'Run quá cán bộ ơi'

02/10/2017 16:00 GMT+7

Một thí sinh 'đặc biệt' nói với giám khảo 'đặc biệt' trong một cuộc thi tay nghề cũng 'đặc biệt' không kém: 'Run quá cán bộ ơi! Hồi nào tới giờ có bao giờ đi thi đâu'

Ngày 30.9, tại Trại giam Châu Bình (H.Giồng Trôm, Bến Tre) diễn ra hội thi tay nghề dành cho phạm nhân (PN) năm  2017, với sự háo hức tham dự của nhiều PN.
Ít ai biết rằng những sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế này được làm bởi những người trước đó từng gieo rắc sợ hãi cho xã hội.
“Run quá cán bộ ơi!”
Từ chiều 29.9, không khí tại nhà huấn luyện của trại giam đã rất sôi nổi. Cán bộ, chiến sĩ và PN trại giam đưa máy may, dụng cụ và nguyên vật liệu chuẩn bị cho cuộc thi. Gần 7 giờ ngày 30.9, có 80 PN tay nghề giỏi nhất đại diện cho hơn 2.200 PN của trại tập trung về nhà thi đấu. Các PN thi 4 nội dung nghề được coi là thế mạnh của trại: may túi xách, đan ghế, đan lát lục bình và đan bội (lồng bằng thép). Có 40 PN may túi xách, 20 PN đan lục bình, 10 PN đan ghế và 10 PN đan bội.
Thiếu tá Võ Văn Tòng, Phó giám thị trại phụ trách kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề, đồng thời là Trưởng ban giám khảo cuộc thi, cho hay cuộc thi kéo dài 2 giờ 30 phút. Khi thời gian thi kết thúc, PN nào có nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nhất thì thắng cuộc. Giám khảo của cuộc thi là các cán bộ quản giáo dạy nghề.
Đúng 7 giờ 30, cuộc thi bắt đầu. Khi nghe hiệu lệnh thông báo từ ban tổ chức, các PN không ai bảo ai ganh đua làm nhanh nhất trong khả năng có thể. Tại chỗ may túi xách, hầu như các PN làm không ngơi tay. Việc may túi xách được chia nhiều công đoạn: người may, người cắt chỉ, người gắn quai vào túi. Các công đoạn phải diễn ra nhịp nhàng bởi chỉ cần một người làm chậm sẽ ảnh hưởng tới cả dây chuyền. Nếu đan bội cần sự khỏe mạnh của đôi tay, đan lục bình cần sự khéo léo thì đan ghế lại cần sự nhanh nhẹn, chính xác đến từng mm.
Lần đầu phạm nhân thi nghề 2
Lần đầu phạm nhân thi nghề 4
Lần đầu phạm nhân thi nghề 3
Lần đầu phạm nhân thi nghề 5Phần tranh tài hào hứng
Vừa thoăn thoắt xỏ từng sợi nhựa dài vào thành ghế, PN Phan Hồng Tuấn Kiệt (28 tuổi, quê Thừa - Thiên Huế), kể: “mình bị án 15 năm vì tội cướp tài sản, đến nay thụ án được 9 năm”. Hai năm gần đây Kiệt được cán bộ trại dạy học nghề đan ghế. Hiện mỗi ngày Kiệt được giao làm 6 ghế nhưng khi nào cũng vượt chỉ tiêu.
Kế bên là PN Khung Tuấn Vũ (34 tuổi, quê Kiên Giang, án 13 năm vì tội hiếp dâm trẻ em, mới thụ án 3 năm) nhanh chóng đan xong một ghế.
Khi quản giáo lại kiểm tra, Vũ thật thà nói: “Run quá cán bộ ơi! Hồi nào tới giờ có bao giờ đi thi đâu”, rồi kể khi biết mình nằm trong danh sách thi, Vũ mừng và hào hứng lắm.
Hướng cho PN có nghề
PN Nguyễn Tuấn Khanh (32 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ: “Tôi không nghĩ vào trại mà vẫn được học nghề, được làm nghề và được thi, sau cuộc thi, còn được gặp người nhà. Đó là niềm hạnh phúc khó tả”.
