Rùng mình những chuyến đò ngang

12/06/2010 23:47 GMT+7

Phòng CSGT đường thủy Công an TP Cần Thơ cho biết chỉ trong hơn một tháng kể từ khi phà Cần Thơ ngưng hoạt động, lực lượng tuần tra đã phát hiện và xử lý 292 trường hợp vi phạm, tạm giữ 12 phương tiện chở khách trên sông Hậu với các lỗi: phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển không bằng cấp chuyên môn; chở quá số người quy định...

Tử thần rình rập...

Chiều 10.6, PV Thanh Niên tháp tùng lực lượng CSGT đường thủy tuần tra từ bến phà Cần Thơ đến khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc. Trên đoạn sông dài khoảng 10 km, chúng tôi  ghi nhận có ít nhất 4 bến đò tự phát mới mọc lên. Hàng chục phương tiện (chủ yếu là ghe tam bản hoặc vỏ lãi cũ kỹ), không đăng ký, đăng kiểm; không trang bị phao cứu sinh, cứu đắm vẫn bình thản vượt sông đưa rước khách. Khách ở các bến đò tự phát này phần lớn là  học sinh, sinh viên, công nhân và người dân từ 2 huyện Bình Tân và Bình Minh (Vĩnh Long) sang TP Cần Thơ học tập, lao động và buôn bán.

Tại bến đò Cô Bắc (P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy), lực lượng tuần tra kiểm tra chiếc đò ngang biển số CT-01266 do ông  Bùi Văn Mau (38 tuổi, ngụ H.Bình Tân, Vĩnh Long)  điều khiển. Mặc dù tải trọng chỉ cho phép chở tối đa 45 hành khách, nhưng chiếc đò này chở  đến 75 người và 45 xe Honda (!?). Cũng tại bến này, chiếc đò VL-6424 do Võ Thanh Long (28 tuổi, ngụ H.Bình Tân, Vĩnh Long) điều khiển chở dư đến 34 khách. Tại bến đò Cái Chôm (KCN Trà Nóc, P.Phước Thới, Q.Ô Môn), lực lượng tuần tra phát hiện chiếc đò biển số VL-13191 do ông Nguyễn Thành Chiến (37 tuổi, ngụ H.Bình Tân, Vĩnh Long) không có bằng cấp chuyên môn điều khiển, chở 130 khách, trong khi sức chở của phương tiện chỉ 49 người. Chiếc đò VL-2863 do ông Nguyễn Văn Giúp (46 tuổi, ngụ xã Bình Tân) điều khiển chở dư 28 khách. Nghiêm trọng hơn là tại bến đò Rạch Nọc (P.Phước Thới, Q.Ô Môn), lực lượng tuần tra phát hiện chiếc đò ĐT-17982 do ông Nguyễn Thành Lợi (38 tuổi, ngụ P.Thới An, Q.Ô Môn) điều khiển chở đến 95 khách và 50 mô tô, trong khi phương tiện chỉ đăng ký chở 49 người…             

Không còn cách nào khác?

Tiếp xúc với chúng tôi, khách đi đò nói họ cũng thấy việc qua sông trên những chuyến đò ngang như thế là rất nguy hiểm, nhưng không có cách chọn lựa nào khác. Bà Nguyễn Thị Mỹ (48 tuổi, ngụ H.Bình Tân) nói trước đây khi bến phà Cần Thơ còn hoạt động thì người dân từ phía bờ Vĩnh Long sang TP Cần Thơ làm việc, buôn bán chỉ tốn 2.000 đồng tiền phà. Còn hiện nay từ bến phà cũ bên phía Vĩnh Long theo đường dẫn, qua cầu đến TP Cần Thơ phải trên 20 km, đến KCN Trà Nóc phải hơn 30 km. Trong khi tuyến này hiện chưa có xe buýt, nếu đi bằng xe gắn máy thì mỗi ngày đi về tốn hơn 1 lít xăng, mất hơn 20 ngàn đồng.

