Sáng 27.7 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã diễn ra buổi ra mắt tập sách ảnh mới nhất Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại và trưng bày các tác phẩm tuyển chọn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, thu hút rất đông người xem.
Tham dự buổi lễ có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê; Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM Nguyễn Trường Lưu; nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh; TS Nguyễn Khắc Thuần và TS Lý Thị Mai; Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM Đoàn Hoài Trung cùng các cựu tù Côn Đảo...
Để kịp ra mắt sách Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại và triển lãm ảnh đúng vào dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 năm nay, toàn bộ ê kíp của Nguyễn Á đều làm việc quên cả ngày đêm.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tâm sự: "Bằng quyển sách ảnh này, tôi mong muốn góp tấm lòng tưởng nhớ đến những người đã mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến nói chung, bày tỏ sự kính trọng với những tử tù, cựu tù Côn Đảo nói riêng - những 'tượng đài sống' mà tôi may mắn có cơ hội tiếp cận bằng xương bằng thịt. Họ giờ đây vẫn còn kịp ngắm và tận hưởng những tháng ngày hòa bình của đất nước. Hơn thế, tôi muốn gởi đến các bạn trẻ rằng: hãy luôn biết trân quý những giá trị của hòa bình, thấu hiểu những hy sinh cao cả của nhiều cô, chú, bác ngày trước".
Một thời thanh xuân rực lửa lý tưởng cách mạng
Đến chia vui và giao lưu với nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tại buổi ra mắt sách cùng triển lãm ảnh, các tử tù, cựu tù Côn Đảo còn ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên về những ngày tháng hào hùng đấu tranh.
Tử tù Lê Hồng Tư kể: "Hồi đó địch cứ tuyên truyền Sài Gòn là vùng an toàn. Việt cộng không thể vào được, vậy mà chúng tôi bố trí làm một lúc đánh liền 2 trận lừng lẫy ngay tại trung tâm giữa ban ngày ban mặt, tạo tiếng vang rất lớn. Sáng mồng 2 tết Mậu Thân 1968, chiến hạm Mỹ chở hàng ngàn tử tù ra Côn Đảo, đến chiều lại chở 3 tử tù: Lê Hồng Tư, Lê Minh Châu, Trương Thanh Danh cùng với anh Lê Quang Vịnh về Tổng nha Sài Gòn cho thủ tiêu. Sáng thứ hai hằng tuần, chúng đánh 4 người một trận vì chống chào cờ. Đến lúc hội nghị Paris họp, chúng lại đày 4 người ra Côn Đảo...".
Thăm lại nơi từng bị giam cầm tàn ác, "địa ngục trần gian năm xưa", các tử tù, cựu tù hồi tưởng thời kỳ gian khổ nhất của tuổi thanh xuân nhưng rực lửa lý tưởng cách mạng. Bức ảnh Vòng tay cho người nằm xuống "bắt" được giây phút tử tù Lê Hồng Tư lặng im trước ngôi mộ đồng đội cũ Phạm Ngô (tỉnh Quảng Nam) vô cùng xúc động.
Cảnh vợ chồng tử tù Võ Văn Em và cựu tù Đặng Thị Nga đang ngồi trước phòng giam đặc biệt, nơi đã giam giữ tù nhân lao động khổ sai (hầm xay lúa), trong đó có các đồng chí Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tử tù Võ Văn Em cho biết: "Suốt 8 năm, 4 tháng, 24 ngày nơi ngục tù Côn Đảo còng xích ngày đêm, chúng chuyển chúng tôi đến nhiều nơi trên đảo. Chúng đàn áp dã man mỗi khi anh em chúng tôi đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù thì chúng càng siết chặt thêm không cho tắm rửa, ăn uống thiếu thốn, đặc biệt nhất là đợt đấu tranh chống lăn tay chụp hình, chúng đàn áp đánh đập dã man làm 4 tù nhân chết liền tại chô, trong đó có anh Phạm Ngô là tử tù ở chung với tôi".
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tâm sự: "Những câu chuyện cảm động từ các nhân chứng sống là các cô chú tử tù đã khiến cho tôi cùng nhiều người được nghe tại chuồng cọp Côn Đảo bật khóc như một đứa trẻ. Sau cuốn sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại - tập 1, tôi sẽ nhanh chóng xúc tiến ngay tập 2".
"Với khả năng có hạn của mình, tôi không thể cùng lúc thực hiện trọn vẹn hết khối lượng những câu chuyện, nhân vật đồ sộ như vậy trong quyển sách giới hạn số trang và cả sức lực của bản thân để vinh danh công lao to lớn ấy. Tôi mong sẽ có dịp và có thêm điều kiện, kinh phí để có thể làm tiếp triển lãm và ra mắt sách những phần tiếp theo trong thời gian sớm nhất", nhiếp ảnh gia Nguyễn Á nhấn mạnh.
Dịp này nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cũng ra mắt cuốn sách ảnh Biệt đội giữ bình yên "đất lửa", tác phẩm kể câu chuyện về đội rà phá bom mìn trên vùng đất thép Quảng Trị.
Được sự cho phép của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, Thanh Niên xin giới thiệu một số hình ảnh từ tập sách Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại của ông:
Bình luận (0)