Khanh đã chấp hành án ở trại giam 2 năm 6 tháng, chỉ còn 2 năm nữa Khanh được về với xã hội, với gia đình mình. “Giờ chỉ mong sau này ra ngoài, xã hội sẽ chấp nhận, cho tôi được có cơ hội làm người, làm việc gì đó có ích cho đời”, Khanh nói.
Lần đầu phạm nhân thi nghề 7
“Con trai tui ngày xưa mê chơi rồi sa đà tụ tập buôn bán xì ke, bị dính án. Khi nó đi tù ở nhà ai cũng lo không biết trong đó sống thế nào. Hôm nay được tận mắt thấy vầy, tôi cũng yên tâm. Chỉ mong con nó học được cái nghề rồi sau này tìm được công viêc ổn định nuôi sống bản thân”, bà Hằng ao ước. Nói xong bà Hằng cùng với 150 thân nhân háo hức đi tới chứng kiến cuộc thi mà ở đó các PN đang sôi nổi tranh tài.
Theo đại diện của đơn vị dạy nghề, 90% sản phẩm công ty đặt trại gia công sử dụng cây lục bình để đan giỏ, bàn ghế... Nguyên liệu đơn vị dạy nghề cung cấp cho trại; trại làm thành phẩm. Sản phẩm của PN trại giam Châu Bình làm rất đẹp và đạt tiêu chuẩn cao.
Đại tá Phạm Chí Trường, giám thị trại giam Châu Bình, cho biết hội thi nhằm giáo dục dạy nghề cho PN, hướng cho họ một nghề nghiệp mà trước khi vào trại giam họ không biết. Hằng năm tổ chức bình chọn PN xuất sắc, tiêu biểu có tay nghề cao để thi; khuyến khích cho PN khác cố gắng, học hỏi, sau khi ra tù để họ có thể xin việc; sau khi tham gia lớp học nghề thì sẽ có chứng chỉ học nghề của tỉnh Bến Tre cấp.
Khi nghe bà Lưu Thị Thanh Trúc (ngụ Bến Tre) chia sẻ con bà hai lần vào tù vì lần trước ra tù đi xin việc không ai nhận rồi sa vào con đường phạm tội, ông Trường hứa sẽ liên hệ các đơn vị để xin cho con trai bà Trúc một việc làm ổn định sau khi chấp hành án xong.
Ông Trường cho biết PN của trại có trình độ học vấn thấp, nên thời gian qua, trại đã liên kết với đơn vị dạy nghề giúp hàng ngàn PN học nghề, hướng họ đến cuộc sống đơn giản, bình thường, không sa vào con đường tội lỗi nữa.
Để làm được việc này, ngoài sự cố gắng của cán bộ trại thì gia đình phải luôn ủng hộ, sát cánh với PN để khi ra ngoài họ không hổ thẹn, tự ti về bản thân mình.
Thân nhân “thị sát” nơi học nghề của PN
Ngoài tổ chức hội thi nghề cho PN, trại giam Châu Bình còn tổ chức cho hơn 150 thân nhân của PN “thị sát” tận nơi học nghề và làm việc của PN.
Khi nhận được thư mời thăm nơi học nghề của con, bà Cao Thị Thúy Hằng (48 tuổi, mẹ của PN Lê Thanh Tú, bị án 9 năm ở trại) mừng hết sức. 2 giờ sáng, vợ chồng bà Hằng lui cui chạy xe máy từ Q.4 (TP.HCM) xuống tận trại thăm con.
* Vinh dự lên bục lãnh giải thưởng
Cuối buổi thi, theo đánh giá của đơn vị dạy nghề, hầu hết sản phẩm của PN đều đạt yêu cầu. Có 6 giải nhất (tiền thưởng 1,5 triệu đồng), 6 giải nhì (thưởng 1 triệu đồng), 6 giải ba (thưởng 500.000 đồng), 9 giải khuyến khích (thưởng 300.000 đồng), 2 giải đồng đội (2 triệu đồng), 1 giải tập thể (thưởng 5 triệu đồng) trao cho các cá nhân, tập thể PN. Số tiền thưởng sẽ được trao tượng trưng sau đó ghi vào sổ để PN mua các mặt hàng thiết yếu sử dụng.
Lần đầu tiên các PN lên bục vinh dự lãnh cờ, giải thưởng và hoa với sự vỗ tay ngớt của gia đình, người thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.