Miền tây Quảng Trị, nơi hàng ngàn đời nay người Vân Kiều, Pa Kô cư ngụ, sống như cây rừng, vận theo quy luật của sông của núi. Những tập tục truyền thống từ thuở xa xưa được họ giữ gìn qua nhiều đời, cho đến nay vẫn còn khá huyễn hoặc với những người miền xuôi.
|
Lãnh địa của người chết
Thực ra, với người Pa Kô, “rừng ma” là nghĩa trang nhưng khá rộng lớn, có những ngôi mộ lẫn trong lau lách um tùm, những cây cổ thụ. Những ngôi mộ không hề có đá bia ghi tên tuổi mà chỉ phân biệt bằng cách dùng viên đá to, cành cây lớn để làm dấu. Đối với họ, chết nghĩa là hết, là qua thế giới khác, nên muốn để cho “con ma” không thể tìm đường về nhà, “rừng ma” thường được lập ở những nơi thật xa, có lúc cách bản cả mấy quả đồi, thậm chí còn giáp với vùng biên nước bạn Lào.
“Rừng ma” phổ biến tại các bản làng vùng cao nhưng không phải ai cũng biết về nó, hay dám hoặc muốn nhắc đến nó. Đến một ông lão tuổi 70 như Vỗ Ngại (thôn A Đăng, xã Tà Rụt, H.Đakrông) còn thoáng giật mình khi biết có người lạ đến hỏi về “rừng ma”. “Mấy chú là ai? Biết về cái nớ làm gì? Muốn vào rừng để làm gì? Không phải chuyện chơi đâu...”, Vỗ Ngại truy xét.
Giải tỏa được hết những hoài nghi, ông Ngại mới hé mở rằng đó là nơi chốn âm u, rậm rạp rất ít người lui tới. Khi ai đó đã nằm lại ở “rừng ma” thì người thân của họ cũng không được đến thắp hương, khấn vái gì, có chăng chỉ được bái vọng ở nhà, mời họ về. Vì “rừng ma” là chốn linh thiêng nên muốn vào chỉ có hai cách: một là... lẻn vào, hai là phải xin phép. “Nếu lẻn vào mà bị người ta bắt được sẽ bị phạt vạ rất nặng với lễ vật lợn gà, vì tội xâm phạm lãnh địa của người chết. Bởi chỉ cần thay đổi vị trí một hòn đá, bẻ một cành cây đã làm kinh động đến những linh hồn. Còn nếu xin phép thì ta không đủ tư cách mà phải nhờ một người có uy tín đứng ra trình bày với các linh hồn danh tính và mục đích của người muốn vào...”, Vỗ Ngại nói.
Ngày nay, khi ánh sáng văn hóa đã len lỏi đến tận những bản làng xa xôi nhất thì “rừng ma” dần biến mất hoặc teo nhỏ dần. Và không phải bản nào cũng có “rừng ma” cho riêng mình nữa. Lý do có vẻ như rất... thành thị: do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. “Trước đây “rừng ma” rất rộng lớn, không mấy gọn gàng nhưng nay người dân đã có ý thức hơn khi chôn người chết, cùng với đó thì sau 10 hoặc 20 năm, các phần mộ được cải táng đưa về một nơi nhất định, phạm vi hẹp nên những nơi trước đây là rừng ma giờ vẫn làm rẫy được...”, Vỗ Húc (80 tuổi, trú thôn A Liêng, xã Tà Rụt) chậm rãi phân tích.
Dòng chảy của linh hồn
“Rừng ma” và lễ Ariêu Ping trong văn hóa người Pa Kô có mối quan hệ dường như không thể tách rời. Đó là hành trình của người đã khuất ở thế giới bên kia. Nếu như rừng ma là nơi chôn cất lần 1 đối với người chết thì lễ Ariêu Ping là thủ tục để chôn cất lần 2 khi tro cốt đã mục nát. Tôi là người may mắn được tham dự một lễ Ariêu Ping tại bản A Liêng (xã Tà Rụt) vào tháng 7 năm ngoái. Nói là may mắn bởi lần gần đây nhất dân bản A Liêng tổ chức Ariêu Ping là từ năm 1986.
|
Đêm trước đó, những người được giao trọng trách sẽ vào “rừng ma” để cất bốc số tro cốt của người chết, để trong các hộp gỗ nhỏ rồi mang về đặt vào n trạp (nhà viếng). Điều cấm kỵ nhất trong không gian chật hẹp, nghi ngút khói hương này là không được dừng tiếng trống, tiếng chiêng nên các trai bản cứ phải đánh thâu đêm suốt sáng... “Giống như ở trần gian có già làng trưởng bản thì ở thế giới khác cũng sẽ có một thủ lĩnh, họ sẽ gọi các linh hồn về dự đông đủ. Vì vậy Ariêu Ping cũng giống như ngày kỵ giỗ ở dưới xuôi nhưng đây là giỗ tập thể. Vì thế bà con dòng tộc nội ngoại sẽ kéo đến rất đông chuyện trò và uống rượu mà không cần phải mời...”, Kôn Hê, già làng ở bản A Liêng, nói với tôi như vậy.
Theo tục lệ, Ariêu Ping càng lớn, khách càng đông thì càng thành công vì người Pa Kô tin rằng những linh hồn đã khuất sẽ vui khi thấy dân bản ăn nên làm ra, có cuộc sống sung túc. Điều đó cũng nói lên rằng lễ Ariêu Ping, lễ tri ân người chết nhưng lại tôn vinh những người sống luôn biết hướng về nguồn cội, như đời đời kiếp kiếp người Pa Kô luôn giữ gìn.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)