Mô phỏng cấu trúc chiếc mũi của lạc đà, các nhà khoa học đã phát triển thành công một khu rừng nhân tạo rộng 10.000 m2 trong sa mạc.
3,3 triệu bảng Anh được đầu tư để xây dựng cấu trúc nhà kính khổng lồ tại Qatar, mang lại sự sống cho một trong những địa điểm khắc nghiệt nhất thế giới. Nước sẽ được bơm từ độ sâu 200m dưới lớp cát sa mạc để nuôi dưỡng các loại cây, rau và tảo. Hệ thống lưu thủy sẽ làm việc tương tự lỗ mũi lạc đà bằng cách liên tục ngưng tụ nước bốc hơi trong ngày. Cách hô hấp của loài lạc đà rất đặc biệt: khi chúng thở làm hơi nước trong cơ thể thoát ra, lập tức chiếc mũi lại thu hơi nước vào. Mũi lạc đà còn có khả năng thu khí ẩm ban đêm trong sa mạc.
Cấu trúc này sử dụng quang năng để bơm nước vào. Không khí nóng trong sa mạc làm bốc hơi nước bề mặt nhưng cấu trúc đặc biệt sẽ làm mát nhà kính trước khi hơi nước thoát vào bầu trời. Nhờ vậy nhà kính được giữ ở một nhiệt độ lý tưởng cho sự tăng trưởng của thực vật.
Joakim Hauge, Giám đốc điều hành dự án rừng Sahara, nói rằng dự án thí điểm tại Qatar chứng minh lợi ích của hệ thống công nghệ chống thất thoát hơi nước. Thiết kế này là giải pháp tốt cho môi trường, xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững. Rau và các loại tảo phát triển trong dự án nhà kính này có thể dùng làm sinh khối để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Theo báo Daily Mail, các nhà quản lý dự định vận hành nhà kính này vào đúng dịp hội đàm quốc tế về khí hậu COP 18, sẽ được tổ chức tại Doha vào tháng 7 năm nay.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)