Theo Bộ Tài chính, tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến cuối năm 2010 đã vượt 32,5 tỉ USD, tương đương với 42,2% GDP và tăng 4,6 tỉ USD so với năm trước đó. Nợ nhiều, đương nhiên trả lãi cũng tăng lên. Theo đó, tổng lượng tiền mà ngân sách phải trả các đối tác nước ngoài năm 2010 là 1,67 tỉ USD (riêng tiền lãi và phí là hơn 616 triệu USD), tăng gần 30% so với con số 1,29 tỉ USD của năm 2009. Đặc biệt, lãi vay của các khoản nợ công của VN đang có xu hướng tăng lên. Khoản vay có lãi suất cao từ 6 - 10% một năm trong năm 2010 cũng đã lên tới 1,89 tỉ USD, gấp hơn 2 lần năm 2009.
Những con số trên đưa đến nhiều lo ngại về nợ công. Trực diện nhất là vay nhiều hơn, lãi cao hơn nhưng hiệu quả kém khiến rủi ro của các khoản vay cao hơn. Một rủi ro đáng lưu ý khác là trong khi khoản nợ nước ngoài tăng lên thì dự trữ ngoại hối của VN lại giảm đi. Cụ thể, tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối so với dư nợ ngắn hạn đến cuối năm 2010 chỉ còn đạt 187%, cách biệt xa so với năm 2007 là khoảng trên 10%.
Vấn đề nợ công đang trở nên nóng bỏng trên toàn cầu mà đỉnh điểm là cuộc "mặc cả" giữa Quốc hội và Chính phủ Mỹ để nâng trần nợ công, cứu "người khổng lồ" Mỹ ra khỏi nguy cơ vỡ nợ. Đẩy Mỹ tới bờ vực này là khoản nợ công lên tới 100% GDP. Tại VN, nếu cứ theo đà tăng khoảng 5%/năm (mức tăng trung bình từ năm 2007 đến nay) thì chỉ khoảng 8 năm nữa, nợ công của VN sẽ là 100% GDP.
Điều đáng lo hơn không hẳn nằm ở tỷ lệ nợ công/GDP mà là chất lượng đầu tư của các khoản vay. Hay nói cách khác, chất lượng đầu tư công mới quyết định sự an toàn hay rủi ro của nợ công. Mà đầu tư công kém hiệu quả lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối tại VN. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra tình trạng lạm phát đang hoành hành hiện nay. Nghị quyết 11 của Chính phủ đã và đang quyết liệt cắt giảm đầu tư công. Tuy nhiên, hiệu quả cắt giảm chưa cao là một trong những nguyên nhân khiến các giải pháp kiểm soát lạm phát không phát huy được tác dụng. Đã đến lúc, không chỉ là hô hào, việc cắt giảm đầu tư công phải được thực hiện quyết liệt hơn đồng thời với việc nâng cao chất lượng đầu tư công. Bởi việc này không chỉ làm giảm áp lực lạm phát mà còn hạn chế rủi ro của các khoản nợ công.
Như vậy cả về số lượng và chất lượng, nợ công của Việt Nam đang đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng có biện pháp xử lý nếu không muốn để xảy ra những điều đáng tiếc như nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)