Rủi ro nhượng quyền thu phí từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Mai Hà
Mai Hà
12/05/2022 19:02 GMT+7

Rủi ro từ câu chuyện nhượng quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh khi doanh nghiệp này vướng vào vòng lao lý cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý, khai thác cao tốc hiện nay.

Tại tọa đàm quản lý cao tốc theo hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) hôm nay 12.5, rủi ro nhượng quyền cao tốc TP.HCM - Trung Lương được nhiều chuyên gia nhắc lại.

Trước đó, năm 2013, Công ty Yên Khánh nhận chuyển nhượng quyền thu phí tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong vòng 5 năm, với giá trị hơn 2.000 tỉ đồng, tương đương 20% tổng mức đầu tư dự án.

Vụ tai nạn giao thông làm ùn tắc giao thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngày 29.4

bắc bình

Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách tại Việt Nam áp dụng hình thức chuyển nhượng quyền thu phí.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nhượng quyền là Công ty Yên Khánh sau đó đã bị xác định vi phạm, che giấu doanh thu thu phí hơn 725 tỉ đồng và phong tỏa, kê biên tài sản của doanh nghiệp.

Vụ việc trên cho thấy những bất cập, khoảng trống pháp lý trong hợp đồng quản lý đường cao tốc theo hợp đồng O&M dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, do việc nhượng quyền tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương triển khai trong bối cảnh thiếu hành lang pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP, đặc biệt là quy định về hợp đồng O&M, nên dẫn đến các vi phạm về quy định pháp luật.

Sau khi hết hạn hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dừng thu phí và nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập như khó khăn trong bố trí nguồn vốn quản lý, bảo trì; lưu lượng phương tiện gia tăng, vận tốc khai thác giảm (chỉ đạt bình quân 60 - 70 km/giờ, trong khi đó trước thời điểm dừng thu phí, vận tốc trung bình là 100 km/giờ); tai nạn giao thông tăng cao; tình trạng ùn tắc thường xuyên vào giờ cao điểm và các ngày nghỉ lễ…

Ông Mười cho biết dự kiến đến hết năm 2025, toàn quốc có thêm khoảng 1.675 km từ vốn ngân sách với tổng vốn đạt hơn 315.000 tỉ đồng. Hiện Bộ GTVT đã xây dựng và trình Chính phủ đề án “Thu hồi vốn đầu tư của nhà nước đối với các đoạn đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông".

Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để có thể triển khai thu phí trên các dự án đường bộ cao tốc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trong giai đoạn tiếp theo. Ông Mười cũng đề xuất cần đánh giá, rút kinh nghiệm từ tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương khi triển khai đồng loạt các dự án khác.

Đấu thầu quyền thu phí

Đại diện Công ty Taiyu Việt Nam cho biết kinh nghiệm nhượng quyền thu phí cao tốc từ Nhật Bản là mở thầu công khai, nhận đề xuất từ nhiều ứng viên. Hội đồng tuyển chọn sẽ đánh giá hồ sơ, sau đó chọn ứng viên vào vòng đàm phán dựa theo nhiều tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm.

Cao tốc Bắc - Nam được đầu tư bằng vốn ngân sách rất lớn

VEC

Các đơn vị được nhận quyền vận hành thực hiện hợp đồng trong khoảng 30 năm, trả tiền một phần cho nhà nước, số còn lại được trả góp. Các công ty đường bộ dùng số tiền này để bù đắp chi phí xây dựng cao tốc trước đó.

Công ty được nhượng quyền có thể tăng lợi nhuận từ kinh doanh trạm dừng nghỉ, tổ chức sự kiện để thu hút phương tiện lưu thông, giảm chi phí quản lý, bảo trì...

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI), đề xuất nhà nước đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp O&M có năng lực, có thể giao cho công ty tư nhân đảm nhiệm thu phí, vận hành cao tốc. Đơn vị này không chỉ thu phí chính xác, không để thất thoát mà còn điều tiết đảm bảo trật tự giao thông, cứu nạn cứu hộ và bảo trì thường xuyên để đường không xuống cấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.