Rưng rưng cùng 'Nước mắt và niềm vui' của Vũ Thành Trung

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/03/2023 11:09 GMT+7

"Đọc hồi ký Nước mắt và niềm vui - những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông của đại tá Vũ Thành Trung, tôi đã khóc theo những chi tiết do anh kể lại trên từng trang viết bằng văn phong hết sức bình dị, chân tình", nhà văn Kim Quyên thú nhận.

Kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM, sáng 24.3 Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức buổi ra mắt sách hồi ký Nước mắt và niềm vui – Những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông (của tác giả Vũ Thành Trung, NXB Hội Nhà văn ấn hành) và cùng giao lưu văn học về tầm quan trọng của văn chương phi hư cấu.

Rưng rưng cùng 'Nước mắt và niềm vui' của Vũ Thành Trung - Ảnh 1.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM (phải) trao hoa chúc mừng cho tác giả ra mắt tác phẩm mới

NVCC

Nói về cuốn sách mới Nước mắt và niềm vui – Những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông, nhà văn Hoài Hương nhận xét: "Có nhiều trang viết ứa nước mắt. Là tình đồng đội đồng chí giành hy sinh về mình, cho nhau sự sống. Là sự trung kiên dũng cảm, quyết chiến không lùi bước, không nhụt chí, không dao động cho dù gian nan, cho dù đầy khốc liệt, cho dù sinh tử trong gang tấc. Những trang viết quá xúc động khi tác giả kể lại câu chuyện tình yêu, kể lại những khoảnh khắc ấm áp ở bệnh xá dã chiến được chăm sóc, được chiều chuộng được yêu thương, là tình quân dân như cá với nước, là tình yêu với rừng với thiên nhiên… Ai bảo những người lính giải phóng chỉ biết cầm súng?".

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trầm Hương cho biết thêm: "Đại tá Vũ Thành Trung (Mười Trung), nguyên Phó ban quân báo Quân khu 10, Trưởng ban Quân báo tỉnh Bình Phước, sau ngày hòa bình làm trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Dương nhiều năm trước gặp tôi. Anh bày tỏ ước nguyện viết hồi ký về những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường Tây nguyên và Đông Nam bộ".

Nhà văn Trầm Hương kể: "Ở tuổi 80, cựu binh Mười Trung tự lái xe đưa tôi cùng Nguyễn Hoàng – đạo diễn phim tài liệu về chiến trường xưa. Về Phan Thiết, tôi mới biết anh là con trai của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Sửu - một bà mẹ chiến sĩ ở Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời chống Mỹ, bà mẹ ấy tiếp tục nuôi giấu cán bộ, dũng cảm gánh xương trâu bò bị cà-nông địch bắn chết, đi đấu tranh trực diện đòi bồi thường thiệt hại cho đồng bào. Người mẹ ấy dám dang tay cản xe tăng địch càn vào ruộng trồng hoa màu. Chiến tranh càng ác liệt, mẹ càng mong đợi anh em đi tập kết trở về, được gặp đứa con trai út Vũ Thành Trung mà mẹ yêu quý nhất. Trước mộ mẹ, Mười Trung nghẹn ngào: "Mẹ mất năm 1961, khi tôi vào chiến khu mới vài tháng. Các cậu tập kết sau ngày hòa bình về không được gặp mẹ. Bà cũng không còn dịp để gặp lại tôi, không có dịp gặp con dâu và mấy đứa cháu nội. Hồng Sơn này có nhiều bà mẹ thầm lặng như mẹ tôi. Cực khổ, hy sinh nhiều nhưng không kịp thấy ngày hòa bình. Sau này, Nhà nước mới truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ tôi…".

Rưng rưng cùng 'Nước mắt và niềm vui' của Vũ Thành Trung - Ảnh 2.

Đại tá Vũ Thành Trung (bìa trái) với Anh hùng LLVT - phi công Nguyễn Thành Trung ngày 26.2.2022

Nguyễn Hoàng

Nước mắt và niềm vui – Những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông được chia ra hai phần: Chiến tranh và Hòa bình. Theo nhà văn Hoài Hương: "Phần Chiến tranh chiếm phần lớn số chương trong tác phẩm, tác giả Vũ Thành Trung đã ký họa khá chi tiết một góc cuộc chiến tranh ở chiến trường khu 6-Bình Thuận, chiến trường Nam Tây Nguyên, chiến trường miền Đông Nam bộ những ngày tháng ác liệt nhất. Khi mà tương quan lực lượng giữa quân du kích của ta với quân đội Sài Gòn trong những năm đầu thực hiện Hiệp định Geneve và phía chính quyền Đệ Nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm đã vi phạm đầy khốc liệt. Hay những cuộc hành quân chiến đấu ở Tây Nguyên, không chỉ là thử thách sinh tử bom đạn của quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn mà còn là những cơn sốt rét rừng ác tính có thể lấy sinh mạng trong chớp mắt. Là những trận giao tranh ác liệt giữa quân giải phóng trang bị vũ khí thô sơ với quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa với toàn những đơn vị thiện chiến cùng vũ khí hủy diệt hiện đại trong các chiến dịch "tìm diệt", các trận càn tổng lực hòng làm "trắng rừng" ở rừng miền Đông, "bóc" căn cứ của Trung ương Cục lãnh đạo cuộc chiến tranh của Mặt trận Giải phóng…".

Phần Hòa bình gần như là những trang viết rút ruột của tác giả, đầy chân thật, đầy tha thiết, đầy đau đáu tâm can những nỗi niềm về đất nước sau chiến tranh, chưa kịp ổn định để kiến tạo xây dựng thì lại phải ứng phó với một cuộc chiến không báo trước, là bạn thành thù – hai cuộc chiến biên giới Tây Nam, phía Bắc… Rồi là các chính sách về kinh tế ở miền Nam đầy phức tạp...

Rưng rưng cùng 'Nước mắt và niềm vui' của Vũ Thành Trung - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trầm Hương (phải) và tác giả Vũ Thành Trung tại buổi giao lưu sáng 24.3

NVCC

Tuy nhiên, điều thú vị trong Nước mắt và niềm vui – Những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông chính là ở phần Hòa bình. "Có những chi tiết mà trước nay rất nhiều tác phẩm văn học khác còn dè dặt đề cập, thậm chí có lúc còn là 'vùng cấm', thì tác giả, không phải che đậy mỹ miều uốn éo ngôn từ, mà gọi thẳng tên sự việc, 'Những riêng chung cùng đất nước-Thử thách thời bình', để thấy rõ những ấu trĩ, những giáo điều, những lúng túng khuyết yếu của những chính sách trong thời bình. Vâng! Ta có thể chiến thắng trong chiến tranh một đế quốc hùng mạnh, nhưng trong kiến tạo đất nước, thì ta không thể thắng bằng tinh thần được. Một cái nhìn dũng cảm đầy tinh thần trách nhiệm của một chiến binh-tác giả Vũ Thành Trung", nhà văn Hoài Hương nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.