Những người dân buôn bán nông sản nhỏ ở 2 huyện Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long) còn khó khăn hơn. Họ cho biết trước nay ngày nào họ cũng đi mua hàng nông sản sản xuất tại địa phương mang sang các chợ nhỏ ở Cần Thơ bỏ mối, kiếm lời mỗi ngày vài chục ngàn đồng. Trước đây họ chỉ tốn 2.000 đồng qua phà. Nay phà ngưng hoạt động, nếu chở hàng đi vòng qua đường cầu Cần Thơ bằng xe gắn máy ôm thì đi về tốn ít nhất cũng hơn 100 ngàn, thế là lỗ vốn! Do vậy, họ buộc lòng phải đi bằng con đường “tắt” (tức là qua đò ngang), dù giá mỗi lượt qua sông đến 5.000 đồng.

Nhiều sinh viên, học sinh đang học tại các trường trên địa bàn TP Cần Thơ cũng cho rằng hiện không còn con đường nào khác là đi đò sang sông, vì không thể đạp xe đi xa hàng chục cây số qua cầu Cần Thơ để đến trường, dù vẫn biết rằng qua đò ngang rất nguy hiểm.

Phà Cần Thơ sẽ "tái xuất"?

Thượng tá Hồ Văn Năm, Phó trưởng  Phòng CSGT đường thủy, Công an TP Cần Thơ, cho biết trước tình trạng đò ngang tự phát ngày càng gia tăng số lượng, Phòng CSGT đường thủy Cần Thơ đã kết hợp với cơ quan chức năng và Công an tỉnh Vĩnh Long tuyên truyền cho các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện đưa khách qua sông thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông; đồng thời xử lý nghiêm, tạm giữ nhiều phương tiện vi phạm… Nhưng xem ra, các phương tiện trên vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần. Điều đáng nói là hầu hết các phương tiện đưa khách ngang sông Hậu đều không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định và người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Khi lực lượng tuần tra phát hiện thì mỗi phương tiện đều chở dư hàng chục người cùng với hàng hóa.

“Ngày càng có nhiều người dân từ phía bờ Vĩnh Long có nhu cầu vượt sông Hậu sang Cần Thơ để học tập, làm việc và buôn bán kiếm sống. Nếu vòng qua cầu Cần Thơ thì quá xa, nhất là đối với người đi bộ hoặc đi xe đạp. Theo tôi, chính quyền TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long nên chỉ đạo cho các cơ quan chức năng có kế hoạch mở bến đò ngang tại khu vực gần bến phà Cần Thơ cũ để giúp cho người dân đi lại thuận tiện. Đó cũng là cách tốt nhất để đảm bảo ATGT đường thủy trước mùa mưa bão, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, thượng tá Năm nói.

Còn theo ông Nguyễn Quang Huống, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe tàu Cần Thơ, công ty vừa có văn bản gửi UBND và Sở GTVT TP Cần Thơ xin đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác bến phà tại vị trí bến phà Cần Thơ cũ, với tổng kinh phí xây dựng lên đến khoảng 40 tỉ đồng. Nếu được chấp thuận, công ty sẽ đưa vào khai thác loại phà từ 40 - 60 tấn để vận chuyển hành khách và xe ô tô có trọng tải từ 3,5 tấn trở xuống từ phía bờ Vĩnh Long sang Cần Thơ và ngược lại. Ngoài ra, ông Huống cho biết thêm Sở GTVT Cần Thơ đã có chủ trương phối hợp với Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long mở tuyến xe buýt từ phía bờ Vĩnh Long qua cầu Cần Thơ đến trung tâm TP Cần Thơ, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, nhất là sinh viên và công nhân viên chức đang làm việc tại TP Cần Thơ. Theo dự kiến, tuyến xe buýt trên sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6.2010.

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.