Rừng ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng

25/06/2013 09:59 GMT+7

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư vừa tổ chức hội nghị chuyên đề công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong việc quản lý, bảo vệ rừng khu vực Tây nguyên và vùng phụ cận. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là rừng ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Theo báo cáo, tình hình xâm hại rừng ở các tỉnh Tây nguyên và vùng phụ cận vẫn xảy ra với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là việc người dân xâm lấn, phá rừng làm rẫy và trồng các loại cây công nghiệp; chính quyền, công ty lâm nghiệp một số nơi lợi dụng chủ trương của Chính phủ đã chuyển đổi với diện tích khá lớn rừng giàu, rừng phòng hộ đầu nguồn để liên kết các doanh nghiệp tư nhân thuê đất để khai thác tận thu gỗ; một số nơi buông lỏng quản lý để các đầu nậu, lâm tặc tổ chức thành đường dây khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ trái phép… Trong hai năm 2011-2012, các ngành chức năng khu vực Tây nguyên và vùng phụ cận đã phát hiện hơn 7.430 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng (chiếm 25% tổng số vụ việc trên toàn quốc); trong đó, hơn 1.520 vụ phá rừng với diện tích rừng bị hại gần 1.190 ha.

Tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ gỗ rừng tự nhiên trái pháp luật đang diễn ra rất phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Bên cạnh đó, có hàng trăm vụ lâm tặc tổ chức thành lực lượng, hình thành đường dây, tụ điểm vào các khu rừng tự nhiên, rừng quốc gia để chặt hạ, vận chuyển, tiêu thụ hàng ngàn mét khối gỗ quý hiếm nhằm thu lợi bất chính. Điều đáng nói, những vụ việc nêu trên chỉ bị phát hiện bởi các cơ quan ngôn luận hoặc cơ quan chức năng cấp trên, còn tổ chức Đảng ở cơ sở dường như đứng ngoài cuộc trong việc đấu tranh, ngăn chặn hành vi phá rừng ở đơn vị mình quản lý, lãnh đạo.

Thời gian qua, UBKT T.Ư đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Đảng và đảng viên về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, UBKT các cấp đã trực tiếp kiểm tra và phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng, như: UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty Lộc Phát  khảo sát, lập dự án trồng cao su tại huyện Krông Năng với diện tích hơn 350 ha và huyện Ea Hleo hơn 390 ha rừng giàu, rừng phòng hộ; tỉnh Bình Phước chuyển đổi hơn 42.000 ha rừng và giao cho 227 dự án trồng cao su, qua kiểm tra phát hiện 17 dự án sai phạm; UBKT tỉnh Quảng Nam phát hiện lâm tặc câu kết với cán bộ địa phương phá rừng ở khu vực Khe Diên, H.Quế Sơn; UBKT tỉnh Đắk Nông phát hiện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, đã liên kết với các doanh nghiệp tư nhân trồng rừng với diện tích hơn 2.900 ha nhưng doanh nghiệp đã để mất hơn 1.000 ha rừng;  UBKT tỉnh Khánh Hòa phát hiện vụ chặt phá hơn 100 ha rừng, bán không thông qua đấu giá gần 350 m3 gỗ ở H.Khánh Sơn… Qua kiểm tra đã phát hiện 81 tổ chức, 165 đảng viên vi phạm về trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng; xem xét, kỷ luật 5 tổ chức và 82 đảng viên.

Theo UBKT T.Ư, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xâm hại rừng ở các tỉnh Tây nguyên và vùng phụ cận với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như: do nhu cầu về gỗ trên thị trường lớn, giá cả cao là động lực thúc đẩy các đầu nậu mua bán gỗ; lâm tặc ngày càng có nhiều thủ đoạn để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, kể cả liên kết phá rừng, mua chuộc, đe dọa, hành hung cán bộ quản lý, bảo vệ rừng… Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh, đặc biệt là UBKT các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Rừng ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng

Khu vực rừng ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa bị chặt phá - Ảnh: Nguyễn Chung

Rừng ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng

Một vụ phá rừng ở Đăk Nông bị kiểm lâm phát hiện - Ảnh: Phan Bá

Nguyễn Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.