần 13 tỉ đồng. Hơn nữa, các công ty tư vấn thường chỉ đưa ra mức phí tối thiểu trong khi chi phí thực tế có khi tăng lên gấp đôi so với số tiền đã được tư vấn. Điều này càng khiến nhà đầu tư bị chới với, nhưng muốn bỏ ngang thì sẽ bị mất hết số tiền đã bỏ ra.
“Còn đối với việc thực hiện chương trình lao động định cư, công ty tư vấn cần phải có giấy phép về xuất khẩu lao động hay giấy phép tương tự mới có thể thay mặt để tuyển lao động cho đối tác nước ngoài. Cũng giống như bán hàng, tư vấn sẽ che giấu rủi ro trong quá trình thực hiện EB-5 hay EB-3 mà chỉ nêu ra lợi ích. Như vậy mới có người tham gia. Đó chính là rủi ro lớn nhất cho khách hàng”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Công ty tư vấn chỉ làm trung gian, ăn phí
Khi nói về mức phí, quy trình thực hiện hồ sơ định cư nước ngoài theo dạng đầu tư hay lao động của các công ty tư vấn tại VN, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhấn mạnh: “Khi thực hiện chương trình EB-5, các luật sư ở Mỹ thường phải là những người có kinh nghiệm lâu năm, làm việc ở các công ty luật có kinh nghiệm và có giấy phép về dịch vụ pháp lý về luật Kinh doanh và Đầu tư di trú. Mức phí mà các công ty này đưa ra trọn gói để làm một bộ hồ sơ EB-5 tối đa cũng chỉ 20.000 USD. Trong khi đó ở VN, các công ty tư vấn đều chỉ có giấy phép hoạt động tư vấn đầu tư, không am hiểu rõ về pháp lý của cả VN lẫn Mỹ và thực chất đó chỉ là đơn vị trung gian”.
Luật sư Hậu khẳng định: Quy định của các nước về quy trình thủ tục, hồ sơ di dân rất nghiêm và chặt chẽ thông qua nhiều bước, nhiều cơ quan xét duyệt. Nhưng các công ty môi giới ở VN không có kinh nghiệm nên tư vấn bậy. Ví dụ như người đi lao động cũng cần phải có chứng chỉ nghề. Còn với những việc như làm trong nhà hàng, nhà máy... tại Mỹ thì số lượng tuyển dụng chỉ hạn chế nên không thể tuyển ồ ạt. Hơn nữa, công ty tư vấn đã lấp liếm, không giới thiệu rõ ràng về điều kiện kèm theo, về quy trình bắt buộc chứng minh nguồn gốc số tiền để trả lời rõ ràng câu hỏi: Ở đâu có số tiền 500.000 USD? Do đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng khách hàng chỉ nên nghe tư vấn để tham khảo và không đặt hết niềm tin cũng như giao số tiền lớn cho các đơn vị tư vấn trong nước.
TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận xét: 90% công ty tư vấn “tào lao” khi bỏ qua các rủi ro mà chỉ nói đến lợi ích của khách hàng để lôi kéo, xúi giục họ tham gia hòng thu được tiền phí. Trong khi đó, có nhiều người thiếu kiến thức về pháp lý, thiếu kiến thức về đầu tư tài chính nên không xem xét kỹ các vấn đề liên quan đến quy trình, hồ sơ, thủ tục pháp lý như chứng minh tài chính, việc chuyển tiền như thế nào... “Pháp luật còn đang lỏng lẻo đối với hoạt động tư vấn đầu tư. Vì vậy đã có rất nhiều rủi ro cho người dân khi hàng loạt công ty tư vấn đầu tư ra đời nhưng toàn “xui” người khác làm chuyện trái pháp luật như đầu tư vàng trên sàn, huy động vốn trá hình... Cần có quy định chi tiết đối với việc thành lập công ty và hoạt động tư vấn đầu tư nhằm siết chặt hơn loại hình hoạt động này để tránh cho người dân bị mất tiền oan”, TS Bùi Quang Tín nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Các nhân viên tư vấn chỉ lo chăm chăm giới thiệu lợi ích và ăn hoa hồng cao, đẩy hết mọi rủi ro và trách nhiệm cho khách hàng. Nếu có rủi ro về mất tiền, về pháp lý thì công ty tư vấn sẽ chối bỏ hết trách nhiệm và khách hàng phải hoàn toàn gánh chịu dù đã trả một cái giá trên trời.
|
Bình luận (0)