Rưng rưng hồi ức với Dạ cổ hoài lang

18/03/2017 07:00 GMT+7

Chiều 17.3, bộ phim Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, được chuyển thể từ vở kịch nổi tiếng cùng tên, có buổi chiếu ra mắt báo giới tại TP.HCM trước khi công chiếu rộng rãi từ 24.3.

Năm 1993, khi nghe bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, diễn viên Thanh Hoàng nghĩ ra ý tưởng viết một kịch bản sân khấu kết hợp những cảm xúc do bản cổ nhạc mang đến cùng các câu chuyện về cuộc sống nơi đất khách quê người. Cuối năm 1994, kịch Dạ cổ hoài lang kể về cuộc sống và nỗi niềm của hai ông già người Việt trên đất Mỹ công diễn lần đầu tiên trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần do Công Ninh làm đạo diễn, Thành Lộc đóng vai ông Tư Lành, nghệ sĩ Việt Anh vào vai ông Năm Triều, Hồng Vân - Quốc Thảo khi đó đóng vai nhân vật chàng trai, cô gái trẻ.
Hơn 23 năm qua, Dạ cổ hoài lang đã có hơn 1.200 suất diễn và đã được dựng với 3 phiên bản: trên Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, Sân khấu IDECAF và bản lưu diễn tại Mỹ mới đây, mỗi phiên bản lại có nét riêng và đều gây xúc động cho người xem. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã từng đóng các vai chính trong vở kịch này như: Lê Vũ Cầu, Thanh Hoàng, Hoài Linh, Hữu Châu, Phương Linh, Cao Minh Đạt, Ngọc Trinh, Tường Vy, Vân Trang, Quý Bình, Lương Thế Thành...
Khoác tấm áo mới
Với vai Tư Lành trong Dạ cổ hoài lang lần này, cuối cùng Hoài Linh đã có một vai diễn điện ảnh đầu tiên xứng đáng với tài năng. Hoài Linh cho biết: “Đây là vai diễn mà tôi kỳ vọng, tâm đắc và thực sự đã “rút ruột” để diễn trong bộ phim đầy cảm xúc này, khi bản thân trải nghiệm nhiều năm sống ở nước ngoài cùng cảm xúc từng hóa thân vào vai Tư Lành trong vở kịch trên sân khấu”.
Chuyển thể một kịch bản sân khấu lên phim, lại là vở diễn đã in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ khán giả trong và ngoài nước là thách thức lớn với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Anh cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi đã đem ý tưởng trao đổi với nhà sản xuất và tìm được sự đồng thuận, thế là tôi bắt tay vào làm. Tôi đã liên hệ nhiều lần với nghệ sĩ Thanh Hoàng để mua tác quyền chuyển thể vở kịch và mời thêm cô Thái Hà - một biên kịch người Việt ở Mỹ - biên tập lại”. Theo đạo diễn Quang Dũng, với Dạ cổ hoài lang điện ảnh thì ngoài việc khơi gợi cảm xúc nhớ quê hương của người xa xứ, anh sẽ tập trung xoay quanh mâu thuẫn giữa hai thế hệ già và trẻ, giữa những tư tưởng hiện đại Tây phương và những quan niệm truyền thống VN với “hy vọng bộ phim chạm được tới trái tim của các khán giả trẻ, nhắc mọi người gìn giữ mối quan hệ với người thân - cha mẹ - ông bà mình”.
Nếu ai đã xem bản dựng Dạ cổ hoài lang trên Sân khấu 5B Võ Văn Tần ắt hẳn sẽ biết rõ cả vở chỉ có hai cảnh: trong nhà và sân thượng. Do vở diễn được thực hiện với quy mô sân khấu nhỏ nên tính ước lệ sân khấu rất cao, và vở kịch chinh phục khán giả nhờ vào lời thoại, diễn xuất của diễn viên là chính. Vì thế, khi xem phim, có thể thấy đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã phải tìm tòi, sáng tạo để có nhiều chi tiết, tình tiết, bối cảnh mang tính điện ảnh hơn. Bối cảnh trong phim đa dạng hơn dù vẫn còn hẹp do kịch bản câu chuyện. Đoàn phim đã phải quay hình ở vùng sông nước ở miền Tây Nam bộ để tái hiện ký ức từ thuở ấu thơ đến thời thanh xuân của 3 nhân vật Tư Lành, Năm Triều, Út Trong; rồi cất công sang tận Canada, Mỹ để chờ đợi tuyết rơi cho các cảnh quay quan trọng xuất hiện trong phim.
Trong trẻo mà đắng cay
Ông Tư Lành (Hoài Linh đóng) trốn viện dưỡng lão về thăm nhà trong ngày giỗ của vợ, cứ ngỡ con trai và đứa cháu nội duy nhất đang chuẩn bị mâm cơm cúng giỗ, thế nhưng ông đã lầm, cô cháu gái chuẩn bị tiệc sinh nhật cho bạn trai, còn con trai của ông thì bận đi làm không về được. Và ông Năm Triều (Chí Tài), người bạn chí cốt cũng là “tình địch” từ thời thơ ấu ở quê nhà, giờ đây đồng cảnh ngộ nơi xứ người khi bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão cho khỏi phiền phức, đã có mặt cúng giỗ cho người con gái mà hai ông từng yêu suốt từ nhỏ đến thanh xuân và rồi già đi cùng nhau nơi trời Tây. Những thước phim trong trẻo, đẹp như mơ với những đứa trẻ quê nô đùa trên đồng ruộng, chiếc cầu ao thân thương, cảnh rước dâu trên ghe, đêm hát đình làng, hay những giọt nước mắt của mối tình đầu trong phim... đối lập với thực tại là khung cảnh bên trời Tây giữa bão tuyết trắng xóa, có hai ông già tóc đã pha sương ngồi ôn lại chuyện cũ đã thực sự làm người xem xúc động.
Màu sắc bao trùm của phim là nỗi niềm cay đắng đến nghẹn ngào được dồn nén vào tận đáy lòng của hai ông già Việt trên đất Mỹ. Phim có những đoạn thực sự vui vẻ khi có nhiều câu thoại hóm hỉnh, thú vị trong mối quan hệ của hai người bạn vong niên chí cốt, và cũng đầy thấm thía với những tình huống khiến khán giả cười ra nước mắt. Câu hát quen thuộc “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phán lên đàng...” của bản Dạ cổ hoài lang được vang lên trong phim 2 lần, kéo theo hồi ức của tình bạn, tình yêu sâu sắc từ thuở tóc xanh cho đến khi chân yếu tay run, rồi lìa xa cõi đời của Tư Lành - Út Trong - Năm Triều khiến khán giả không kìm được xúc động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.