Căng thẳng không ngừng
Hôm qua 29.3, tờ South China Morning Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố nước này không tìm kiếm một cuộc chiến hay rắc rối ở Biển Đông nhưng sẽ không bị buộc phải im lặng, khuất phục.
Tuyên bố này cho rằng: "Các tuyên bố gần đây của Trung Quốc cho thấy sự cô lập của họ với phần còn lại của thế giới về "các hoạt động bất hợp pháp và thiếu văn minh" của họ ở Biển Đông. Nó cũng cho thấy sự bất lực của chính phủ Trung Quốc trong việc tiến hành các cuộc đàm phán công khai, minh bạch và hợp pháp. Hành xử của họ chỉ là thái độ kẻ cả và đe dọa các nước nhỏ".
Đây là động thái đáp trả việc người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa lên tiếng cáo buộc Philippines có "hành động khiêu khích, thông tin sai lệch và phản bội" sau khi Manila cáo buộc Bắc Kinh có hành vi hung hăng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngày 28.3, Bắc Kinh cảnh báo Manila phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ quan hệ. Trung Quốc cũng yêu cầu Philippines "chấm dứt hành động xâm phạm và khiêu khích".
Liên quan căng thẳng hai bên, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 28.3 nhấn mạnh Manila sẽ thực hiện các biện pháp chống lại "các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hăng và nguy hiểm" của hải cảnh Trung Quốc.
Căng thẳng giữa hai bên nổ ra sau khi Manila và Bắc Kinh có một loạt cuộc đối đầu gần Bãi Cỏ Mây, ở quần đảo Trường Sa, khi Philippines tiến hành tiếp tế cho một nhóm binh sĩ đang bảo vệ một tàu chiến mục nát bị mắc cạn (một cách cố tình) tại rạn san hô trên từ nhiều năm nay để phục vụ tuyên bố chủ quyền tại khu vực này. Hai bên đều đổ lỗi lẫn nhau trong các cuộc đối đầu gần đây giữa hai bên ở khu vực trên. Trong một cuộc đối đầu mới đây với hải cảnh Trung Quốc, binh sĩ Philippines bị thương và tàu tiếp tế Philippines đã bị hư hại. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã điều động trực thăng gây sức ép khi một nhóm nhà khoa học Philippines thị sát tại một thực thể gần đảo Thị Tứ ở Trường Sa gần đây.
Rủi ro tăng cao
Trả lời Thanh Niên ngày 29.3, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) lo ngại: "Căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc là mối lo ngại đối với các bên liên quan ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Các chiến thuật vùng xám, như các tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng để ngăn chặn các tàu của Philippines, đang leo thang và có thể khiến quan hệ giữa hai nước leo thang lên mức không thể kiểm soát. Nếu xảy ra xung đột sẽ làm gián đoạn các tuyến đường biển vận chuyển thương mại và năng lượng khắp khu vực. Điều này sẽ gây ra thiệt hại kinh tế to lớn và có thể dẫn đến xung đột khu vực".
Vị chuyên gia cảnh báo thêm: "Các nước trong khu vực cần cẩn trọng khi ứng phó tình hình, nhất là trước các hành động hung hăng, để đảm bảo việc bảo vệ chủ quyền, đồng thời rơi vào bẫy dẫn đến những hành động sai lầm. Các nước trong khu vực cần hợp tác đa phương với nhiều bên nhằm phối hợp duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)".
Tổng thống Philippines đặt điều kiện với Trung Quốc về đàm phán tranh chấp biển
Việt Nam rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28.3, trước câu hỏi về bình luận của Việt Nam trước những va chạm mới đây giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết, Việt Nam rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông.
"Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", ông Thắng khẳng định.
Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam về một số hoạt động của Trung Quốc và Philippines ở khu vực Sandy Cay ở quần đảo Trường Sa, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Đậu Tiến Đạt
Bình luận (0)