Rúng động tấn công bằng cung tên ở Na Uy

Văn Khoa
Văn Khoa
15/10/2021 06:44 GMT+7

Vụ tấn công bằng cung tên làm 5 người thiệt mạng gây rúng động Na Uy, khiến cảnh sát trên toàn nước này được lệnh phải mang theo vũ khí.

Cảnh sát phong tỏa một khu vực sau vụ tấn công

AFP

AFP hôm qua dẫn lời cảnh sát Na Uy cho hay vụ tấn công bằng cung tên đã xảy ra tại thị trấn Kongsberg, cách thủ đô Oslo khoảng 80 km về phía tây, vào lúc 18 giờ 13 phút ngày 13.10 (giờ địa phương). Vụ tấn công xảy ra ở nhiều địa điểm khác nhau khiến 5 người thiệt mạng và 2 người bị thương nặng, trong đó có 1 cảnh sát không thuộc ca trực ở trong một cửa hàng.

Bà Hansine,

chứng kiến vụ tấn công

, kể với kênh TV2 rằng bà nghe có tiếng ồn, rồi sau đó thấy một phụ nữ tìm nơi ẩn náu và một người đàn ông đứng gần đó với một bao tên trên vai và cây cung trong tay. “Sau đó, tôi thấy nhiều người tháo chạy để tìm đường sống, có một phụ nữ đang bế con”, bà Hansine nói.

Nghi phạm bắn cung giết chết 5 người bị bắt tại Na Uy

Cảnh sát trưởng địa phương Oyvind Aas xác nhận nghi phạm đã dùng cung tên trong vụ tấn công và thoát được trong cuộc đối đầu với cảnh sát ngay sau đó, theo BBC. Đến 18 giờ 47 phút ngày 13.10, nghi phạm bị bắt và bị đưa đến đồn cảnh sát ở thị trấn Drammen gần đó.

Cảnh sát cho hay nghi phạm là một người Đan Mạch, 37 tuổi, không phải người Na Uy như đồn đoán lúc đầu, và chỉ có một người liên quan vụ tấn công. Động cơ tấn công của nghi phạm chưa được công bố, nhưng không loại trừ khả năng

tấn công khủng bố

. Cảnh sát trưởng khu vực Ole Bredrup Saeverud hôm qua cho hay nghi phạm đã cải sang đạo Hồi và cảnh sát từng lo lắng về dấu hiệu cực đoan của người này, theo Reuters.

Mũi tên dính trên tường gỗ trong vụ tấn công

Reuters

Phản ứng về vụ tấn công, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nhấn mạnh: “Những sự kiện này gây rúng động cho chúng ta”. Ngày 13.10 là ngày tại nhiệm cuối cùng của bà Solberg và bà trao quyền lực lại cho người kế nhiệm là ông Jonas Gahr Store hôm qua. Ông Store cũng đã mô tả “những gì chứng kiến ở Kongsberg là hành động tàn bạo và kinh khủng”. Đây là vụ tấn công gây chết người nhiều nhất ở Na Uy kể năm 2011, khi Anders Behring Breivik có quan điểm cực đoan giết chết 77 người, theo Reuters.

Sau vụ tấn công ở Kongsberg, cảnh sát đã phong tỏa hiện trường, đồng thời kêu gọi người dân ở nhà. Một trực thăng và một đội gỡ bom cũng được điều động đến hiện trường. Ngoài ra, Cảnh sát quốc gia Na Uy ra lệnh các thành viên trên toàn quốc phải mang theo vũ khí. Cảnh sát Na Uy thường không mang theo súng, nhưng khi cần đều được phép dùng vũ khí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.